Trung Quốc hưởng lợi từ công nghệ quân sự của Ukraine như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong suốt nhiều thập kỷ, công nghệ vũ khí của Ukraine đã có đóng góp quan trọng cho công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được hoán cải từ tàu Varyag của Ukraine. Ảnh: Toutiao.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được hoán cải từ tàu Varyag của Ukraine. Ảnh: Toutiao.

Ukraine giúp Trung Quốc đột phá trong công nghệ hải quân

Thành quả đáng chú ý nhất là Trung Quốc mua được tàu sân bay Varyag năm 1998. Tàu sân bay lớp Kuznetsov này được đóng tại Nhà máy đóng tàu Nikolayev ở Ukraine từ năm 1985, nhưng đã bị dừng lại sau khi Liên Xô tan rã, khi đó chỉ hoàn thành được khoảng 68% thân tàu.

Ukraine không đủ khả năng tiếp tục đóng nên đã quyết định bán, công ty du lịch Trung Quốc có tên Chuanglu (Sáng Luật) đã mua nó với giá 20 triệu USD, với tuyên bố sẽ chuyển đổi thành một sòng bạc nổi, nhưng mục đích thực sự là để có được công nghệ tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc.

Quá trình đưa Varyag về gặp nhiều trắc trở. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho tàu đi qua eo biển Bosphorus vì lý do an ninh, khiến việc di chuyển tàu bị trì hoãn gần một năm. Năm 2001, sau những nỗ lực ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ mới chấp thuận.

Năm 2002, tàu Varyag về đến Đại Liên sau một hành trình dài và bắt đầu quá trình hoán cải kéo dài 10 năm. Đến 2012, tàu được đưa vào hoạt động với tên gọi "Liêu Ninh", trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Tau Varyag.jpeg
Tàu Varyag Trung Quốc mua của Ukraine với giá sắt vụn. Ảnh: Toutiao.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự chuyển biến của Hải quân Trung Quốc từ phòng thủ gần bờ sang hoạt động biển xa mà còn cung cấp kinh nghiệm cho việc đóng các tàu sân bay trong nước sau này như Sơn Đông…

Ngoài tàu sân bay, Ukraine còn cung cấp các công nghệ khác cho Hải quân Trung Quốc. Động cơ tuabin khí DA80/DN80 do công ty Zorya-Mashproekt được Trung Quốc sử dụng cho tàu khu trục Type 052B và tàu hộ vệ Type 054A, nâng cao tính năng của tàu, giúp Hải quân Trung Quốc có khả năng cạnh tranh hơn trong tác chiến biển xa.

Ngoài ra, công nghệ radar của Ukraine, đặc biệt là radar mảng pha, tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ, được sử dụng trên các tàu hải quân Trung Quốc, giúp nâng cao khả năng phòng không và phát hiện mục tiêu.

Tiến bộ trong công nghệ hàng không

Trong lĩnh vực hàng không, công nghệ của Ukraine đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hiện đại hóa Không quân Trung Quốc.

Công ty Motor Sich của Ukraine là doanh nghiệp cốt lõi trong ngành sản xuất động cơ máy bay của Liên Xô. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã đưa động cơ tuabin phản lực AI-222-25 của Motor Sich vào sử dụng trên máy bay huấn luyện tiên tiến Hongdu L-15. Tính năng tuyệt vời của động cơ này khiến L-15 trở thành nền tảng quan trọng để Trung Quốc đào tạo thế hệ phi công mới.

Dong co D-18T.jpeg
Công nghệ động cơ D-18T Trung Quốc mua của Ukraine được sử dụng cho máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Ảnh: Toutiao.

Ngoài ra, Motor Sich còn cung cấp cho Trung Quốc công nghệ động cơ phản lực cánh quạt D-18T được sử dụng trên các máy bay vận tải cỡ lớn như An-124. Công nghệ này đã gián tiếp hỗ trợ Trung Quốc phát triển máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Y-20 được đưa vào sử dụng năm 2016, trở thành trụ cột chính trong vận tải hàng không chiến lược của Trung Quốc.

Mặc dù Y-20 cuối cùng đã sử dụng động cơ sản xuất trong nước, nhưng tích lũy công nghệ của Ukraine đã được tham khảo cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lúc đầu.

Một trường hợp quan trọng khác là nguyên mẫu máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay Su-33 T-10K-3 Trung Quốc mua của Ukraine năm 2001. Nguyên mẫu này đã giúp Trung Quốc nghiên cứu thiết kế máy bay trên tàu sân bay và đẩy nhanh quá trình phát triển máy bay J-15. J-15 hiện đã trở thành máy bay chiến đấu chủ lực trên các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

May bay J-15.jpeg
Máy bay J-15 được Trung Quốc chế tạo dựa trên nguyên mẫu Su-33 T-10K-3 mua của Ukraine. Ảnh Toutiao.

Nhập khẩu công nghệ radar và tên lửa

Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ radar của Ukraine. Viện nghiên cứu Kvant-radiolokatsiia của Ukraine phát triển nhiều hệ thống radar tiên tiến, trong đó có radar mảng pha.

Loại radar này có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc và được sử dụng rộng rãi trong phòng không và tác chiến hải quân. Vào những năm 2000, Trung Quốc đã nhập công nghệ này từ Ukraine đưa vào sử dụng trong hệ thống phòng không "Hai Hongqi-9" (HHQ-9) trên tàu khu trục Type 052C, tăng cường đáng kể năng lực phòng không của tàu hải quân Trung Quốc, giúp đối phó với các mối đe dọa phức tạp trên không.

Về công nghệ tên lửa, Ukraine đã cung cấp cho Trung Quốc hệ thống chỉ huy và kiểm soát hỏa lực và công nghệ liên quan. Thời Liên Xô, các viện nghiên cứu của Ukraine đã tham gia phát triển nhiều hệ thống tên lửa, chẳng hạn như tên lửa không đối không R-27.

