
F-35, tiêm kích thế hệ 5 tốt nhất của NATO?
Tiêm kích F-35 Lightning II do hãng Lockheed Martin phát triển có 3 biến thể chính: F-35A, phiên bản dùng cho Không quân, cất hạ cánh trên đường băng thông thường; F-35B, phiên bản dùng cho Thủy quân lục chiến, có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL); F-35C, phiên bản hải quân, dùng trên tàu sân bay với cánh lớn hơn và càng hạ cánh chắc chắn hơn.
F-35 Lightning II được ưa chuộng bởi có các ưu điểm: Khả năng tàng hình vượt trội, được thiết kế tối ưu hóa cho việc tránh radar với các góc cạnh, vật liệu hấp thụ sóng radar; F-35 được cho là một trong những mẫu máy bay khó bị phát hiện nhất hiện nay. Ngoài ra, F-35 còn có thể chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với các lực lượng khác: máy bay, tàu chiến, radar mặt đất.
F-35 được NATO đánh giá là mẫu chiến đấu cơ tốt nhất với khả năng đa nhiệm: Không chiến tầm gần/tầm xa, tấn công mặt đất, trinh sát, hỗ trợ tác chiến hải quân, điều phối trận địa; có thể mang nhiều loại vũ khí: tên lửa không đối không AIM-120, bom JDAM, tên lửa hành trình...
Các khách hàng mua F-35 chủ yếu gồm các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ như: Anh, Italy, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Israel. Những quốc gia không phải đồng minh hoặc đối tác, như Indonesia dù đã đề nghị mua, nhưng không được Mỹ chấp nhận.

Hiện tại, danh sách khách mua F-35 vẫn tiếp tục mở rộng. Romania, Đức và Canada sẽ sớm nhận những chiếc F-35 đầu tiên trong thời gian tới; Thụy Sĩ và CH Séc cũng đã đặt hàng.
Tuy nhiên, F-35 cũng có các nhược điểm: Phụ thuộc vào Mỹ về bảo trì, cập nhật phần mềm; chi phí vận hành đắt đỏ (khoảng 36.000 USD/giờ bay); còn tồn tại một số lỗi kỹ thuật, đặc biệt trên F-35B và F-35C. Đặc biệt là lo ngại về rủi ro "backdoor" (gài cửa hậu) điều khiển từ xa nằm trong tay Mỹ.
Mỹ có thể “tắt máy từ xa” F-35 trong chiến tranh không?
Khi số lượng F-35 xuất khẩu ngày càng tăng, một nghi vấn lâu nay vẫn được đặt ra: Nếu xảy ra xung đột về lợi ích, liệu Mỹ có thể tắt máy từ xa và "vô hiệu hóa" F-35 của các quốc gia khác không?
Vào ngày 18/3/2025, JPO – đơn vị quản lý chương trình F‑35 thuộc Lầu Năm Góc – ra tuyên bố chính thức: “Không có công tắc công tắc ngắt (kill switch) hay lệnh tắt từ xa nào. Các quốc gia sử dụng F‑35 vẫn được đảm bảo có đầy đủ năng lực duy trì và khai thác hiệu quả hệ thống này”.
Gần đây, Lockheed Martin, nhà sản xuất F-35, đã có trả lời chính thức: “F-35 không được trang bị bất kỳ cơ chế ‘tắt máy bí mật’ nào. Không có công tắc ngầm hay mã hóa cho phép Mỹ ‘vô hiệu hóa’ máy bay từ xa. Các quốc gia mua F-35 có thể yên tâm sử dụng, kể cả trong thời chiến”.

Trước đây từng có tin đồn rằng Đan Mạch muốn mua thêm F-35 nhưng lo ngại bị Mỹ “tắt máy” trong trường hợp Mỹ can thiệp quân sự vào Greenland. Nhưng với tuyên bố cam kết của Lockheed Martin, mối lo "bị Mỹ tắt máy từ xa" đã phần nào được xóa bỏ.
Cũng có thông tin lan truyền trên mạng cho rằng: Máy bay F-35 mà Hàn Quốc mua, mỗi lần bật nguồn phải “xin mật khẩu” từ phía Mỹ. Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng theo các chuyên gia, nó không mang ý nghĩa kiểm soát hay ngăn chặn. Mật khẩu khởi động giống như mã PIN máy tính – mục đích là để bảo vệ và xác minh chính chủ, chứ không phải để Mỹ kiểm soát quyền sử dụng.
Có thể Mỹ có khả năng gây áp lực công nghệ hoặc linh kiện đối với các quốc gia mua F-35, nhưng việc cài đặt công tắc "tắt máy từ xa" là điều không thực tế và nguy hiểm về mặt chính trị. Nếu có chuyện đó, không ai lại bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua một loại vũ khí có thể bị "tước quyền sử dụng" bất kỳ lúc nào.
Tại sao vẫn có sự nghi ngại từ phía các khách hàng mua F-35? Theo các chuyên gia phân tích: Thứ nhất, do phụ thuộc Mỹ về hệ thống hậu cần và phần mềm. F‑35 phụ thuộc vào phần mềm ALIS/ODIN do Mỹ quản lý để cập nhật dữ liệu, bảo trì, và giám sát hoạt động. Nếu Mỹ ngưng cung cấp cập nhật phần mềm, phụ tùng thay thế, hỗ trợ kỹ thuật, thì máy bay có thể mất khả năng chiến đấu hiệu quả dù không bị tắt máy trực tiếp.
Thứ hai, hợp đồng với điều khoản hạn chế. Ví dụ: hợp đồng của Đức có điều khoản cho phép Mỹ yêu cầu dừng các phi vụ ra lệnh khẩn cấp vì lý do an ninh quốc gia Mỹ, làm dấy lên lo ngại tiềm năng “tắt máy” gián tiếp.
Tóm lại, mối lo F-35 bị Mỹ điều khiển từ xa không có cơ sở, ít nhất theo lời cam kết chính thức từ Lockheed Martin. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào công nghệ, linh kiện và hệ thống hậu cần của Mỹ vẫn khiến các quốc gia mua F-35 khó hoàn toàn độc lập khi sử dụng trong các tình huống xung đột lợi ích nhạy cảm.

Tổ hợp Patriot 2,5 tỷ USD bó tay trước Iskander-M giá rẻ của Nga: Bài toán chi phí khiến Mỹ đau đầu

Nga lần đầu hé lộ về nhà máy sản xuất UAV “bí ẩn và lớn nhất thế giới”
