Quyền lợi người bệnh BHYT đang bị vi phạm
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện (BV) từ sau dịch COVID-19 đến nay, dù mức độ khác nhau.
Điều này vi phạm nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, khi họ đóng tiền BHYT hàng tháng nhưng khi đi khám, chữa bệnh (KCB) lại vẫn phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư, đồng thời, không ai đảm bảo về chất lượng thuốc và vật tư mua bên ngoài.
Nguyên nhân của việc thiếu thuốc, vật tư đã mổ xẻ mấy năm qua chưa có hồi kết. Nhiều BV cho rằng do những vướng mắc trong thủ tục hướng dẫn đấu thầu, tâm lý ngại mua sắm khi cơ chế còn vướng; nguồn cung đứt gãy; thuốc hiếm, lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp không nhập về…
Nhưng nhiều ý kiến phản bác rằng, trong khi vẫn có nhiều BV đảm bảo đủ thuốc, vật tư phục vụ bệnh nhân, đã cho thấy lý do về vướng mắc trong thủ tục đấu thầu là chưa thuyết phục, nhất là khi năm 2024 đã có Luật Đấu thầu, Nghị định 24 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chính vì thế, việc người bệnh BHYT không được cơ sở y tế phục vụ đủ thuốc, vật tư đã trở thành vấn đề nóng trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu yêu cầu cần có cơ chế trả lại chi phí cho người bệnh BHYT khi họ phải tự mua thuốc, vật tư y tế.
Từ tháng 11/2023, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo để xây dựng thông tư về thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân BHYT, nhằm chấm dứt cảnh “quýt làm cam chịu” khi bệnh nhân phải gánh chịu việc thiếu thuốc, vật tư do BV không tổ chức mua sắm được đang tồn tại một cách vô lý, nhất là khi số tiền BHYT mà người dân đóng đều đặn vẫn nằm ở Bảo hiểm xã hội (BHXH) mà họ không được sử dụng.
Sau tròn một năm, hôm qua, 18/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký Thông tư 22 “Quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB”, nhằm bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân BHYT.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi BV không cung cấp đủ đều được BHYT thanh toán, mà có các điều kiện cụ thể, nhằm tránh việc các BV lạm dụng Thông tư này để không mua sắm, đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh.
Thanh toán trực tiếp có điều kiện
Trao đổi với VietTimes, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - cho biết: Để được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho bệnh nhân BHYT, thì tại thời điểm kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế phải có các điều kiện sau:
Thứ nhất, không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được duyệt theo một trong các hình thức: Đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chào hàng cạnh tranh hoặc mua sắm trực tiếp hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc chào giá trực tuyến hoặc mua sắm trực tuyến và đã thực hiện chỉ định thầu rút gọn theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 24 của Chính phủ, nhưng không lựa chọn được nhà thầu.
Đồng thời, tại cơ sở KCB không có thuốc thương mại nào chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn, hoặc cùng hoạt chất nhưng khác nồng độ, hoặc hàm lượng hoặc dạng bào chế hoặc đường dùng và không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh; Không có thiết bị y tế mà người bệnh được chỉ định sử dụng và không có thiết bị y tế để thay thế.
Thứ hai, không chuyển người bệnh đến cơ sở KCB khác thuộc một trong các trường hợp sau: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý người bệnh được xác định không đủ điều kiện để chuyển; Cơ sở KCB nơi người bệnh khám và điều trị đang trong thời gian cách ly y tế; Cơ sở KCB nơi người bệnh đang khám và điều trị là cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Thứ ba, không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở KCB.
Thứ tư, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải phù hợp với phạm chuyên môn của cơ sở KCB và đã được thanh toán chi phí KCB BHYT tại một trong các cơ sở KCB trên toàn quốc.
Thứ năm, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Mức thanh toán trực tiếp cho người bệnh BHYT
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định sau:
Đối với thuốc: Căn cứ để tính mức thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược. Trường hợp thuốc có quy định về tỷ lệ, điều kiện thanh toán thì thực hiện theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán;
Đối với thiết bị y tế (bao gồm thiết bị y tế sử dụng nhiều lần): Căn cứ để tính mức thanh toán là số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở mua bán thiết bị y tế. Trường hợp thiết bị y tế có quy định mức thanh toán không vượt quá mức thanh toán theo quy định đối với thiết bị y tế đó.
Đơn giá thuốc, thiết bị y tế làm căn cứ để xác định mức thanh toán không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với trường hợp thuốc, thiết bị y tế đã trúng thầu tại cơ sở KCB nơi người bệnh đã KCB.
Trong trường hợp thuốc, thiết bị y tế chưa trúng thầu tại cơ sở KCB nơi người bệnh đã KCB, đơn giá làm căn cứ để xác định mức thanh toán BHYT là kết quả lựa chọn nhà thầu còn hiệu lực theo thứ tự ưu tiên như sau: Kết quả mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc kết quả đàm phán giá; Kết quả mua sắm tập trung cấp địa phương trên địa bàn; Kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở KCB công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở KCB cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn; Kết quả lựa chọn nhà thầu thấp nhất tại thời điểm thanh toán của các cơ sở KCB công lập cấp chuyên sâu, cấp cơ bản hoặc cơ sở KCB cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn TP Hà Nội, TPHCM.
Phòng tránh lạm dụng để "lười" đấu thầu
Để tránh việc lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế, Bộ Y tế quy định rõ: Các Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc, thanh kiểm tra việc mua sắm, bảo đảm có sẵn thuốc, thiết bị y tế phục vụ KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đồng thời, xử lý các cơ sở KCB không đủ điều kiện theo giấy phép hoạt động KCB và hợp đồng KCB BHYT đã ký, liên quan đến cung ứng thuốc, thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở KCB, bảo đảm không lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo chúng tôi, Thông tư 22 là một bước đi mới trong việc bảo vệ quyền lợi của người bệnh khi các BV thiếu thuốc, vật tư kéo dài đã nhiều năm, song đây vẫn là giải pháp tình thế, còn giải pháp bền vững vẫn là các BV phải chủ động tổ chức mua sắm, đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho người bệnh BHYT.