Mặc dù thông tin công khai rất ít, nhưng có nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể đã học hỏi được từ Ukraine công nghệ trong một số hệ thống của tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Những công nghệ này đã giúp Trung Quốc phát triển các loại tên lửa như tên lửa Đông Phong (DF) và tên lửa hành trình Trường Kiếm (CJ), nâng cao khả năng tấn công chính xác của chúng.

Radar tren tau mua cua Ukraine.jpeg
Ukraine cung cấp cho Trung Quốc công nghệ chỉ huy và kiểm soát hỏa lực trên hạm tàu hải quân. Ảnh: Toutiao.

Lỡ cơ hội có được máy bay ném bom Tu-160

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 là đỉnh cao của ngành hàng không Liên Xô, biệt danh là "Thiên nga trắng" và được NATO gọi là "Cờ cướp biển" (Jolly Roger). Tu-160 bay lần đầu tiên năm 1981 và đưa vào trang bị năm 1987. Đây là máy bay quân sự siêu âm lớn nhất và nhanh nhất thế giới.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine thừa hưởng 19 chiếc Tu-160. Tuy nhiên, do việc bảo dưỡng Tu-160 cực kỳ tốn kém, lên tới hàng triệu USD mỗi năm cho mỗi chiếc. Nền kinh tế Ukraine sụp đổ, lạm phát có lúc lên tới 2.000%, không đủ khả năng chi cho những khoản lớn như vậy.

Đồng thời, theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I), Ukraine đã cam kết phá hủy các hệ thống mang vũ khí hạt nhân chiến lược của mình, trong đó có máy bay Tu-160.

Tu-160.jpeg
Trung Quốc rất mong muốn mua được phi đội Tu-160 của Ukraine. Ảnh: Toutiao.

Vào giữa những năm 1990, Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến Tu-160. Thời điểm đó, máy bay ném bom chính của Không quân Trung Quốc là H-6, dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô những năm 1950, có tầm bay chỉ khoảng 6.000 km, tải trọng 12 tấn và chỉ có tốc độ cận âm.

Đem so sánh, tính năng của Tu-160 vượt xa H-6. Nếu có được, nó sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực tấn công chiến lược của Trung Quốc và thậm chí có thể thay đổi cán cân quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã cố gắng đàm phán với Ukraine để mua Tu-160, nhưng nỗ lực này đã bị cản trở bởi các yếu tố địa chính trị. Nga coi Tu-160 là trụ cột của lực lượng chiến lược của mình và cảnh giác với việc Trung Quốc có được công nghệ này.

Mặc dù giữa Nga và Trung Quốc những năm 1990 đã có sự hợp tác, Nga vẫn không muốn để Trung Quốc làm chủ công nghệ có thể đe dọa đến vị thế của mình. Mỹ và các đồng minh cũng phản đối việc Trung Quốc mua Tu-160 vì lo ngại rằng điều này sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của Trung Quốc và phá vỡ sự ổn định của khu vực.

Để ngăn chặn vụ giao dịch này, Mỹ đã cung cấp viện trợ cho Ukraine thông qua Chương trình hợp tác giảm thiểu mối đe dọa Nunn-Lugar để tài trợ cho việc phá hủy vũ khí chiến lược.

Tu-160 va vu khi.jpeg
Tu-160 hiện vẫn là máy bay ném bom chiến lược hàng đầu thế giới. Ảnh: Toutiao.

Việc bỏ lỡ Tu-160 tác động như thế nào?

Việc không mua được Tu-160 đã ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của lực lượng không quân chiến lược Trung Quốc. Tầm bay liên lục địa và tính năng siêu âm của Tu-160 có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng có được khả năng tấn công toàn cầu và tăng cường khả năng răn đe đối với các đối thủ tiềm tàng.

Ngoài ra, việc nghiên cứu cấu trúc hợp kim titan, cánh cụp cánh xòe và công nghệ động cơ NK-32 của Tu-160 có thể đẩy nhanh quá trình phát triển máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, máy bay H-6 của Trung Quốc thua kém xa các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ và Tu-95 của Nga về tính năng.

Nếu mua được Tu-160 sẽ giúp lấp đầy khoảng cách này, mang lại cho Trung Quốc khả năng ném bom chiến lược đẳng cấp thế giới vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Do bỏ lỡ cơ hội này, Trung Quốc đã buộc phải đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho việc tự nghiên cứu và phát triển.

H-20.jpeg
Hình ảnh đồ họa máy tính của H-20, loại máy bay ném bom chiến lược mãi tới những năm 2030 Trung Quốc mới hy vọng có được. Ảnh: Toutiao.

Trong những năm 2000, Trung Quốc đã nhiều lần nâng cấp H-6 và cho ra mắt phiên bản H-6K, được trang bị động cơ và tên lửa hành trình mới, có tầm bay tăng lên khoảng 8.000 km và tải trọng tăng lên 15 tấn.

Mặc dù vậy, H-6K vẫn không thể so sánh với Tu-160, đặc biệt là về tốc độ và khả năng đột phá. Phải đến năm 2016, khi Trung Quốc công bố nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình H-20, dự án này mới cho thấy tiềm năng lấp đầy khoảng trống chiến lược.

Tuy H-20 có thể tốt hơn Tu-160 về khả năng tàng hình, nhưng tốc độ và tải trọng của nó vẫn kém xa Tu-160. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán H-20 có thể được đưa vào sử dụng vào những năm 2030, cho thấy Trung Quốc vẫn sẽ cần thêm thời gian để bắt kịp Nga và Mỹ trong lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược.