Trên Tik Tok đang xuất hiện nhiều clip các bạn trẻ, kể cả học sinh mới hơn 10 tuổi, cũng tham gia vào trò “bắt pen” đang có xu hướng lan rộng như một “trend” của mạng xã hội.
Đây là một trò chơi mới xuất hiện nhưng khá nguy hiểm, với việc một người ấn mạnh vào hai bên mạch máu ở cổ của người khác cho đến khi người kia bất tỉnh, nhằm “giúp” người bị “bắt pen” có cảm giác lâng lâng, thoáng ngất, một trải nghiệm mà một số bạn trẻ cho rằng mang tính … khác biệt.
Nguyên nhân của trào lưu “bắt pen” là nhiều người trong giới trẻ muốn thử nghiệm “cảm giác mạnh” và mới lạ. Tuy nhiên, cảm giác đó chỉ thoáng qua trong mấy giây nhưng hậu quả thì khôn lường.
Nhiều bác sĩ bất ngờ vì trò “bắt pen” lại thu hút nhiều người trẻ tham gia, trong khi rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người chơi.
Trao đổi với VietTimes, BS. Lê Thanh Bình - Trưởng Q1 Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết: Việc ép vào mạch máu ở vùng cổ như các bạn trẻ gọi là “bắt pen” có thể gây ra 3 vấn đề:
Một là thiếu máu lên não (do mạch cảnh ở vùng cổ bị ép), gây mất ý thức tạm thời;
Hai là gây nhồi máu não, có thể gây ra liệt 1/2 người hoặc hôn mê (do mảng xơ vữa động mạch bị bong ra khi bị ép vào hoặc thành động mạch cảnh bị lóc tách do bị ép);
Ba là gây ra hiện tượng cường phế vị, làm nhịp tim chậm và huyết áp tụt, nặng có thể ngừng tim.
TS. Đào Việt Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, trò “bắt pen” rất nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Trước trào lưu mới xuất hiện này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng lập tức lên tiếng về những tác hại của “bắt pen”: Nếu ấn vào 2 động mạch cảnh trong vài giây sẽ không gây nguy hiểm, nhưng ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, sẽ dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
Hành động “bắt pen” cũng có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
Tác hại thứ ba của trò “bắt pen” là gây chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh.
Đặc biệt, trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người, nhất là các em học sinh, tuyệt đối không thực hiện trò “bắt pen”, mà cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình lên trên hết.