Hai tuyên bố sốc về thuế của ông Trump lại khiến thị trường thế giới chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 50% với hàng EU từ 1/6 và 25% với iPhone tại Mỹ, khiến thị trường tài chính rúng động. Apple, EU và các nhà đầu tư đồng loạt phản ứng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường thế giới chao đảo sau khi dọa áp thuế EU và Apple. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường thế giới chao đảo sau khi dọa áp thuế EU và Apple. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (23/5) đã đe dọa sẽ leo thang cuộc chiến thương mại một lần nữa, tuyên bố có thể áp thuế 50% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/6 và cảnh báo sẽ đánh thuế 25% lên tất cả điện thoại iPhone mà người tiêu dùng Mỹ mua.

Hai tuyên bố gây sốc này, được đưa ra qua mạng xã hội, đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo sau vài tuần hạ nhiệt từng đem lại đôi chút bình ổn. Các chỉ số chính của Mỹ và chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm, đồng USD suy yếu trong khi giá vàng – nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư – tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan đến tăng trưởng.

Đòn công kích của ông Trump nhằm vào EU xuất phát từ quan điểm của Nhà Trắng rằng tiến trình đàm phán với khối này diễn ra quá chậm. Tuy nhiên, hành động răn đe của ông cũng đánh dấu sự trở lại của kiểu thương chiến “lúc bật lúc tắt” từng khiến thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhiều phen hoảng loạn, đồng thời thổi bùng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Riêng với Apple, đây là nỗ lực mới nhất của ông Trump nhằm gây áp lực buộc một công ty lớn phải chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ – sau khi từng nhắm vào các hãng ô tô, công ty dược và nhà sản xuất chip. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ chưa có khả năng sản xuất điện thoại thông minh đại trà, trong khi người tiêu dùng nước này mua hơn 60 triệu chiếc mỗi năm. Việc di dời sản xuất nhiều khả năng sẽ đẩy giá iPhone tăng thêm hàng trăm USD.

Cuối ngày thứ Sáu, ông Trump nói với báo giới trong Phòng Bầu dục rằng thuế Apple ông đề xuất cũng sẽ áp dụng cho “Samsung và bất kỳ ai làm ra sản phẩm đó” – dường như ám chỉ đến sản phẩm smartphone nói chung. Ông cho biết kỳ vọng mức thuế mới đối với điện thoại sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6.

Ông Trump nhắc lại lời phàn nàn rằng EU đối xử không công bằng với Mỹ và cản trở việc xuất khẩu xe hơi vào châu Âu. “Tôi nói, đã đến lúc chơi theo cách mà tôi biết rõ nhất”, ông tuyên bố.

Khi được hỏi liệu ông có mong đợi một thỏa thuận trước ngày 1/6 không, ông đáp: “Tôi không tìm kiếm thỏa thuận nào cả. Chúng tôi đã đặt ra mức thuế là 50%. Nhưng một lần nữa, nếu họ xây nhà máy ở đây, sẽ không có thuế”.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại EU Maros Sefcovic nói rằng Ủy ban châu Âu vẫn cam kết đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, sau cuộc điện đàm hôm thứ Sáu với người đồng cấp Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ông nhấn mạnh rằng thương mại EU-Mỹ “phải được dẫn dắt bởi sự tôn trọng lẫn nhau, không phải bằng đe dọa”.

Phát biểu tại The Hague (Hà Lan), Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof ủng hộ chiến lược đàm phán của EU và cho biết khối này có thể xem thông báo mới nhất của Mỹ như một phần trong chiến thuật thương lượng. “Chúng tôi từng thấy thuế quan có thể tăng hoặc giảm trong các cuộc đàm phán với Mỹ”, ông nói.

Trước đó, Nhà Trắng từng tạm dừng hầu hết các mức thuế khắc nghiệt mà ông Trump công bố vào đầu tháng 4 với gần như mọi quốc gia, sau khi nhà đầu tư bán tháo tài sản Mỹ như trái phiếu chính phủ và đồng USD. Dù vậy, ông vẫn giữ mức thuế cơ bản 10% với hầu hết hàng nhập khẩu và sau đó đã hạ mức thuế khổng lồ 145% lên hàng Trung Quốc xuống còn 30%.

