Tên lửa không đối không hạt nhân "nhanh nhất thế giới" của Nga nguy hiểm cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nga đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân với tên lửa R-37M tốc độ Mach 6, có thể mang đầu đạn hạt nhân, mở rộng lực lượng chiến thuật tại Belarus, theo báo cáo DIA.

Tên lửa không đối không R-37M của quân đội Nga. Ảnh: Getty.
Tên lửa không đối không R-37M của quân đội Nga. Ảnh: Getty.

Nga đang tăng tốc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân với việc phát triển tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân, triển khai lực lượng hạt nhân chiến thuật tại Belarus và đẩy mạnh các chương trình vũ khí chiến lược mới, theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố gần đây.

Báo cáo nhấn mạnh, Nga hiện duy trì khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai, tuân thủ các giới hạn theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), cùng với khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược (chiến thuật).

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật – thiết kế cho mục đích sử dụng trên chiến trường – đang được tích hợp sâu hơn vào hạ tầng quân sự tại Belarus, đồng minh thân cận của Nga trong khu vực. Theo DIA, điều này bao gồm việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân, triển khai máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, và huấn luyện lực lượng Belarus sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tên lửa không đối không hạt nhân đầu tiên trên thế giới?

Một trong những tiết lộ đáng chú ý nhất trong báo cáo là nỗ lực của Nga phát triển năng lực tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân – điều chưa từng được công khai trước đây.

Các nhà phân tích cho rằng Nga đang tập trung vào biến thể mới của tên lửa R-37M, một loại vũ khí không đối không tầm xa được phát triển từ những năm 2010 và được NATO định danh là AA-13 “Axehead”.

Trong khi cấu hình của phiên bản mang đầu đạn hạt nhân vẫn được bảo mật, đầu nổ 60 kg của R-37M đủ không gian để tích hợp một thiết bị nổ hạt nhân thu nhỏ.

R-37M hiện là tên lửa không đối không nhanh nhất thế giới, có thể đạt vận tốc Mach 6. Khi phóng từ độ cao lớn bởi tiêm kích đánh chặn MiG-31BM, nó có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 400 km, chỉ xếp sau tên lửa PL-XX của Trung Quốc về tầm bắn.

Tên lửa được thiết kế để vô hiệu hóa các mục tiêu chiến lược trên không như máy bay cảnh báo sớm (AWACS), máy bay tiếp dầu, và hệ thống tác chiến điện tử trước khi chúng có thể đe dọa không phận Nga.

Hệ thống dẫn đường nhiều lớp gồm dẫn đường quán tính, cập nhật giữa hành trình, và radar chủ động giúp R-37M nhắm mục tiêu chính xác ở khoảng cách cực xa. Bộ tăng tốc tách rời cho phép tên lửa tăng tốc cực nhanh.

Với tầm bắn xa, tốc độ cao và khối lượng đầu đạn lớn, R-37M được đánh giá là rất phù hợp cho vai trò hạt nhân. Một tiêm kích được trang bị 4 tên lửa loại này có thể tiêu diệt cả phi đội đối phương, đánh chặn loạt tên lửa hành trình hoặc phá hủy đội hình máy bay không người lái.

Ngoài năng lực hạt nhân, báo cáo của DIA cũng phân tích về năng lực chiến tranh hóa học và sinh học của Nga.

Sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?

Bất chấp các động thái mở rộng lực lượng, DIA đánh giá Nga khó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine, trừ khi đối mặt với mối đe dọa sống còn đối với chính quyền.

Báo cáo cũng đề cập đến sự gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, khi Bắc Kinh đã sở hữu trên 600 đầu đạn và dự kiến vượt 1.000 vào năm 2030. Trung Quốc đang triển khai các đầu đạn có khả năng phóng nhanh, với nhiều phương án tấn công khác nhau từ vũ khí hạt nhân chính xác tầm thấp đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm cao.

Chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh dựa vào răn đe và phản công linh hoạt, với trọng tâm là khả năng kiểm soát leo thang xung đột.

Sự mở rộng năng lực hạt nhân của Nga và Trung Quốc phản ánh xu thế chuyển dịch sang chiến lược răn đe đa miền, phản ứng nhanh và ưu thế trong leo thang căng thẳng giữa các cường quốc.