
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/5 đã chính thức tuyên bố bắt đầu thiết lập một “vùng đệm an ninh” dọc biên giới với Ukraine. Theo Điện Kremlin, quân đội Nga đã nhận lệnh thực thi và đang tích cực tấn công các vị trí quân sự của Ukraine gần khu vực biên giới. Động thái này nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga như Belgorod, Bryansk và Kursk – những nơi thường xuyên hứng chịu các cuộc pháo kích, tấn công bằng máy bay không người lái và các hoạt động khác từ phía Ukraine.
Mặc dù ý tưởng này đã được đề cập từ năm 2023, tuyên bố lần này của ông Putin đánh dấu sự chuyển mình từ lý thuyết sang chính sách thực tế. Vậy vùng đệm này có ý nghĩa gì, sẽ trông như thế nào về mặt quân sự, và vì sao Điện Kremlin chọn thời điểm này để triển khai?
Tuyên bố được dự đoán từ trước
Tại cuộc họp chính phủ ngày 22/5, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu thiết lập vùng đệm dọc biên giới Ukraine. “Lực lượng vũ trang của chúng ta đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này. Các vị trí bắn của đối phương đã bị chế áp, công việc đang diễn ra”, ông nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận quyết định nhưng từ chối cung cấp chi tiết, giao quyền giải thích cho Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, được biết vùng đệm sẽ trải dài qua các khu vực giáp Ukraine như Belgorod, Bryansk và Kursk – tất cả đều từng hứng chịu các cuộc tấn công từ phía Ukraine.
Từ góc độ quân sự, vùng đệm đóng vai trò như một rào cản vật lý nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột trực tiếp và các hành động khiêu khích. Các vùng này có thể được phi quân sự hóa, hạn chế sự hiện diện của quân đội hoặc hoàn toàn do lực lượng quân sự kiểm soát, hoạt động như một vùng đệm chiến lược.
Các ví dụ lịch sử bao gồm vùng an ninh của Israel ở miền Nam Lebanon (1985–2000), các chiến dịch xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria (từ năm 2016), khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc (từ năm 1953), và các "vùng xám" giữa Armenia và Azerbaijan trước cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020.
Ông Putin đã gợi ý về sự cần thiết của một vùng như vậy từ tháng 6/2023, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn lực lượng Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng pháo binh. Mặc dù chi tiết còn mơ hồ vào thời điểm đó, ý tưởng này tiếp tục xuất hiện trong các tuyên bố chính thức.
Các nhà lập pháp và nhà phân tích quân sự đã bày tỏ sự ủng hộ. Duma Quốc gia đã đề xuất một vùng đệm sâu ít nhất 50–60 km, được trang bị hệ thống phòng không và chống máy bay không người lái. Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, gợi ý rằng nếu Ukraine nhận được thêm vũ khí tầm xa, vùng này có thể cần mở rộng sâu hơn – có thể lên tới 550–650 km – để vô hiệu hóa các mối đe dọa.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên án sáng kiến này như một sự leo thang mới và kêu gọi tăng cường áp lực quốc tế lên Moscow.

Tình hình chiến trường hiện tại
Về mặt quân sự, việc thiết lập một vùng đệm đồng nghĩa với việc mở rộng kiểm soát của Nga vào lãnh thổ Ukraine.
Những dấu hiệu đầu tiên của điều này xuất hiện khi Nga báo cáo đã chiếm được một số ngôi làng ở vùng Sumy của Ukraine, bao gồm Maryino, Zhuravka và Basovka – tất cả đều gần biên giới Kursk.
Oleg Grygorov, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Quân sự Vùng Sumy, thừa nhận sự leo thang đột ngột, lưu ý rằng lực lượng Nga đang sử dụng các đội tấn công nhỏ để củng cố vị trí trong các ngôi làng biên giới.
Tính đến cuối tháng 5, hơn 52.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực biên giới. Ukraine đã bắt đầu các cuộc sơ tán này vài tuần trước đó, ban đầu từ các làng Belopolye và Vorozhba, sau đó mở rộng đến 202 địa phương.
Trong khi đó, vào ngày 20/5, Putin đã có chuyến thăm bất ngờ đến vùng Kursk – lần đầu tiên kể từ khi giao tranh bắt đầu tại đây. Trong chuyến đi, Pavel Zolotaryov, người đứng đầu Quận Glushkovo gần biên giới Ukraine, đã kêu gọi Tổng thống kiểm soát thành phố Sumy để đảm bảo an ninh khu vực.
