Tại hội thảo lấy ý kiến xung quanh dự Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức chiều 16/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết có 4 chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT. Một số chính sách như “thông tuyến”, BHYT bổ sung, nâng mức đóng BHYT… sẽ tiếp tục được nghiên cứu để điều chỉnh.
Trao đổi với VietTimes, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết 4 chính sách này liên quan một số điểm đáng chú ý như điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT...
Đề xuất chi trả điều trị ung thư vú, ung thư cổ tử cung
Chính sách đáng lưu ý trong dự Luật BHYT sửa đổi, được nhiều ý kiến đồng thuận cao là một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, nếu được can thiệp sớm sẽ có hiệu quả sẽ được BHYT chi trả sàng lọc và điều trị, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn, đồng thời, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.
Theo bà Trang, các bệnh được đề xuất chi trả cho sàng lọc, điều trị ngăn ngừa gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú - là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn và đã có nhiều bằng chứng về chi phí hiệu quả của các biện pháp sàng lọc, đã được nhiều quốc gia chi trả BHYT cho bệnh này.
Dự luật BHYT sửa đổi cũng quy định chế phẩm máu, khí y tế (O2, N2O) và các chế phẩm khác để điều trị bệnh, như chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, được hưởng BHYT, để đúng yêu cầu chuyên môn, quyền lợi của người bệnh và bảo đảm tính pháp lý.
“Các chế phẩm này không phải là thuốc nhưng được dùng để điều trị bệnh, đã được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, WHO, các hội y khoa thế giới,” - Bà Trang nhấn mạnh.
Dự Luật cũng mở rộng độ tuổi điều trị lác, sụp mí và tật khúc xạ của mắt đối với người dưới 18 tuổi.
Một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến KCB tại cơ sở có chuyên khoa thuộc cấp KCB cơ bản, chuyên sâu sẽ được thanh toán 100% theo mức hưởng.
Đặc biệt, trong Luật BHYT sửa đổi, người bệnh được tự đến KCB tại cơ sở KCB thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hơn tại địa phương, hoặc nơi giáp ranh, trong trường hợp cơ sở đăng ký KCB ban đầu, cơ sở KCB cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn liền kề với cơ sở mà người bệnh đăng ký KCB ban đầu không đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn dịch vụ kỹ thuật, được thanh toán 100% theo mức hưởng.
Với điều chỉnh này, bà Trang cho biết dự kiến sẽ tiết kiệm cho quỹ BHYT do phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nên giảm chi phí điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn khi bệnh thường nặng. Nhờ phát hiện và điều trị sớm, người dân tiết kiệm được chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả, hạn chế chi từ tiền túi.
Bà Trang lưu ý rằng việc điều chỉnh chính sách này tác động rất tích cực đến nhóm đối tượng là nữ giới, trẻ em, người thu nhập thấp, bởi được bảo đảm nhiều quyền lợi liên quan. Sự thay đổi này phù hợp với Luật KCB và Luật BHYT của các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước châu Âu…
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Trang, chính sách này sẽ làm tăng chi từ Quỹ BHYT: Sàng lọc ung thư cổ tử cung: 2.6- 3 nghìn tỷ/năm; sàng lọc ung thư vú: 2,5 – 5,3 nghìn tỷ/năm; chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt: 187-240 tỷ/năm; sữa mẹ hiến tặng thanh trùng: 30,8 tỷ đồng/năm; điều trị lác: 13 tỷ/năm; sụp mí: 3 tỷ/năm; tật khúc xạ: 734 tỷ/năm.
“Tuy nhiên chi phí này sẽ được bù đắp bởi lợi ích của chính sách mang lại và việc tiết kiệm Quỹ BHYT trong tương lai”- bà Trang lý giải.
Khám ngoại trú trái tuyến ở cấp cơ bản không được hưởng BHYT
Theo Luật BHYT sửa đổi, nếu người dân đi khám ở cấp ban đầu (phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh) thì dù đúng hay trái tuyến đều được hưởng BHYT 100%.
Nếu đi KCB trái tuyến ở cấp cơ bản (bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương dưới 70 điểm), thì nội trú được hưởng 100% BHYT, nhưng ngoại trú sẽ không được hưởng.
Nếu KCB trái tuyến ở cấp chuyên sâu (bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương trên 70 điểm), thì ngoại trú không được hưởng BHYT, còn nội trú cũng chỉ được 40%.
Giải thích cho sự thay đổi này, bà Trang cho biết sẽ giúp giảm chi ngân sách nhà nước cho đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất cho chống quá tải tuyến trên và giải quyết vấn đề tỷ lệ KCB BHYT ở y tế cơ sở còn thấp.
Ngoài ra, còn giảm chi phí điều trị nội trú từ quỹ BHYT do tiết kiệm thời gian điều trị, giảm chỉ định điều trị nội trú không cần thiết để tăng điều trị ngoại trú; tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ CSSK và giảm các chi phí điều trị, đi lại, thời gian chờ đợi do được đăng ký KCB ngay tại tuyến cơ sở; giúp phát hiện điều trị sớm bệnh tật.
Sự thay đổi này cũng bảo đảm công bằng giữa các tuyến y tế, sử dụng hiệu quả nguồn lực, cơ sở vật chất, khi tuyến trên tập trung vào các kỹ thuật cao, nghiên cứu khoa học; còn y tế cơ sở có vai trò gác cổng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi này khắc phục bất cập của quy định phòng khám đa khoa và Trung tâm Y tế không thuộc diện thông tuyến, do luật hiện hành chỉ quy định thông tuyến ngoại tỉnh đối với bệnh viện.
Tuy vậy, bà Trang cũng cho biết sửa đổi này sẽ làm tăng chi phí ban đầu từ ngân sách cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chi phí đào tạo nâng cao trình độ và chi phí thu hút nhân lực chuyên môn về làm việc tại y tế cơ sở; tăng chi phí đầu tư hạ tầng, CNTT của y tế cơ sở để bảo đảm kết nối thanh toán với bảo hiểm xã hội. Có thể làm giảm nguồn thu của các cơ sở KCB ở cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn và tăng chi phí của Quỹ BHYT do tăng chỉ định kỹ thuật, sử dụng thuốc tại các cơ sở chuyên khoa.
Đặc biệt, Bộ Y tế dự liệu dư luận có thể không ủng hộ việc giảm tỷ lệ chi trả cho một số trường hợp vượt cấp KCB BHYT, nên cần tăng cường truyền thông.