Tàu sân bay mới của Pháp: Lỗi thời ngay khi hạ thủy, vận hành tiêm kích từ…thế kỷ trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp vừa công bố kế hoạch tàu sân bay thế hệ mới thay Charles De Gaulle, nhưng vẫn dùng tiêm kích Rafale M thế hệ 4 đến những năm 2040, trong khi Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang máy bay thế hệ 6.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trên tàu sân bay Charles De Gaulle. Ảnh: Military Watch.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trên tàu sân bay Charles De Gaulle. Ảnh: Military Watch.

Hải quân Pháp đã công bố chi tiết về kế hoạch phát triển hàng không mẫu hạm thế hệ tiếp theo, con tàu sẽ thay thế chiếc Charles De Gaulle – tàu sân bay duy nhất của nước này có khả năng vận hành máy bay cánh cố định – vào khoảng năm 2038.

Một quan chức Hải quân Pháp tại sự kiện Combined Naval Event hôm 23/5 tiết lộ rằng tàu sân bay mới với lượng giãn nước 75.000 tấn vẫn sẽ sử dụng đội máy bay chiến đấu xoay quanh Rafale M – dòng tiêm kích duy nhất của Pháp hiện nay được thiết kế cho hoạt động trên tàu sân bay, đã vào biên chế từ năm 2006.

Điều này làm dấy lên nghi vấn nghiêm trọng về năng lực tác chiến của biên đội không quân trên tàu sân bay mới, bởi trong khi Mỹ đã chuyển sang vận hành tiêm kích thế hệ thứ năm F-35C từ năm 2018, và Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai tiêm kích tàng hình J-31 trước năm 2030, thì Pháp vẫn tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trong đội hình không quân hạm cho tới tận những năm 2040.

Vị thế của lực lượng không quân tàu sân bay Pháp càng trở nên bất lợi nếu xét đến việc ngay cả những hải quân nhỏ hơn như Anh và Italy đã tích hợp F-35B vào biên chế tàu sân bay của họ từ gần một thập kỷ trước, trong khi Nhật Bản cũng đang chuẩn bị tiếp bước. Điều này khiến năng lực của Rafale trở nên lỗi thời nếu đem ra so sánh.

Các cuộc thử nghiệm chiến đấu liên tục chứng minh rằng ngay cả những tiêm kích thế hệ thứ tư to lớn và mạnh hơn như F-15 và J-16 cũng dễ dàng bị vượt mặt bởi các máy bay thế hệ thứ năm. Khoảng cách về năng lực còn lớn hơn nữa đối với các dòng tiêm kích hạng nhẹ như Rafale – vốn bị hạn chế bởi tầm bay ngắn, radar nhỏ và động cơ yếu.

tau san bay phap.png
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35C của Hải quân Mỹ trên siêu tàu sân bay lớp Nimitz. Ảnh: Military Watch.

Khi hàng không mẫu hạm mới của Pháp đi vào hoạt động vào cuối những năm 2030, Mỹ và Trung Quốc có thể đã bước vào thập kỷ đầu tiên trong việc triển khai tiêm kích thế hệ thứ sáu, và nhiều khả năng các mẫu này cũng sẽ được tích hợp vào biên đội máy bay trên tàu sân bay của họ.

Việc Trung Quốc công bố nguyên mẫu bay của hai dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu riêng biệt vào tháng 12/2024 – cả hai đều đã trải qua quá trình thử nghiệm bay chuyên sâu kể từ đó – đã gia tăng áp lực đối với các chương trình của Mỹ, bao gồm cả dự án F/A-XX của Hải quân Mỹ – tiêm kích thế hệ sáu dành cho tàu sân bay, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước khi tàu sân bay mới của Pháp hoàn thành.

Ít nhất một trong hai mẫu tiêm kích thế hệ sáu của Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ được điều chỉnh cho nhiệm vụ tác chiến trên tàu sân bay vào thời điểm đó.

Như vậy, biên đội không quân của hàng không mẫu hạm mới của Pháp sẽ không chỉ chậm một mà chậm tới hai thế hệ so với chuẩn mực tiên tiến nhất. Với việc Rafale có chuyến bay đầu tiên từ năm 1986, dòng tiêm kích này sẽ tròn nửa thế kỷ tuổi đời trước khi có bất kỳ mẫu kế nhiệm nào đi vào biên chế.

Theo Military Watch