Mỹ cân nhắc rút 4.500 quân đồn trú khỏi Hàn Quốc, chuyển sang đảo Guam theo chiến lược mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Chính quyền Trump cân nhắc tái triển khai khoảng 4.500 binh sĩ Mỹ sang Guam hoặc các địa điểm khác trong khu vực.

Thông tin Mỹ xem xét rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc có thể khiến một số đồng minh trong khu vực quan ngại. Ảnh: WSJ.
Thông tin Mỹ xem xét rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc có thể khiến một số đồng minh trong khu vực quan ngại. Ảnh: WSJ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét rút hàng nghìn binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc, theo các quan chức quốc phòng nắm rõ các cuộc thảo luận. Động thái này có thể làm dấy lên lo ngại mới trong số các đồng minh đang hoài nghi về cam kết của Nhà Trắng đối với khu vực châu Á.

Một phương án đang được Lầu Năm Góc xây dựng là rút khoảng 4.500 quân và điều chuyển sang các địa điểm khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Guam, theo các quan chức và một người có liên quan đến vấn đề này. Kế hoạch này đang được chuẩn bị để Tổng thống Trump xem xét trong khuôn khổ một cuộc rà soát chính sách không chính thức về cách thức ứng phó với Triều Tiên, hai quan chức cho biết.

Đề xuất này vẫn chưa được trình lên Tổng thống và hiện chỉ là một trong số nhiều phương án đang được các quan chức cấp cao xem xét.

Khi được hỏi về khả năng rút quân, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết chưa có thông báo chính sách nào. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Pete Nguyen, không bình luận về vấn đề rút quân nhưng khẳng định Tổng thống Trump vẫn cam kết với mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối đưa ra bình luận.

Từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã cân nhắc việc điều chỉnh hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, nơi hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú.

Tháng trước, các chỉ huy hàng đầu giám sát lực lượng Mỹ tại châu Á đã cảnh báo không nên cắt giảm quân số, cho rằng điều này sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó với Triều Tiên, cũng như các xung đột tiềm tàng khác với Trung Quốc và Nga ở Đông Bắc Á.

Tướng Lục quân Xavier Brunson – Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc – trong phiên điều trần trước Quốc hội đã khuyến cáo không nên rút quân, nói rằng “việc giảm lực lượng sẽ gây ra nhiều vấn đề.”

Tại cùng phiên điều trần ngày 10/4 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Đô đốc Samuel Paparo – Tư lệnh tối cao khu vực – cũng lên tiếng phản đối, khẳng định việc rút lực lượng khỏi Hàn Quốc “về bản chất sẽ làm suy giảm khả năng chiến thắng trong xung đột”.

Các quan chức Mỹ cho biết quyết định về mức độ hiện diện quân sự sẽ được đưa ra sau khi có thêm thông tin rõ ràng về diễn biến cuộc chiến tại Ukraine và liệu chính quyền có tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev hay không.

Việc xem xét nghiêm túc phương án rút quân khỏi Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ khiến cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo ngại. Các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Mỹ để bảo vệ chủ quyền và duy trì ảnh hưởng trong một khu vực ngày càng căng thẳng.

Hiện diện quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên từ lâu được xem là một lực lượng răn đe trước nguy cơ chiến tranh bùng phát trở lại, cũng như là biện pháp ngăn chặn Trung Quốc.

Việc rút quân khỏi bán đảo nhưng vẫn duy trì lực lượng trong khu vực có thể làm giảm bớt lo ngại từ Lầu Năm Góc. Guam hiện nổi lên như một trung tâm chiến lược quan trọng vì vừa đủ gần các điểm nóng tiềm tàng, vừa khó bị lực lượng Trung Quốc tiếp cận.

Trong chuyến công du châu Á đầu tiên đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tuyên bố muốn Mỹ và các đồng minh tái lập thế răn đe, đồng thời cam kết một sự “chuyển dịch chưa từng có” về mặt quân sự sang khu vực này.

Tuy nhiên, duy trì lực lượng đủ mạnh tại Hàn Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc và Seoul.

Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách, ông Elbridge Colby, từ lâu đã kêu gọi Hàn Quốc đảm nhận nhiều hơn gánh nặng phòng thủ bằng lực lượng thông thường, nhằm để Mỹ tập trung hơn vào đối phó Trung Quốc – trong khi vẫn duy trì cam kết bảo vệ Seoul bằng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.

“Tôi không ủng hộ việc rút quân khỏi Hàn Quốc, như tôi đã nhiều lần khẳng định”, ông Colby viết trên mạng xã hội X vào năm ngoái trước khi được bổ nhiệm. “Tôi ủng hộ tái cấu trúc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc để tập trung vào Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc sẽ gánh phần lớn trách nhiệm phòng thủ thông thường trước Triều Tiên”.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự, Lầu Năm Góc trong những năm gần đây đã chuyển thêm khí tài tới khu vực, tăng cường tập trận đa phương với các đồng minh và triển khai các đơn vị cơ động có thể “nhảy đảo” khi cần.

Triều Tiên năm ngoái cũng đã từ bỏ chính sách thống nhất hòa bình kéo dài hàng thập kỷ, tuyên bố coi Hàn Quốc là kẻ thù chính. Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng vũ khí – gần nhất là một loạt tên lửa hành trình vào hôm 22/5.

Theo Wall Street Journal