|
Tàu Magic Horizon bị lực lượng Houthi tấn công dữ dội bằng tên lửa và UAV. Ảnh: Sohu. |
Đòn ăn miếng trả miếng của Houthi với Israel
Kể từ khi tuyên bố ngừng bắn, lực lượng Houthi đã phát động cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Israel và đánh chìm thành công tàu Magic Horizon, thực hiện một cuộc chiến mà ngay cả Iran từ trước đến nay cũng không dám làm. Đây được coi là một đòn đáp trả tương xứng với hành động của Israel.
Vậy thì, tại sao Iran không dám đánh mà Houthi lại dám? Họ lấy đâu ra tên lửa để thực hiện cuộc tấn công? Và đã sử dụng vũ khí gì để đánh chìm được con tàu vận tải khổng lồ này.
Theo các nguồn tin truyền thông, lực lượng Houthi đã phóng tổng cộng 11 quả tên lửa và triển khai nhiều máy bay không người lái, tấn công dữ dội vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel bao gồm cảng Eilat, nhà máy điện Ashkelon, cảng Ashdod và sân bay Ben Gurion.
Trong số đó, có 3 quả tên lửa siêu vượt âm đã đánh trúng trực tiếp lãnh thổ Israel, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra còn có 5 tên lửa đạn đạo và hành trình, cộng thêm 3 UAV, đã đánh chìm tàu chở hàng Magic Horizon trên Biển Đỏ.
Thông tin về cuộc tấn công của Houthi ngay lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi. Trước hết, đây là đòn trả đũa tương xứng của Houthi, bởi trước đó Israel từng tấn công vào các cảng biển, nhà máy điện và tàu hàng của Yemen.
Lần này, các mục tiêu mà Houthi chọn đánh vào Israel hoàn toàn tương đồng với các mục tiêu mà Israel đã nhắm vào Houthi – một hành động mang tính “trả miếng”, điều mà Iran luôn muốn nhưng chưa bao giờ dám làm.
Xét trong các cuộc xung đột trước đó giữa Iran và Israel, Iran luôn ở thế yếu, không dám đánh vào tàu hàng phương Tây, cũng không dám phản công mạnh mẽ vào lãnh thổ Israel. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Giữa Iran và Houthi, ai mới là "đàn anh"? Về mặt táo bạo, mạnh mẽ, dường như Iran không sánh bằng Houthi.
Không chỉ tấn công vào lãnh thổ Israel và đánh chìm tàu Magic Horizon, lực lượng Houthi còn đánh bật được chiến đấu cơ Israel. Theo một số nguồn tin, vào đêm ngày 6 và rạng sáng ngày 7/7, Israel huy động các máy bay chiến đấu thực hiện không kích ban đêm vào Yemen. Tuy nhiên, lực lượng Houthi đã phát hiện kịp thời và phóng nhiều tên lửa phòng không, buộc chiến đấu cơ Israel phải rút lui, điều mà Iran không làm được.
Sự kiện tưởng chừng đơn giản này lại ẩn chứa nhiều thông tin quan trọng: Thứ nhất, làm thế nào Houthi phát hiện được các chiến đấu cơ Israel? Thứ hai, tên lửa phòng không của Houthi đến từ đâu? Thứ ba, tại sao hệ thống tác chiến điện tử của Israel không áp chế được radar phòng không của Houthi?
Theo giới quan sát, câu trả lời là: Thứ nhất, các chiến đấu cơ mà Israel triển khai lần này có thể không phải là F-35, mà là các loại thông thường như F-15 và F-16. Lý do: do F-35 đang cần bảo trì sau các đợt tấn công Iran trước đó. Thứ hai, bán kính tác chiến của F-35 chỉ khoảng 1.100 km, không đủ để thực hiện đòn đánh sâu vào Yemen nếu không có máy bay tiếp dầu trên không.
Trong khi đó, F-15 có tầm bay lên đến 1.800 km, F-16 cũng đạt khoảng 1.200 km, phù hợp hơn cho nhiệm vụ này. Ngoài ra, việc F-15 hoặc F-16 bị Houthi phát hiện và đẩy lùi không có gì mới lạ, bởi trong chiến tranh Yemen trước đây, Houthi đã từng bắn rơi chiến đấu cơ F-15 của Saudi Arabia. Điều đó cho thấy Houthi hoàn toàn có khả năng phát hiện máy bay Israel.
Vậy tên lửa phòng không của Houthi đến từ đâu? Hiển nhiên, Iran là nguồn cung chính. Iran là “người chống lưng” lớn nhất của Houthi và là cường quốc tên lửa trong khu vực.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Houthi còn mua vũ khí từ thị trường chợ đen quốc tế, sau đó cải tiến và nâng cấp. Do đó, việc sở hữu tên lửa phòng không không phải là điều khó đối với họ.
Tại sao Israel có thể dễ dàng đánh vào mục tiêu ở Iran nhưng lại không thể làm điều tương tự với Houthi? Lý do quan trọng nhất là: quyền kiểm soát không phận.
