Theo hãng tin AP, ông Trump nói, ông và Tổng thống Erdogan là “những người bạn rất tốt của nhau”, nhưng cuộc gặp gỡ của họ tại Nhà Trắng không giải quyết được những căng thẳng trong quan hệ giữa các nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây dương NATO. Ông Trump nói: “Chúng tôi là những người bạn cũ, dường như ngay ban đầu đã là bạn nhau. Chúng tôi hiểu rõ đất nước của nhau; chúng tôi biết rõ mình ở đâu”.
Đầy rẫy bất đồng trên nhiều vấn đề
Kết thúc cuộc gặp gỡ, hai bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trước đó. Tin cho biết, hệ thống S-400 của Nga gây nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với NATO dẫn đến việc Mỹ đình chỉ dự án cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc họp báo chung, ông Trump thẳng thừng tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga là “sự kiện nghiêm trọng” và nói ông hy vọng các đồng minh NATO có thể giúp giải quyết sự việc gây tranh cãi này. Trump nói, hai người đã trao đổi rất lâu về vấn đề này và nói sau này cần phải tiếp tục thương thuyết.
Hội đàm chính thức giữa hai bên
|
Ông Erdogan nói với các phóng viên rằng ông có thể bị thuyết phục sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và S-400 của Nga. Ông Trump cho biết hai bên sẽ đồng ý tiếp tục trao đổi về vấn đề này. “Việc mua hệ thống S-400 đã mang đến cho chúng tôi một số thách thức rất nghiêm trọng”, ông Trump nói: “Tôi hy vọng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này”
Associated Press viết, cuộc tranh luận về cạnh tranh các hệ thống phòng không là một thành phần chính của quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân “xâm chiếm” Syria hồi tháng 10 để chống lại các lực lượng vũ trang người Kurd từng sát cánh với Hoa Kỳ chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, đã bị quốc hội Mỹ lên án. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chỉ trích vì đàn áp các đối thủ chính trị, nhà báo và những người khác.
Tổng thống Donald Trump và phu nhân tiếp vợ chồng Tổng thống Erdogan tại Nhà Trắng.
|
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ý tức giận về việc Hoa Kỳ ủng hộ lực lượng vũ trang người Kurd mà họ coi là mối đe dọa và từ chối dẫn độ một giáo sĩ Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ này đã kích động cuộc đảo chính chống lại Erdogan năm 2016.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về một số thành phần người Kurd nhất định của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hợp tác với Mỹ, nhưng ông nói rằng những vấn đề này cần được giải quyết bằng cách tạo ra các khu vực an toàn chứ không thể được giải quyết bằng một cuộc xâm lược có tính phá hoại cần phải kết thúc”. Ông cũng nói rằng hầu như tất cả các thành viên của Quốc hội Mỹ đều cho rằng S-400 Nga không tương thích với F-35 của Mỹ.
Ông Erdogan đã sử dụng cuộc gặp gỡ này để biện hộ cho cuộc tấn công quân sự của mình chống lại lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Đông Bắc Syria, một số người trong số họ có liên quan đến phe ly khai đã tiến hành hoạt động bạo lực ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Ông nói: “Chúng tôi chỉ chiến đấu đánh những kẻ khủng bố, có vậy thôi”. “Nếu tôi không đánh trả chúng, chúng tôi sẽ phải trả giá rất đắt”.
Các thành viên của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội đều cho rằng ông Trump không nên gặp ông Erdogan. Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ bang New York Chuck Schumer nói rằng ông Trump trải thảm đỏ đối với Erdogan sau cuộc xâm lược ở Syria là “không thể tin nổi” và “khiến mọi người bị sốc”. Schumer nói: “Erdogan đã đàn áp tự do ngôn luận, bắt giữ những người phản đối và làm nhiều điều đáng sợ khác với đất nước của mình. Ông ta từng là một tấm gương sáng của nền dân chủ”.
Tại Thượng viện, hai thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ đã đề xuất một dự luật lên án Thổ Nhĩ Kỳ lấy mục tiêu tấn công là các nhà báo, đối thủ chính trị, nhà bất đồng chính kiến, dân tộc thiểu số và những người khác. Họ nói, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ tù hơn 80.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa hơn 1.500 tổ chức phi chính phủ liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và sa thải hoặc đình chức hơn 130.000 công chức.
Ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Texas, cho biết các nghị sĩ quốc hội rất lo lắng về tên lửa S-400 và cuộc tấn công chống lại người Kurd. Ông nói, người Kurd “đã mạo hiểm lớn để đứng bên cạnh Hoa Kỳ và chiến đấu với IS. Ted Cruz nói: “Nếu chúng ta có thể giải quyết được hai vấn đề này, tôi nghĩ sẽ có cơ hội cho thương mại và hợp tác chiến lược lớn, nhưng hai vấn đề này là có thật và rất quan trọng”.
Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, Nhà Trắng nói rằng muốn đạt được tiến bộ trong các vấn đề khác vốn làm suy yếu quan hệ song phương, điều rất quan trọng phải giải quyết là vấn đề S-400. Tổng thống Erdogan nói, ông tin rằng hai bên có thể giải quyết được vấn đề lớn này: “Chỉ có thông qua đối thoại, chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức mà chúng ta gặp phải, đặc biệt là hệ thống tên lửa S-400 và máy bay F-35”. Ông cũng nói thêm: “Nếu điều kiện (giá cả) phù hợp, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua tên lửa Patriot của Mỹ”.
Ông Trump nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Lực lượng bảo vệ người Kurd Syria (YPG) do Mỹ hậu thuẫn ở phía đông bắc Syria: “Tôi biết rằng thỏa thuận ngừng bắn rất phức tạp, nhưng nó đang tiến triển rất nhanh”. Theo báo The Guardian của Anh, trước mặt ông Erdogan, ông Trump một lần nữa nhắc lại lý do tại sao quân đội Mỹ ở lại Syria – đó là dầu mỏ. Ông nói: “Chúng tôi muốn giữ dầu, chúng tôi có dầu. Dầu là thứ an toàn, chúng tôi để quân đội ở lại chỉ vì dầu (only for the oil!)”.
Đổ lỗi cho nhau
Tại cuộc họp báo chung hôm 13/3, ông Erdogan đã nhắc lại việc Hạ nghị viện Mỹ thông qua nghị quyết về Đế quốc Ottoman (Ottoman Empire) thảm sát người Armenia hồi đầu thế kỷ XX. Ông Erdogan khi đó đã phát biểu nói đó là “điều sỉ nhục lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ”. Trước các nhà báo, ông đã nhắc lại lời phản đối hành động này của phía Mỹ.
Erdogan đã đề cập đến vụ đánh bom xe xảy ra vào ngày 11 tại thị trấn biên giới Qamishli ở đông bắc Syria. Ông cho rằng tại các thị trấn biên giới Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như Manbiji và Tell Abyad “vẫn còn các phần tử khủng bố”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rẳng tổ chức người Kurd vũ trang YPG ở Syria có quan hệ với tổ chức khủng bố PKK chống lại chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan nói rằng sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, ông sẽ thảo luận về tình hình Syria với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sau đó, ông Fahrettin Altun, Chủ nhiệm Văn phòng báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã viết trên mạng xã hội Twitter, yêu cầu phía Mỹ ngừng ủng hộ lực lượng người Kurd vũ trang Syria.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ không muốn được nêu tên nói rằng sự hợp tác quân sự của Mỹ với người Kurd sẽ tiếp tục. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng vũ trang người Kurd Syria sẽ gây nguy hại cho mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Erdogan nói: “Mặc dù quan hệ song phương bị phủ bóng mây, nhưng quan điểm của chúng tôi về giải quyết vấn đề này và cải thiện quan hệ nhất trí với Tổng thống Trump”.
Về phía Mỹ, bất chấp sự bất đồng, ông Trump cho biết, ông tin rằng hai bên có thể tăng đáng kể kim ngạch thương mại với tổng giao dịch khoảng 24 tỷ USD trong năm 2017. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng hai nước có thể nhanh chóng tăng khối lượng thương mại giữa chúng tôi lên khoảng 100 tỷ USD”.
Theo Đa Chiều