Lực lượng không quân Israel đã đón tiếp chiến đấu cơ đến từ Mỹ, Đức, Italy và Hy Lạp tới căn cứ không quân Uvda ở sa mạc Negev, nằm ở miền Nam nước này, suốt gần 2 tuần lễ - từ ngày 3 đến 14/11. Tổng cộng 800 binh sĩ cùng khoảng 100 chiến đấu cơ đã tham gia vào cuộc tập trận "Blue Flag" (Cờ xanh), trong đó có cả F-35.
Mấy chiến đấu cơ F-35I Adir của Israel thậm chí còn tham gia một số nội dung tấn công giả định mà trong đó họ đóng giả phe xấu, gây "thách thức lớn" cho cho phe đối diện. Tuy nhiên, đây không phải là chi tiết đáng chú ý nhất của cuộc tập trận mà không quân Israel (IAF) mô tả là "hiện đại nhất" này.
Các phi công của Israel và NATO còn thể hiện kỹ năng của họ trong việc thâm nhập không phận của kẻ địch và chống lại các hệ thống phòng không S-300, S-400 của Nga - theo thông cáo báo chí mà IAF công bố.
Moscow trước đó từng triển khai các hệ thống phòng không S-300 và S-400 tới Syria để bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia, cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - và thậm chí còn đề xuất bán chúng cho Arab Saudi. Washington trong phản ứng của mình đã gây sức ép lớn về mặt chính trị và kinh tế với các "đối tác" của họ để buộc các nước này ngừng thương vụ với Moscow, thay vào đó mua hệ thoogns phòng không từ Mỹ.
Tuy nhiên, Israel không dễ dàng tiếp cận với hệ thống S-400, bởi vậy mà trong cuộc tập trận vừa qua nước này phải lấy hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ ra để... giả định làm S-400. Đương nhiên các hệ thống Patriot này đã qua chỉnh sửa để mô phỏng S-400 của Nga.
Liệu không quân Israel và NATO có thực sự vượt qua được nhiệm vụ giả định đó hay không lại là một câu hỏi khác, bởi Patriot có nhiều đặc tính không thể sánh bằng S-400. Hệ thống S-400 của Nga có thể tấn công một mục tiêu đang di chuyển với vận tốc gấp đôi mục tiêu mà Patriot có thể bắn, và nó còn có tầm bắn xa hơn, độ cao lớn hơn... tùy thuộc vào loại tên lửa đánh chặn nó sử dụng.
Hệ thống Patriot trên thời gian gần đây còn khiến nhiều người hoài nghi về khả năng thực chiến, khi các hệ thống này bất lực hoàn toàn trong việc bảo vệ cơ sở dầu khí của Arab Saudi khỏi đòn tấn công bằng drone.
Sự việc đáng xấu hổ trên đã buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải thay đổi cách tiếp thị hệ thống Patriot của nước này, nói rằng ngay cả những hệ thống phòng không "tốt nhất" thế giới đôi lúc cũng có hạn chế.
Theo RT