3 hình dung của Henry Kissinger về kết cục cuộc chiến ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiến thắng dành cho Moscow, một cuộc chiến giữa Nga và phương Tây, hay trở lại hiện trạng trước ngày 24/2 đều là những viễn cảnh có thể xảy ra, cựu chính trị gia Mỹ nói.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vừa bước sang tuổi 99, đã chia sẻ quan điểm của ông về những kết quả có thể xảy ra của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Có 3 kết quả có thể xảy ra đối với cuộc chiến này – tất cả trong số này đều có khả năng ở một mức độ nhất định,” ông Kissinger nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Spectator.

Viễn cảnh đầu tiên sẽ là “nếu người Nga giữ nguyên vị trí của họ hiện tại, họ sẽ kiểm soát được 20% lãnh thổ của Ukraine và phần lớn Donbass, khu công nghiệp và nông nghiệp chính của Ukraine, và một dải đất nằm dọc Biển Đen.”

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ là “một chiến thắng” đối với Moscow đồng thời cũng cho thấy “vai trò của NATO sẽ không còn mang tính chất quyết định như nhiều người nghĩ trước kia nữa,” chính trị gia kỳ cựu chỉ ra.

Viễn cảnh thứ hai là “nỗ lực nhằm đẩy lui lực lượng Nga ra khỏi vùng lãnh thổ mà nước này chiếm được ở thời điểm trước cuộc chiến, bao gồm Crimea, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến chống Nga là rất cao, ông Kissinger cảnh báo.

“Viễn cảnh thứ ba là, nếu như có thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu quân sự của họ, và nếu mọi chuyện trở lại hiện trạng như lúc cuộc chiến chưa bắt đầu,” vậy thì vấn đề còn lại là ở một vòng đàm phán. Nhưng nó sẽ ở trong trạng thái “đóng băng” trong một khoảng thời gian, sau đó thế bế tắc sẽ được giải quyết.

Theo ông Kissinger, “viễn cảnh thứ ba” này cũng giống như kịch bản mà ông đã từng nêu trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos vào tháng 5. Trong bài phát biểu này, ông khẳng định rằng “các vòng đàm phán hòa bình (ở Ukraine) cần phải bắt đầu trong vòng 2 tháng tới,” bằng không xung đột có thể từ chỗ “một cuộc chiến tranh giành tự do của Ukraine” biến thành “chiến tranh chống Nga.”

Việc ông Kissinger trước đó đề xuất Ukraine nhượng đất cho Nga để đổi lấy hòa bình đã khiến nhiều người ở Ukraine tức giận, trong đó Tổng thống Volodymyr Zelensky nói ông Kissinger bỗng nhiên “trồi lên từ quá khứ xa xưa và nói một phần lãnh thổ của Ukraine nên được trao cho Nga” để làm hài lòng chính quyền Moscow. Ông nói rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ đã quên rằng đây là năm 2022 và điều mà ông từng nói tại Munich vào năm 1938.

Tổng thống Zelensky ám chỉ Thỏa thuận Munich, trong đó Anh, Pháp và Italy nhất trí cắt một phần của Czechoslovakia (Tiệp Khắc) cho Đức quốc xã để tránh một cuộc xung đột xảy ra. Thế nhưng Thế chiến II đã bùng phát ngay trong năm sau đó.

Vị chính trị gia kỳ cựu nói với The Spectator rằng “mục đích của phát ngôn mà ông đưa ra tại Davos là nhằm chỉ ra rằng, cần phải đối mặt với vấn đề về các mục đích chiến tranh trước khi động lực của cuộc chiến vượt ngoài tầm kiểm soát về mặt chính trị.”

Liên quan tới chỉ trích của ông Zelensky, ông Kissinger chỉ ra rằng “trong những tuyên bố mới đây nhất của ông ta, về bản chất là ông ta đã chấp nhận luận điểm mà tôi đã đưa ra ở Davos.”

Theo RT