Trung Quốc ra mắt vũ khí laser mới, tuyên bố đủ sức đối phó chiến thuật bầy đàn UAV

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc vừa chính thức ra mắt hệ thống phòng không bằng laser năng lượng cao OW5-A50 do Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (Norinco) phát triển, tuyên bố đủ sức đánh chặn UAV bầy đàn của Mỹ.

Hệ thống phòng không bằng laser năng lượng cao OW5-A50 của Norinco. Ảnh: QQnews.
Hệ thống phòng không bằng laser năng lượng cao OW5-A50 của Norinco. Ảnh: QQnews.

Hệ thống vũ khí laser di động công suất lớn

Trang web Defense Blog ngày 20/7 đưa tin, Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc (Norinco) đã giới thiệu hệ thống phòng không laser thế hệ mới OW5-A50 trong một video, đánh dấu lần đầu tiên nền tảng này xuất hiện công khai.

Hệ thống OW5-A50 được đặt trên khung gầm xe bánh lốp hạng nặng 8×8, có khả năng tự cung cấp năng lượng và đạt được hiệu quả chiến đấu "mở máy là bắn", đánh dấu việc Trung Quốc bước vào giai đoạn ứng dụng tác chiến thực tế của vũ khí năng lượng định hướng (DEW).

Truyền thông Trung Quốc nói, OW5-A50 được thiết kế chuyên để đối phó với các mục tiêu bay ở độ cao thấp, tốc độ thấp, kích thước nhỏ, đặc biệt là UAV và đạn tuần kích – những mối đe dọa ngày càng phổ biến trên chiến trường hiện đại.

Dòng vũ khí laser OW5 của Norinco hiện đã hình thành một hệ thống hoàn chỉnh gồm các phiên bản OW5-A10, OW5-A30 và OW5-A50, trong đó hai phiên bản trước công suất 30 kilowatt, còn OW5-A50 có công suất lên đến 50 kilowatt.

Can canh he thong OW5-50.png
Hệ thống phòng không bằng laser năng lượng cao OW5-A50 trên khung gầm xe tải.
Ảnh: QQnews.

OW5-A50 có khả năng khóa và chiếu tia laser năng lượng cao vào mục tiêu trong vòng vài giây. Tia laser sẽ tập trung vào các điểm yếu như bộ điều khiển bay hay hệ thống đẩy của UAV, tạo ra hiệu ứng đốt cháy nhiệt độ cực cao khiến thiết bị bị mất kiểm soát, phát nổ trên không hoặc rơi ngay lập tức.

So với tên lửa phòng không truyền thống, vũ khí laser có các ưu thế vượt trội: Tốc độ đánh chặn nhanh bằng ánh sáng; độ chính xác ở cấp độ milimet; tính ẩn giấu cao, và điểm quan trọng nhất là: chi phí cực thấp, chỉ vài nhân dân tệ (NDT) cho một lần bắn.

Thành tựu xuất khẩu và "thử lửa" trong chiến đấu

Trung Quốc có nền tảng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực vũ khí laser chiến thuật và đã xuất khẩu, được thử thách qua thực chiến..

Năm 2022, hệ thống laser “Silent Hunter” (Thợ săn thầm lặng) do Tập đoàn Điện tử Trung Quốc (CETC) sản xuất đã được xuất khẩu sang Arab Saudi, và chứng minh hiệu quả trong chiến đấu thực tế: tháng 3/2022 đã bắn hạ ít nhất 13 UAV trong một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Houthi.

Silent Hunter.jpg
Hệ thống Silent Hunter đã phát huy hiệu quả tốt ở Ả Rập Saudi. Ảnh: China.com.

Hệ thống “SkyShield” (Thiên Thuẫn) cũng của Tập đoàn CETC cũng thể hiện năng lực vượt trội với khả năng tích hợp toàn bộ quy trình tác chiến: phát hiện – nhận dạng – khóa mục tiêu – tiêu diệt, từng đạt tỷ lệ bắn hạ 100% với 21 UAV trong một cuộc trình diễn tại triển lãm quốc tế.

Từ thực chiến của "Thợ săn thầm lặng" và trình diễn hệ thống hóa của "Thiên Thuẫn", đến OW5-A50 vừa chính thức đưa vào trang bị, Trung Quốc đã tạo ra hệ sinh thái vũ khí laser chiến thuật với nhiều cấp độ công suất, đáp ứng nhu cầu triển khai trên nhiều nền tảng, sẵn sàng cả cho xuất khẩu lẫn trang bị trong nước.

Nhằm vào UAV LUCAS của Mỹ

Đáng chú ý, Mỹ gần đây đã công bố một dòng UAV mới mang tên “LUCAS”, được đánh giá là bản sao của Shahed-136 do Iran phát triển – loại UAV từng gây nên nỗi ám ảnh trên chiến trường Ukraine. UAV này có cánh tam giác, tầm bay xa, khả năng tấn công cảm tử và sử dụng vật liệu nhẹ.

Tuy nhiên, chính các đặc tính của nó như: Bay chậm, phát tín hiệu hồng ngoại yếu, độ cao bay thấp, kết cấu giòn và dễ hư hỏng…lại khiến nó trở thành mục tiêu lý tưởng cho các hệ thống laser như OW5, Thiên Thuẫn hay Thợ săn thầm lặng. Các chuyên gia quân sự gọi laser là "thiên địch" của UAV LUCAS mô phỏng Shahed-136.

LUCAS.jpg
Đối thủ của OW5-A50 nhằm tới là UAV cảm tử LUCAS của Mỹ. Ảnh: China.com.

"Một chùm tia laser hội tụ vào khu vực vài cm², trong vài giây tạo ra hàng nghìn độ C – đủ để làm tan chảy mọi linh kiện trọng yếu của UAV, khiến nó mất điều khiển và bị phá hủy tức thì".

Chi phí – lợi thế tuyệt đối của vũ khí laser

Chi phí là yếu tố mang tính cách mạng của công nghệ này. Một lần phóng tia laser tiêu tốn chỉ vài Nhân dân tệ tiền điện. Trong khi đó, các loại tên lửa đánh chặn như Patriot của Mỹ hay IRIS-T (Đức) có giá từ vài chục nghìn lên tới hàng trăm nghìn USD/quả.

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại xuất hiện xu hướng tấn công bầy đàn bằng UAV giá rẻ để làm “bão hòa” hệ thống phòng không đắt đỏ của đối phương, thì vũ khí laser như OW5-A50 chính là câu trả lời hiệu quả – giá rẻ – không giới hạn cơ số.

Mỹ đầu tư mạnh vào UAV kiểu cảm tử, nhưng vô tình lại trở thành “phép thử” lý tưởng để Trung Quốc kiểm nghiệm năng lực laser phòng thủ trong thực tế. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, OW5-A50, kết hợp với các hệ thống khác, đã tạo nên một "bức tường laser", được xem là bước ngoặt trong học thuyết phòng không thế kỷ 21.