|
Bom hạt nhân B61-12 của Mỹ. Ảnh: News.youth.cn. |
Trong tài liệu cập nhật ngày 21/7, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận các chiến đấu cơ F-35A họ mua sẽ được sử dụng để mang theo vũ khí hạt nhân của Mỹ: “Những máy bay chiến đấu mới này sẽ thực hiện nhiệm vụ hạt nhân của NATO”.
Tờ Daily Express cho biết: "Một số bom hạt nhân B61-12 của Mỹ đã được chuyển đến căn cứ không quân Lakenheath (Anh) vào tuần trước. Tại đây đã xây dựng cơ sở lưu trữ chuyên dụng mới cho các loại bom hạt nhân. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Anh sau gần 20 năm".
B61-12 có thể được máy bay ném bom hoặc tiêm kích mang, kết hợp đặc điểm của cả vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Nó có thể điều chỉnh sức công phá 300 tấn, 5.000 tấn, 10.000 tấn và 50.000 tấn TNT. Phiên bản mạnh nhất có sức nổ gấp đôi quả bom ném xuống Nagasaki thời Thế chiến II.
Dù sức nổ không lớn so với bom hạt nhân hiện đại, nhưng nhờ tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính và bộ cánh đuôi có thể điều khiển, B61-12 có khả năng tự bay đến mục tiêu ở khoảng cách xa, thay vì rơi tự do. Điều này giúp nó có năng lực tấn công chính xác và tác chiến ngoài vùng phòng thủ.
Theo trang The War Zone ngày 21/7: một phóng viên đã chụp được hình ảnh huy hiệu kỷ niệm đặc biệt tại triển lãm hàng không quốc tế tổ chức ở Anh có hình đám mây hạt nhân và một quả bom B61 đang rơi, cùng khẩu hiệu của Phi đội chiến đấu số 493 Không quân Mỹ đóng tại Lakenheath.
Phi đội này hiện vận hành F-35A tàng hình và cả F-15E – đều có khả năng mang B61. Ngoài ra, một tài khoản tình báo mã nguồn mở trên mạng xã hội còn phát hiện một máy bay vận tải C-17 của Mỹ, có thể đã làm nhiệm vụ vận chuyển bom B61. C-17 là một trong số ít máy bay có thể vận chuyển vũ khí hạt nhân.
Theo báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đầu năm nay, căn cứ Lakenheath từng bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ vào tháng 9/1954.
Đến năm 2008, Mỹ tuyên bố rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi căn cứ này, kết thúc sự hiện diện hạt nhân kéo dài 54 năm. Tuy nhiên, F-15E và F-35A của Không quân Mỹ tại đây vẫn thường xuyên tham gia các cuộc tập trận hạt nhân của NATO.
Theo The Guardian, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng Anh sẽ mua 12 chiếc F-35A để có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Mỗi chiếc F-35A trị giá từ 75–80 triệu bảng, tổng chi phí vượt quá 900 triệu bảng chưa kể chi phí xây dựng cơ sở lưu trữ hạt nhân.
Do chi phí phát triển đầu đạn riêng quá đắt đỏ, Anh nhiều khả năng sử dụng mô hình chia sẻ vũ khí hạt nhân với Mỹ. Theo các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, quyền sở hữu vũ khí thuộc về Mỹ, còn máy bay mang và vận hành do Không quân Hoàng gia Anh kiểm soát.
Truyền thông phương Tây cho rằng trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine chưa chấm dứt, động thái này là sự thay đổi lớn trong bố trí hạt nhân của NATO tại châu Âu.
Báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lưu ý: Mỹ đã lên kế hoạch triển khai lại hạt nhân tại Anh từ trước, không phải là quyết định bộc phát gần đây. Trong ngân sách quốc phòng tài khóa 2023, Lầu Năm Góc đề cập đến việc nâng cấp các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân tại châu Âu, trong đó liệt kê Anh bên cạnh các quốc gia như Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tài liệu ngân sách Mỹ sử dụng khái niệm “vũ khí đặc biệt” (special weapons) để ám chỉ đầu đạn hạt nhân, cho biết sẽ chi khoảng 384 triệu USD trong 13 năm để nâng cấp hệ thống lưu trữ và liên lạc hạt nhân.
Trang The War Zone cho rằng việc kết hợp F-35A với B61-12 khiến loại vũ khí này ngày càng mang tính chiến lược chứ không chỉ dừng ở cấp chiến thuật. B61-12 có độ chính xác rất cao, có thể tấn công từ hàng chục dặm cách xa mục tiêu, giúp tăng khả năng sống sót của phương tiện phóng.