
“Dù bạn đang ở đâu, khi bay lên là có thể thấy Nga,” Chuẩn tướng Nick English, chỉ huy Lữ đoàn Tác chiến Hàng không số 1 của Quân đội Anh, nói khi ông bước qua tuyết và mặt đất nhão nhoẹt tại bãi huấn luyện lớn nhất châu Âu ở miền Bắc Phần Lan. “Gần đến thế đấy”.
Tuy nhiên, các binh sĩ NATO đóng quân tại Vòng Bắc Cực của Phần Lan cho biết họ đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động nào từ Nga ở sườn phía Bắc của liên minh, bất chấp những lo ngại về mức độ sẵn sàng của lực lượng vũ trang châu Âu trong một cuộc đối đầu với Nga và khả năng cầm cự của một số quân đội trong thời gian dài.
Binh lính Phần Lan, Thụy Điển và Anh đã tham gia các cuộc tập trận chung nhằm tích hợp hai thành viên mới nhất của NATO vào liên minh, bao gồm nội dung bắn đạn thật từ pháo tự hành và nạp tên lửa Hellfire vào trực thăng Apache, chỉ cách biên giới Nga khoảng 110 km.
Nhiều cuộc tập trận khác cũng đang được triển khai xa hơn về phía nam dọc theo biên giới rìa phía đông NATO, gần lãnh thổ Nga, Belarus và sát Ukraine.
Phần Lan, Thụy Điển và Anh đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trong vài năm tới, như một phần trong nỗ lực rộng khắp NATO nhằm phân bổ thêm ngân sách cho quân sự, phản ứng với các chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và những lo ngại ngày càng tăng về hành động tiếp theo của Nga.
Các quan chức quân sự trong khối NATO ngày càng thẳng thắn hơn khi nói về mối đe dọa mà họ cho rằng Nga có thể gây ra cho liên minh sau khi Moscow có thời gian hồi phục từ hơn 3 năm chiến tranh khốc liệt ở Ukraine.

Theo các nước phương Tây, cuộc chiến ở Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022 đã làm hao mòn nghiêm trọng lực lượng bộ binh của Nga, nhưng phần lớn các lực lượng quân sự khác của nước này vẫn còn nguyên vẹn.
Một mối lo ngày càng sâu sắc của phương Tây là hàng trăm nghìn lính Nga dày dạn trận mạc, bao gồm lính tình nguyện và lính nghĩa vụ, sẽ được điều động đi đâu nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền ông đã đặt mục tiêu kết thúc cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II là ưu tiên đối ngoại hàng đầu – dù điều này ngày càng khiến ông thất vọng.
Phần Lan cho biết họ hết sức lo ngại trước việc Nga đang mở rộng các căn cứ gần biên giới phía đông. Theo The New York Times tuần này, các công trình xây dựng trên dường như là một phần trong kế hoạch dài hạn mở rộng hiện diện quân sự của Nga sát sườn NATO.
Trước năm 2022, Nga có khoảng 20.000 binh sĩ và bốn lữ đoàn dự bị gần Phần Lan, theo Trung tướng Vesa Virtanen, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Phần Lan. Mỗi lữ đoàn thường có từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ.
“Hiện nay, chúng tôi chứng kiến Nga đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới và điều thêm quân đến khu vực này ngay khi có thể”, ông Virtanen nói với báo Die Welt của Đức tháng trước. “Họ đang tái tổ chức lực lượng”.
Cuối năm 2022, khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu từng tuyên bố Nga sẽ tái cấu trúc lực lượng vũ trang và tăng số quân trong vài năm tới. Một phần kế hoạch này bao gồm tách Quân khu miền Tây – vốn nằm sát sườn phía đông NATO – thành hai quân khu mới là Moscow và Leningrad, đồng thời tăng quy mô toàn quân. Kế hoạch này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2024.

Khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc tái lập Quân khu Leningrad là phản ứng trực tiếp trước việc NATO gia tăng hiện diện gần biên giới Nga. Việc Phần Lan gia nhập NATO đã khiến chiều dài biên giới trực tiếp giữa liên minh này với Nga tăng gấp đôi.
Số lượng binh sĩ Nga đóng quân gần Phần Lan có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với trước cuộc chiến Ukraine, theo ông Pekka Turunen, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Phần Lan, nói với Reuters hồi tháng 1.
Các đánh giá tình báo, bao gồm cả từ Estonia – quốc gia nằm ngay phía nam Phần Lan – đã cảnh báo rằng NATO có thể phải đối đầu với một lực lượng Nga quy mô lớn, có kinh nghiệm chiến đấu, dù có thể kém về mặt công nghệ, trong vài năm tới. Sự cam kết thiếu ổn định từ Mỹ càng khiến khả năng này trở nên hiện hữu hơn, theo nhiều nhà phân tích.
Đại sứ Mỹ tại NATO, ông Matthew Whitaker, gần đây tuyên bố rằng các cuộc thảo luận về việc giảm hiện diện quân sự khổng lồ của Mỹ ở châu Âu sẽ được tiến hành sau hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO tại The Hague. Mỹ không tham gia vòng tập trận lần này tại Phần Lan, cũng không giữ vai trò hỗ trợ cho các hoạt động diễn tập.
Dù liên minh công khai thể hiện sự tự tin về sức mạnh tổng thể, vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng về các lỗ hổng năng lực trên khắp châu Âu – trong đó các hệ thống phòng không, kho dự trữ và đạn dược là những điểm yếu cấp bách nhất.

Chiến thuật mới trên chiến trường Ukraine: Xe máy trở thành "Kỵ binh hiện đại"
Tên lửa không đối không hạt nhân "nhanh nhất thế giới" của Nga nguy hiểm cỡ nào?

Tên lửa Nga phá hủy tổ hợp Patriot trị giá tỷ đô do Mỹ cung cấp cho Ukraine
Theo Newsweek