Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự triển lãm hàng không MAKS 2019 tại Zhukovsky, ngoại vi Moscow, Nga ngày 27/8/2019 (Ảnh: Reuters) |
Trong một thời gian, thương mại vũ khí và hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể xem như là một “kỳ trăng mật”. Nhưng những động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc mua hệ thống S-400, đã bị Mỹ coi là mối đe dọa, dẫn đến mối quan hệ song phương xấu đi.
Không khó để nhận thấy rằng, Ankara đang dụng chiêu bài “buôn bán vũ khí” với hy vọng tận hưởng lợi ích từ cả hai phía bằng cách tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Nga.
Lô S-400 đầu tiên của Moscow đã được chuyển giao cho Ankara, dự kiến sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2020. Trong triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Moscow lần thứ 14 vào tháng 8/2019, phía Nga bày tỏ sẵn sàng thực hiện thương mại vũ khí và hợp tác kỹ thuật trên các dòng máy bay chiến đấu như Su-35 và Su-57, điều này đã nhận được sự quan tâm lớn từ Tổng thống Erdogan.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi ích chung trong thương mại vũ khí và hợp tác quân sự. Trong những năm gần đây, Moscow đã hy vọng mở rộng “vòng tròn bạn bè” của mình ở Trung Đông. Buôn bán vũ khí sẽ không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho Nga mà còn cho phép Moscow nắm được các vấn đề Trung Đông và mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực với chi phí tiết kiệm.
Trong khi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua hợp tác với Nga, Ankara không chỉ có được các hệ thống phòng thủ tiên tiến để tăng cường sự độc lập và củng cố quốc phòng, mà còn gây áp lực lên Mỹ, đồng thời có được tiếng nói lớn hơn trong quan hệ với Washington.
Không hài lòng với sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt và xóa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35. Để đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mua máy bay chiến đấu từ các quốc gia khác nếu Washington từ chối giao F-35 cho Ankara.
Chương trình máy bay chiến đấu F-35 chắc chắn là một dự án quan trọng trong thương mại vũ khí và hợp tác quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. “Chia tay” nhau trong trường hợp này là khó khăn cho cả hai. Một mặt, Mỹ không thể chấp nhận rủi ro khi trục xuất hoàn toàn Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.
Vừa là khách hàng lớn, vừa là có vai trò quan trọng trong chương trình, Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ không ít thông tin bí mật. Hơn nữa, với việc coi Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc quân sự ở Trung Đông, Mỹ hy vọng sẽ tác động đến các quyết định của Ankara thông qua chương trình F-35, như một điều kiện để đạt được các mục tiêu chiến lược trong khu vực.
Mặt khác, dù đang “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn từ bỏ F-35. Là một trong những quốc gia tham gia sớm nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư số tiền rất lớn vào chương trình, và thật khó để tìm một giải pháp thay thế cho loại máy bay chiến đấu tàng hình hiệu suất cao này trong một thời gian ngắn. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị loại trước khi họ có được máy bay F-35.
Dù có lợi thế địa chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố gắng kiểm soát sáng kiến trong lĩnh vực buôn bán vũ khí, hợp tác quốc phòng và cùng lúc tạo sự cân bằng trong quan hệ giữa họ với Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, Ankara đã là một đồng minh lớn của Washington trong một thời gian dài. Hầu hết các thiết bị quân sự nhập khẩu của họ đến từ Mỹ mặc dù có nền quốc phòng tương đối độc lập. Trong bối cảnh này, không có khả năng quan hệ Mỹ - Thổ rơi vào tình trạng đổ vỡ hoàn toàn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không chi ngân sách lớn để mua tất cả các thiết bị quan trọng từ Nga. Rốt cuộc, các hệ thống vũ khí của Nga vẫn chỉ đóng vai trò bổ sung và việc buôn bán vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga chỉ là một chiến thuật phù hợp.
Theo China Military