DF-100 - Tên lửa hành trình siêu thanh bí ẩn của Trung Quốc

Tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc năm 2019, tên lửa Đông Phong-100 (DF-100) bất ngờ xuất hiện. Sau đó, nó được phủ vải ngụy trang, xuất hiện đây đó một thời gian, rồi bỗng dưng biến mất.
Xe chở kiêm bệ phóng tên lửa DF-100 xuất hiện tại cuộc duyệt binh ngày 1/10/2019. Ảnh: Zhihu.

DF-100 là vũ khí gì?

Đông Phong-100 (DF-100), tên đầy đủ là tên lửa hành trình siêu thanh Đông Phong-100, là tên lửa hành trình thế hệ thứ ba, loại vũ khí công nghệ cao do Trung Quốc tự chủ phát triển.

Ngày 1/10/2019, tại cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, nó lần đầu tiên ra mắt công chúng. Khi đó, tên lửa được giữ trong thùng, không thể nhìn thấy gì bên trong, khiến nó có vẻ bí ẩn hơn và làm dấy lên nhiều suy đoán.

Theo thông tin công khai sau đó, DF-100 là tên lửa hành trình siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 4, gấp 4 lần tốc độ âm thanh, hay khoảng 4.900 km/giờ. Về tầm bắn, người ta cho rằng nó có thể đạt tới khoảng từ 3.000 đến 4.000 km.

Nó bay rất cao, ở độ cao khoảng 30 km, ở rìa tầng bình lưu, ngoài tầm với của các hệ thống phòng không thông thường. Độ chính xác cũng được ca ngợi với sai số chỉ vài mét và có thể bắn đâu trúng đó.

Các xe phóng DF-100 diễu qua Thiên An Môn. Ảnh: Xinhua.

Hơn nữa, nó có thể thay đổi quỹ đạo trên bầu trời và bật nhảy như một hòn đá ném thia lia, nên không dễ bị đánh chặn. Những đặc điểm này nghe hoàn toàn khác biệt so với tên lửa hành trình thông thường.

Tên lửa Tomahawk nổi tiếng của Mỹ chỉ có tốc độ Mach 0,7 và mất vài giờ để bay 3.000 km, trong khi DF-100 có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong 40 phút. Chưa kể nó có thể mang theo nhiều loại đầu đạn, dù là đầu đạn thông thường hay đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, rất linh hoạt khi sử dụng.

Uy lực chiến đấu của DF-100

Tốc độ Mach 4 của DF-100 tương đương với 1,36 km/giây. Tốc độ này trực tiếp giảm thời gian cảnh báo của đối thủ xuống mức tối thiểu. Khi radar vừa phát hiện ra thì tên lửa có thể đã bay tới nơi và sẽ quá muộn để đánh chặn.

Hình ảnh CG (đồ họa máy tính) về vụ tấn công theo cụm của tên lửa hành trình DF-100. Ảnh: Toutiao.

Theo tiết lộ, DF-100 sử dụng hệ thống dẫn đường tổng hợp, bao gồm dẫn đường quán tính, dẫn đường vệ tinh, dẫn đường theo địa hình và dẫn đường đầu cuối, với sai số chỉ vài mét.

Nó có thể tấn công từ khoảng cách hàng nghìn km với độ chính xác đến mức có thể chui vào cửa sổ nhà đối phương, công nghệ này khiến người ta khiếp sợ. Các mục tiêu có giá trị cao như trung tâm chỉ huy, trạm radar và tàu sân bay giống như các tấm bia ở trước mặt nó.

Bay ở độ cao 30 km, nó nằm ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không. Tên lửa Patriot của Mỹ chỉ có thể với cao 24 km và không thể bắn được DF-100. Ngoài ra, tên lửa này còn có thể thay đổi quỹ đạo trên bầu trời khi bay, khiến radar khó có thể phát hiện chứ đừng nói đến việc đánh chặn.

Báo Trung Quốc xác nhận CJ-100 chính là DF-100. Ảnh: Toutiao.

Ngay cả hệ thống đánh chặn RIM-161 Standard Missile-3 hay THAAD mạnh nhất cũng rất khó khi đối phó với các mục tiêu di động tốc độ cao như vậy.

DF-100 giống như một sát thủ linh hoạt không thể chống lại. Mang đầu đạn thông thường, nó có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền, chẳng hạn như sân bay và trung tâm chỉ huy; nếu được thay thế bằng đầu đạn chống hạm, ngay cả các tàu sân bay cũng sẽ phải cẩn thận.

Vì sao DF-100 ít lộ diện?

Tại sao mãi đến năm 2019 mẫu tên lửa DF-100 mới lộ diện và sau đó không còn xuất hiện?

Nhiều người cho rằng quân đội Trung Quốc trước nay vẫn có thói quen “giấu mình chờ thời”, tức là không thích phô trương. Những thứ tốt thường được ẩn giấu và trở nên đáng sợ khi chúng bị đưa ra vào thời điểm quan trọng.

Ảnh chụp vụ phóng thử nghiệm tên lửa DF-100. Ảnh: Sohu.

Cũng có ý kiến cho rằng việc DF-100 có thể chỉ là để dự phòng, sau đó những loại tên lửa mới mạnh hơn xuất hiện, nó cũng trở nên ít quan trọng hơn.

Tuy nhiên, tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11/2024, các thông số của DF-100 đã được công bố. Nó có tầm bay 3.000-4.000 km và tốc độ Mach 4. Tuy nhiên, có tin cho rằng nó có thể đã ngừng sản xuất. Những tên lửa hiện có vẫn đang được sử dụng, nhưng không sản xuất thêm nữa.

Một số nguồn tin cho biết DF-100 đã được đổi tên thành Trường Kiếm-100 (Changjian-100 hay CJ-100), được NATO gọi là CH-SSC-13 Splinter.