“Trường hợp cơ bản của tôi là họ sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng tôi lo ngại nhất chính là đàm phán với EU”, ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citigroup (New York) nhận định.

Một mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ EU có thể khiến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh, từ ô tô Đức đến dầu ô liu Italy.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ năm ngoái đạt khoảng 500 tỷ EUR (566 tỷ USD), dẫn đầu là Đức (161 tỷ EUR), Ireland (72 tỷ EUR) và Italy (65 tỷ EUR). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dược phẩm, ô tô và linh kiện, hóa chất và máy bay – theo dữ liệu từ EU.

Hai tuyên bố sốc về thuế của ông Trump lại khiến thị trường thế giới chao đảo.png
Ông Trump cảnh báo sẽ đánh thuế Apple trừ khi hãng này chuyển dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tranh cãi về thuế quan

Nhà Trắng hiện đang đàm phán thương mại với nhiều quốc gia nhưng tiến trình rất bấp bênh. Các lãnh đạo tài chính từ nhóm G7 đã cố gắng giảm nhẹ căng thẳng về thuế trong một diễn đàn hồi đầu tuần tại vùng núi Rocky (Canada).

“EU là một trong những khu vực ông Trump không thích nhất, và ông cũng không có mối quan hệ tốt với các lãnh đạo khối này, điều đó làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại kéo dài”, bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB, nhận định.

Ông Bessent, cố vấn thương mại của ông Trump, từ chối bình luận về các thỏa thuận thương mại khác, nhưng nói trên kênh Fox News rằng sẽ còn thêm nhiều thông báo nữa khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng kết thúc vào tháng 7.

Cổ phiếu các hãng xe Đức và công ty hàng hiệu cao cấp, những doanh nghiệp chịu rủi ro thuế lớn nhất, đồng loạt giảm mạnh.

Giám đốc điều hành Volvo Cars, ông Hakan Samuelsson, cho biết với Reuters hôm thứ Sáu rằng người tiêu dùng sẽ phải gánh phần lớn chi phí tăng thêm do thuế, và rằng việc nhập khẩu các dòng xe nhỏ nhất của hãng vào Mỹ có thể trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan về khả năng sớm đạt được một thỏa thuận. “Sẽ không có lợi cho cả châu Âu và Mỹ nếu cắt đứt thương mại giữa hai bên”, ông nói.

Apple từ chối bình luận về lời đe dọa của ông Trump – điều có thể đảo ngược những miễn trừ mà hãng từng được hưởng với smartphone và các thiết bị điện tử khác nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Cổ phiếu Apple đã giảm 3% sau khi ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông đã nói với CEO Tim Cook “từ lâu” rằng “Tôi kỳ vọng những chiếc iPhone được bán ở Mỹ phải được sản xuất tại Mỹ, không phải ở Ấn Độ hay nơi nào khác”.

Nguồn tin thân cận cho biết ông Cook và Trump đã gặp nhau hôm thứ Ba trong tuần.

Apple hiện đang đẩy nhanh kế hoạch sản xuất phần lớn iPhone bán tại Mỹ tại các nhà máy ở Ấn Độ vào cuối năm 2026 để tránh các mức thuế có thể gia tăng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng chuyển sản xuất về Mỹ vẫn rất thấp. Hồi tháng 2, Apple cho biết sẽ đầu tư 500 tỷ USD trong vòng 4 năm tại 9 bang của Mỹ, nhưng khoản đầu tư này không nhằm mục đích đưa dây chuyền sản xuất iPhone về nước.

“Rất khó để tưởng tượng rằng Apple có thể hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Tổng thống trong vòng 3–5 năm tới”, chuyên gia phân tích Gil Luria của D.A. Davidson & Co, nhận định.

Theo Reuters