Giao tranh không chỉ giới hạn ở Sumy. Các trận chiến ác liệt cũng đang diễn ra ở vùng Kharkov gần Kupyansk. Tuy nhiên, quy mô của cuộc tấn công hiện tại không cho thấy một chiến dịch toàn diện nhằm bao vây. Thay vào đó, các bước tiến của Nga dường như chậm rãi và ổn định – có khả năng nhằm làm cạn kiệt lực lượng dự bị của Ukraine và dần dần mở rộng kiểm soát mà không thực hiện các động thái táo bạo, rủi ro.

Lý do chiến lược
Có một số động cơ quân sự và chính trị đằng sau thời điểm thúc đẩy vùng đệm này.
Gia tăng các mối đe dọa xuyên biên giới
Kể từ mùa Xuân năm 2023, các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đã gia tăng. Ukraine đã nhận được vũ khí tầm xa từ phương Tây, bao gồm HIMARS, tên lửa Storm Shadow và ATACMS. Pháo kích xuyên biên giới vào các thị trấn của Nga bằng pháo nòng và hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) diễn ra liên tục.
Các khẩu pháo M777 của Kiev, với cỡ nòng 155mm, có tầm bắn lên tới 35–40 km, và đó là khoảng cách giữa các thành phố lớn của Ukraine như Sumy và Kharkov với biên giới Nga.
Ukraine cũng dựa nhiều vào máy bay không người lái và các đội phá hoại để xâm nhập lãnh thổ Nga, theo chính quyền Moscow. Đã có các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sâu vào bên trong Nga, bao gồm cả ở Moscow, và các cuộc xâm nhập vũ trang vào các khu vực biên giới. Những yếu tố này có thể đã thuyết phục lãnh đạo Nga về sự cần thiết phải đẩy tuyến đầu ra xa các thành phố của mình.
Ông Putin đã liên kết trực tiếp độ sâu của vùng đệm với tầm bắn của vũ khí do nước ngoài cung cấp cho Ukraine – về cơ bản nói rằng: càng có thể vươn xa, Nga sẽ càng tiến sâu hơn để tránh nằm trong tầm bắn.
Đòn bẩy trong đàm phán
Sáng kiến này cũng có thể là một động thái chiến thuật nhằm củng cố vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Một vùng đệm an ninh có thể được đề xuất như một phần của thỏa thuận ngừng bắn rộng hơn hoặc thậm chí là điều kiện để chấm dứt chiến tranh. Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg đã đưa ra ý tưởng về một khu vực phi quân sự, mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Tuy nhiên, việc tạo ra một vùng đệm có thể nằm trong danh sách mong muốn của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Chiến lược dài hạn
Cuối cùng, vùng đệm phù hợp với cách tiếp cận rộng hơn của Nga đối với một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Mặc dù tham gia vào các cuộc đàm phán, Moscow tiếp tục phát tín hiệu về cam kết của mình đối với các hoạt động tấn công. Vùng đệm vừa là tuyến phòng thủ chiến lược, vừa là nền tảng cho các bước tiến trong tương lai.
Triển vọng và thách thức
Về quân sự, việc thiết lập vùng đệm 20–30 km bên trong Ukraine sẽ giúp các thành phố lớn như Belgorod, Kursk nằm ngoài tầm pháo binh Ukraine. Ngoài ra, nó cũng làm giảm khả năng xâm nhập của biệt kích và UAV Ukraine, đồng thời cản trở hoạt động trinh sát đối phương.
Tuy nhiên, việc tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine cũng kéo theo hệ lụy: cần đường tiếp tế dài hơn, cơ sở hậu cần mới, phòng không bổ sung, và tăng cường bảo vệ các đơn vị tiền phương khỏi đòn tập kích.
Chiến sự tại Sumy và Kharkov vẫn đang tiếp diễn với nhịp độ vừa phải. Nếu Nga chiếm được phần lớn hai khu vực này, các thành phố lớn như Sumy và Chernigov – nơi có hàng trăm nghìn dân – sẽ nằm trong tầm tay. Khi đó, mối đe dọa với các trung tâm đô thị này có thể trở thành quân bài mặc cả hiệu quả trong các cuộc đàm phán sắp tới.