Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận một phần hệ thống S-400 từ tháng 7/2019
|
S-400 Triumf được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất thế giới hiện nay, có thể tiêu diệt các vật thể bay trong phạm vi 400 km, bao gồm máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo hoạt động ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 7 km/s.
Một tuyên bố chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ, F-16 và các máy bay khác thuộc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các chuyến bay thử ở độ cao thấp vào thứ Hai và thứ Ba. Các thử nghiệm bước đầu này có thể chỉ đơn giản là để đảm bảo rằng hệ thống radar của S-400 hoạt động bình thường hoặc xem liệu chúng có thể phân biệt được máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là “cùng phe” hay không. Các quan chức quân đội Mỹ và các nước thành viên NATO khác trước đây đã cảnh báo rằng S-400 không đáp ứng được các yêu cầu về khả năng tương tác của liên minh và do đó sẽ không thể tích hợp, kết nối với mạng lưới phòng không của các đồng minh khác trong một cuộc khủng hoảng thực sự. Điều này, gây ra một mối nguy hiểm là hệ thống tên lửa đất đối không của Nga có thể không thể phân biệt chính xác máy bay chiến đấu của NATO và máy bay đối phương.
Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống S-400 của Nga.
|
Phía Mỹ lo ngại rằng hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể thu thập được các thông tin chi tiết về công nghệ tàng hình của F-35 hoặc các thông tin khác về tính năng của máy bay và các kỹ thuật viên Nga tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển những thông tin này cho Nga. Quan điểm của chính phủ Mỹ trước đến nay luôn là: Thổ Nhĩ Kỳ có thể sở hữu S-400 hoặc F-35 của Mỹ, chứ không thể đồng thời có cả hai.
Trong mọi trường hợp, các cuộc thử nghiệm radar S-400, cũng như các cuộc thử nghiệm được thực hiện với máy bay do Mỹ sản xuất, đều bị coi là gửi một thông điệp phản kháng tới Mỹ và cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Reccep Tayyip Erdogan không có ý định từ bỏ mục tiêu này. Thổ Nhĩ Kỳ còn dám đáp trả các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Trump và chính quyền của ông, cũng như Quốc hội Mỹ áp dụng theo Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ (CAASTA).
Trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ được miễn các lệnh trừng phạt, nếu không luật này yêu cầu chính phủ Mỹ phải có hành động mạnh mẽ chống lại việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống vũ khí do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Nhà Trắng và các thành viên của Quốc hội đã nhiều lần trì hoãn vấn đề trừng phạt, cho rằng họ sẽ chỉ hành động sau khi Thổ Nhĩ Kỳ “kích hoạt” các radar của S-400. Rõ ràng, điều này nhằm cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ không gian để họ từ bỏ việc mua S-400 và mở ra một con đường khả dĩ để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia lại kế hoạch F-35.
Ông Trump đã cảnh báo ông Erdogan đừng mua sắm các thiết bị quân sự của Nga như S-400.
|
Khi ông Erdogan đến thăm Mỹ hồi đầu tháng 11, Tổng thống Trump từng nói thẳng: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga như S-400 đã mang đến cho chúng ta một số thách thức rất nghiêm trọng, chúng ta đã nói nhiều về vấn đề đó. Hy vọng chúng ta có thể cùng nhau giải quyết được tình huống này”.
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã “kích hoạt” radar của S-400, các nhà lập pháp Mỹ có thể sẽ mạnh mẽ yêu cầu ông Trump hành động theo CAASTA hoặc tự mình thực hiện các biện pháp khác. Sau sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria hồi tháng 10 năm 2019, chủ yếu chống lại các nhóm người Kurd, bao gồm các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, các nhà lập pháp Mỹ đã phản đối mạnh mẽ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận thiết lập vùng đệm dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền của ông Trump rõ ràng lo ngại rằng những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo CAASTA, v.v., có thể phá hoại các nỗ lực đàm phán về S-400 và các hiệp định thương mại song phương mới. Đồng thời, hiện không rõ liệu những động thái này có thực sự ảnh hưởng đến sự thay đổi lập trường của ông Erdogan trong bất kỳ vấn đề nào hay không.
Máy bay F-16 của Mỹ hiện có trong biên chế của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đàm phán với Nga để mua một số lượng nhất định các máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E, điều này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Tổng thống Erdogan đã nói, nước ông có kế hoạch đạt được thỏa thuận với Nga về việc mua sắm hệ thống phòng không S-500 mới và Nga còn nhiều lần đề nghị bán máy bay chiến đấu tiên tiến Su-57 cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ đều là máy bay chiến đấu thế hệ thứ Năm.
Hầu hết các dấu hiệu cho thấy, ông Erdogan tiếp tục ngày càng tiến gần hơn đến phạm vi ảnh hưởng của Nga. Mặc dù gần đây có tin về sự không hài lòng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc thực thi Hiệp định tuần tra biên giới Syria, nhưng việc họ thử nghiệm S-400 đã càng làm nổi bật thêm thực tế này.
Cuộc thử nghiệm radar của S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ làm tăng khả năng chính phủ Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có thể sẽ dẫn đến sự căng thẳng hơn nữa trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Sohu, Đông Phương