
Trong vài ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu mạnh mẽ và trực tiếp nhất từ trước tới nay về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cùng thời điểm đó, Điện Kremlin cũng đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất tới Nhà Trắng: Nga không quan tâm tới một giải pháp đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Hãy bắt đầu từ những phát ngôn của ông Trump về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. "Chúng tôi sẽ gửi thêm vũ khí", Tổng thống Mỹ tuyên bố hôm đầu tuần khi nói về Ukraine. "Chúng tôi phải làm điều đó, họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất nặng nề".
Phía sau ông, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gật đầu bày tỏ sự đồng tình. Đây là một cử chỉ đáng chú ý, bởi nó đi ngược lại thông báo trước đó của chính quyền về việc tạm dừng các chuyến hàng quân sự. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra thêm chi tiết cụ thể nào.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc sau đó đã làm rõ hơn: "Theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thêm vũ khí phòng thủ tới Ukraine để đảm bảo nước này có thể tự vệ, trong khi chúng tôi tiếp tục làm việc nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài và chấm dứt sự đổ máu".
Sự thay đổi này diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc trao đổi, ông Zelensky cho biết hai bên đã thảo luận về việc hợp tác sản xuất vũ khí và tăng cường năng lực phòng không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang gấp rút yêu cầu Mỹ cung cấp thêm các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot - thứ vũ khí duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga. Điểm then chốt là chỉ Washington mới có quyền phê duyệt việc chuyển giao hệ thống này.
Đáng chú ý, một ngày trước đó, Tổng thống Trump cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Friedrich Merz - người đang tìm cách mua Patriot từ Mỹ để chuyển giao cho Ukraine. Những diễn biến này khiến ông Zelensky đánh giá cao cuộc trao đổi mới nhất với ông Trump, gọi đó là "cuộc trò chuyện hiệu quả nhất từ trước đến nay".
Cách tiếp cận của ông Trump có điểm khác biệt rõ rệt so với người tiền nhiệm. Trong khi cựu Tổng thống Biden thường công bố chi tiết từng loại vũ khí viện trợ với hy vọng duy trì sự minh bạch, thì ông Trump lại chọn im lặng. Sự dè dặt này có thể là chiến thuật có chủ đích, cũng có thể chỉ đơn giản phản ánh phong cách không quan tâm tới tiểu tiết của ông.
Tuy nhiên, bài học từ thời Biden cho thấy sự minh bạch thái quá đôi khi phản tác dụng. Mỗi quyết định viện trợ vũ khí - từ HIMARS, xe tăng Abrams, tiêm kích F-16 cho đến tên lửa ATACMS - đều trở thành đề tài tranh cãi công khai trước khi được chấp thuận. Quá trình này vô tình phơi bày sự leo thang vũ khí của Mỹ trước Điện Kremlin. Có vẻ ông Trump đang tìm cách tránh lặp lại kịch bản tương tự bằng cách hạn chế tiết lộ thông tin.
Chưa đầy 6 tháng nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải quay lại vị trí mà người tiền nhiệm Joe Biden từng đứng, dù đã thử qua hầu hết mọi cách tiếp cận khác. Ông khi thì tỏ ra thân thiện, lúc lại chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin; có lúc bất hòa rồi lại làm hòa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky; từng phớt lờ châu Âu nhưng cuối cùng lại tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh này.

Thời điểm thay đổi chính sách lần này của ông Trump - dù là tạm thời hay lâu dài - đã phản ánh rõ tính chất cấp bách của tình hình chiến sự hiện nay. Các đợt tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn chưa từng có của Nga vào thủ đô Kiev gần đây đã phơi bày những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống phòng không của Ukraine. Tình hình sẽ càng trầm trọng hơn nếu không được tiếp viện kịp thời, đặc biệt khi Ukraine báo cáo khoảng 160.000 quân Nga đang tập trung dọc mặt trận phía bắc và đông. Những tháng tới sẽ là giai đoạn vô cùng khó khăn và mang tính quyết định đối với Kiev - ngay cả khi Mỹ đã quyết định nối lại viện trợ quân sự.
Suốt thời gian qua, ông Trump luôn cố gắng giữ thái độ ôn hòa với ông Putin. Ông theo đuổi chính sách ngoại giao kiên nhẫn, sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, và thậm chí mới đây còn tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine - một yêu cầu rõ ràng từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đều không thể thay đổi lập trường của ông Putin. Và ông Trump cuối cùng cũng buộc phải từ bỏ ngoại giao.
Cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan dưới thời Biden - hệ quả từ thỏa thuận ông Trump ký với Taliban - đến nay vẫn là vũ khí chính trị để phe Cộng hòa công kích đảng Dân chủ. Nếu kịch bản tương tự xảy ra với các đồng minh Mỹ ở Ukraine hay Đông Âu, đó sẽ thành vết nhơ chính trị không thể tẩy xóa trong lịch sử đảng Cộng hòa và phong trào MAGA (Giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại). Kịch bản ấy hiện chưa xảy ra và cũng chưa thực sự cận kề. Nhưng nếu ông Putin đạt được bất kỳ bước tiến nào trong chiến dịch sắp tới, hậu quả chính trị sẽ khó lường.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm đầu tuần đã một lần nữa khẳng định cần "xóa bỏ nguyên nhân gốc rễ" của xung đột, đồng thời liệt kê hàng loạt điều kiện: phi quân sự hóa Ukraine, dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt, hủy bỏ mọi vụ kiện pháp lý chống lại Nga và hoàn trả tài sản bị phương Tây tịch thu.
Ông Lavrov cũng yêu cầu Ukraine cam kết không bao giờ gia nhập NATO và công nhận chủ quyền Nga đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả những khu vực ở Zaporizhzhia và Kherson. Những yêu sách này cũng giống như thời điểm đầu chiến tranh, khi Nga vừa ngồi vào bàn đàm phán ở Istanbul.
Diễn biến hiện nay dường như quay về vị trí cũ của năm 2022. Moscow được cho là đã điều động thêm hàng chục nghìn quân để chuẩn bị cho đợt tấn công mới. Ngoại giao giờ đây gần như vô nghĩa. Washington buộc phải viện trợ cho Ukraine nếu không muốn đánh mất vị thế bá chủ quân sự toàn cầu. Còn Ukraine vẫn ở đó, giữa hai gọng kìm, chứng kiến hai siêu cường xoay vần nhưng vẫn kiên cường bám trụ.

Ông Trump dọa “đánh bom Moscow”, trục xuất sinh viên biểu tình trong đoạn băng rò rỉ

Mỹ chi 40 tỷ USD cứu Patriot khỏi “kiệt sức” – Hệ thống phòng thủ bị bào mòn chưa từng thấy
