
Các Ngoại trưởng của 25 quốc gia phương Tây đã lên án mạnh mẽ Israel vì hành động “viện trợ nhỏ giọt” vào Dải Gaza, trong bối cảnh Bộ Y tế tại Gaza cho biết hơn 1.000 người Palestine đã thiệt mạng khi tìm kiếm hỗ trợ nhân đạo kể từ cuối tháng 5.
Bộ Y tế Palestine không nêu rõ địa điểm xảy ra các vụ tử vong, nhưng theo Liên Hợp Quốc, phần lớn thương vong xảy ra khi người dân di chuyển đến các điểm phân phát viện trợ do Tổ chức Nhân đạo Gaza (GHF) – được Mỹ và Israel hậu thuẫn – bắt đầu vận hành từ ngày 27/5.
Các quan chức Palestine và nhân chứng nói rằng lực lượng quân đội Israel là bên chịu trách nhiệm chính cho hầu hết các trường hợp tử vong này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận đã bắn cảnh báo vào đám đông trong một số trường hợp, nhưng bác bỏ trách nhiệm trong những vụ việc khác. Vào cuối tháng 6, quân đội Israel tuyên bố đã “tổ chức lại các tuyến đường tiếp cận các điểm viện trợ” nhằm giảm thiểu “xung đột với người dân”, tuy nhiên các vụ tử vong vẫn xảy ra.
Trong tuyên bố hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng các nước phương Tây khẳng định rằng “nỗi thống khổ của thường dân ở Gaza đã chạm đến mức tột cùng”.
“Mô hình cung cấp viện trợ của chính phủ Israel là nguy hiểm, gây bất ổn, và tước đoạt phẩm giá con người của người dân Gaza. Chúng tôi lên án hành vi nhỏ giọt viện trợ và việc giết hại thường dân, kể cả trẻ em, khi họ tìm kiếm nước và thực phẩm – những nhu cầu cơ bản nhất của con người”, tuyên bố viết.
Tuyên bố được ký bởi bộ trưởng ngoại giao các nước: Australia, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Italy, Nhật Bản, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, cùng với ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách Bình đẳng, Ứng phó và Quản lý khủng hoảng.
Theo Bộ Y tế tại Gaza, 99 người đã thiệt mạng và ít nhất 650 người khác bị thương chỉ trong vòng 24 giờ qua khi cố gắng tiếp cận viện trợ.
Tính từ cuối tháng 5, tổng cộng 1.021 người Palestine đã chết và 6.511 người bị thương trong lúc tìm kiếm viện trợ nhân đạo. Tổng số người thiệt mạng kể từ khi chiến sự nổ ra hiện đã lên tới 59.029 người.
Từ ngày 2/3 đến 21/5, Israel đã phong tỏa viện trợ vào Gaza trong 11 tuần, khiến các cơ quan LHQ cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng suy dinh dưỡng và đói kém ngày càng gia tăng.
Hiện nay, phần lớn tổ chức cứu trợ vẫn bị hạn chế vào Gaza, Israel viện lý do ngăn chặn Hamas chiếm dụng nguồn viện trợ.
Ngoại trưởng các nước phương Tây nói rằng việc nhiều người Palestine thiệt mạng khi đang tìm kiếm cứu trợ là điều khủng khiếp.
“Việc chính phủ Israel từ chối viện trợ nhân đạo thiết yếu cho thường dân là điều không thể chấp nhận. Israel cần tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế”, tuyên bố nêu rõ.
Họ kêu gọi chính phủ Israel ngay lập tức gỡ bỏ các hạn chế đối với viện trợ vào Gaza, đồng thời cho phép các tổ chức nhân đạo, bao gồm cả LHQ, được hoạt động an toàn và hiệu quả trong khu vực.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter), Bộ Ngoại giao Israel cho biết họ "bác bỏ" tuyên bố của 25 quốc gia, gọi đó là “thiếu thực tế” và cho rằng "gửi đi thông điệp sai lầm đến Hamas".
“Tuyên bố này không gây áp lực đúng vào Hamas, và không thừa nhận vai trò, trách nhiệm của Hamas đối với tình hình hiện tại. Hamas là tác nhân duy nhất chịu trách nhiệm cho việc chiến tranh tiếp diễn và đau khổ của cả hai bên”, phía Israel phản bác.
Hamas vẫn chưa phản hồi đề xuất ngừng bắn mới
Làn sóng chỉ trích Israel từ phương Tây diễn ra trong lúc dư luận đang chờ phản ứng từ lãnh đạo Hamas tại Gaza về đề xuất ngừng bắn và trao trả con tin mới nhất.
Tuần trước, Mỹ đã thuyết phục Israel đồng ý rút quân khỏi hành lang phía nam Gaza – một bước nhượng bộ đáng kể. Hiện Washington đã gửi thông điệp đến Hamas rằng thời gian không còn nhiều, theo các nguồn tin của CNN.
Đề xuất đã được gửi tới Hamas gần một tuần trước, và lãnh đạo Hamas tại Qatar – Khalil al-Hayya – được cho là ủng hộ nội dung này, nhưng ông tuyên bố vẫn chờ sự phê chuẩn từ lãnh đạo Hamas ở Gaza, những người sẽ trực tiếp thực thi thỏa thuận nếu có.
Người phát ngôn của Hamas, Basem Naim, phủ nhận việc ông al-Hayya đã đồng ý, và nói rằng tổ chức đang tham vấn nội bộ trước khi phản hồi.
Mỹ được cho là đã cam kết với Hamas rằng Israel sẽ tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh trong thời gian ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Một nguồn tin cảnh báo Washington có thể rút lại cam kết nếu Hamas không sớm chấp thuận đề xuất.
Nguồn tin cũng cho biết Mỹ, Qatar và Ai Cập hiện đang gây sức ép mạnh mẽ lên Hamas để sớm đạt được thỏa thuận.
Mặc dù hiện nay dư luận đổ dồn áp lực lên Hamas, nhưng các bên tham gia đàm phán cho rằng sự cứng rắn trước đây của Israel – đặc biệt về bản đồ rút quân – là nguyên nhân chính khiến tiến trình đình trệ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức liên quan cho biết một thỏa thuận có thể đạt được ngay trong tuần này nếu Hamas tại Gaza đồng ý với khung đề xuất hiện tại.
Lộ vai trò bí mật của Thổ Nhĩ Kỳ: Hệ thống radar ở Kurecik hỗ trợ Israel đánh chặn tên lửa Iran?

Hé lộ thông tin Israel không kích khiến Tổng thống Iran bị thương trong cuộc họp mật tại Tehran
