Tại lễ niệm 15 năm ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 1/7, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết cả nước hiện có trên 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Tỷ lệ này chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và nhiều bộ, ngành gửi lẵng hoa chúc mừng 15 năm BHYT Việt Nam
Bộ trưởng khẳng định: Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, giúp nhiều người vượt qua bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT luôn được cân đối và có kết dư đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền và mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là BHYT theo hộ gia đình. Các cơ chế chính sách về BHYT tiếp tục được hoàn thiện, để bao phủ BHYT đến mọi đối tượng, từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT, đặc biệt là các quyền lợi giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm: Ngành y tế sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; chia sẻ, sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.
Công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được coi trọng, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở và tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc và thiết bị y tế theo hướng hiệu quả, minh bạch; đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT và cho cơ sở khám, chữa bệnh; xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phải đóng BHYT theo Luật BHYT.
“Sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, chia sẻ: trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT và quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỉ đồng. Riêng năm 2023 có trên 174 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT với số chi khoảng 123 nghìn tỉ đồng.
Mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật do quỹ BHYT chi trả ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người bệnh BHYT. Nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới hàng tỉ đồng/năm.
Đặc biệt, quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tuyến huyện và tuyến tỉnh đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT.
Ông Mạnh thông tin thêm: Công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT và chống trục lợi BHYT: Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được tích hợp, kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số bộ, ngành, là nền tảng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý và cải cách TTHC.
Việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám, chữa bệnh, bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh đồng thời người dân cũng không phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ BHYT; tiết kiệm thời gian đón tiếp, hướng dẫn của cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo ông Mạnh, hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang phối hợp xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân đảm bảo chất lượng, hiệu quả, liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe,...
Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử, giảm bộ thủ tục hành chính từ 114 còn 25 thủ tục.