Theo các báo cáo, hiện nay không phận Syria đã được “mở” cho Israel, cho phép Israel tiếp cận vùng trời phía trên Iran. Ngược lại, giữa Israel và Houthi còn có Saudi Arabia ngăn cách, và Saudi không cho Israel sử dụng không phận của mình. Điều này khiến Israel không thể trực tiếp tấn công Houthi, và Saudi vô tình trở thành lá chắn tự nhiên cho lực lượng Houthi.
Tóm lại, lần này Houthi đã: Tấn công sâu vào lãnh thổ Israel; phóng tên lửa siêu vượt âm và UAV đánh chìm tàu Israel; đánh bật chiến đấu cơ Israel.
Đây là cuộc tấn công lớn nhất vào Israel kể từ khi Houthi tuyên bố ngừng bắn, và là minh chứng rõ ràng rằng Houthi đang làm những điều mà Iran không dám làm, hoặc không thể làm, khiến cán cân sức mạnh trong khu vực Trung Đông càng trở nên phức tạp hơn.
Houthi đánh chìm tàu Magic Horizon như thế nào?
Magic Horizon (còn gọi là Magic Seas) là một tàu hàng lớn, từng thuộc sở hữu của Castor Maritime và bán năm 2024, hiện tàu do Optimal International Shipping sở hữu, thông qua công ty Allseas Marine SA, trụ sở tại Athens, Hy Lạp. Tàu dài khoảng 200 mét, rộng khoảng 32 mét, tổng trọng tải (DWT) khoảng 63.300 tấn Ngày 6–7/7/2025, nó bị tấn công bởi lực lượng Houthi bằng nhiều loại vũ khí tại Biển Đỏ, buộc thủy thủ phải bỏ tàu, và sau đó bị chìm.
Trong đoạn video do Houthi công bố hôm 8/7, có thể nghe thấy tín hiệu cầu cứu từ tàu Magic Horizon, thuyền trưởng xác nhận con tàu đã bị tấn công và thủy thủ đoàn đang chuẩn bị bỏ tàu để thoát thân. Sau đó, video cho thấy tàu bị tàu cao tốc không người lái (USV) và máy bay không người lái (UAV) tấn công bồi thêm, tạo ra những cột nước lớn. Thân tàu bị phá hỏng, nước tràn vào khiến con tàu từ từ chìm xuống và cuối cùng đắm hoàn toàn.
Houthi công khai tuyên bố vụ tấn công nhằm trả đũa các hành động của Israel tại Gaza và “ủng hộ nhân dân Palestine”. Trong tuyên bố sau khi đánh chìm tàu Magic Horizon, Houthi khẳng định đây là một phần của chiến dịch bao vây đường biển đối với Israel nhằm chặn mọi tàu có liên quan đến Israel hoặc ủng hộ Israel.
Mặc dù Magic Horizon không treo cờ Israel, cũng không do công ty Israel điều hành trực tiếp, nhưng tàu hoạt động trong tuyến hàng hải thương mại thường đi đến các cảng có liên quan đến Israel hoặc đồng minh thân cận của Israel như Ai Cập, Hy Lạp.
Có thông tin cho rằng con tàu này có thể đang trên hành trình hướng đến một cảng có liên hệ thương mại với Israel, dù chưa xác minh cụ thể.
Houthi từ cuối 2023 đã tuyên bố sẽ tấn công bất kỳ tàu nào có liên hệ với Israel (về chủ sở hữu, điểm đến, quốc tịch thủy thủ, hoặc đơn giản là đi qua hành lang hỗ trợ Israel).
Trước vụ đánh chìm Magic Horizon, Houthi cũng đã tấn công tàu Galaxy Leader (liên quan tới doanh nhân Israel), phóng tên lửa, UAV vào cảng Eilat của Israel. Đây là một phần trong chiến dịch “bao vây hàng hải Israel”, chứ không phải tấn công ngẫu nhiên.
Vụ tấn công diễn ra sau khi Israel bị cáo buộc tấn công vào cảng và trạm điện của Yemen. Houthi tuyên bố đây là “đòn phản công đối xứng” nghĩa là họ chọn mục tiêu có tính biểu tượng như tàu vận tải quốc tế trong khu vực ảnh hưởng kinh tế của Israel.
Phản ứng của Israel đã xác nhận tính chất "nhắm vào Israel": Sau vụ Magic Horizon bị đánh chìm tàu, Israel lập tức điều không quân tấn công trả đũa vào các mục tiêu Houthi ở Yemen — điều này cho thấy Israel xem vụ việc là hành động quân sự nhắm vào họ, dù gián tiếp.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Israel cũng đã cảnh báo tàu thuyền tránh xa Biển Đỏ — điều thường chỉ thực hiện khi bị tấn công có chủ đích. Mặc dù tàu Magic Horizon không thuộc sở hữu hay điều hành trực tiếp bởi Israel, Houthi rõ ràng xem nó là mục tiêu hợp lệ trong chiến dịch gây áp lực lên Israel thông qua chiến tranh đường biển. Đây là chiến thuật chiến tranh phi đối xứng của Houthi, dùng tấn công kinh tế - vận tải để phá thế mạnh của Israel, đồng thời thu hút dư luận và tăng sức ép toàn cầu về cuộc xung đột tại Gaza.