Vì sao chúng ta lại phải quan tâm, nếu như có hai nước Ucraine?

Viettimes -- Nếu phương Tây chấp nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận nền độc lập của miền Đông Ucraine, thì thật trớ trêu, tất cả các bên liên quan khi đó lại đều đạt được mục đích của mình.
Sân bay Donetsk ngày trước và bây giờ
Sân bay Donetsk ngày trước và bây giờ

Tương lai quan hệ Mỹ - Nga và sự cân bằng lực lượng ở Châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc và việc giải quyết cuộc xung đột Ucraine.

Mặc dù Tổng thống Trump bày tỏ nguyện vọng có mối quan hệ tốt với Nga nhưng Đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã tuyên bố: “ Hoa Kỳ tiếp tục lên án và kêu gọi chấm dứt ngay việc chiếm đóng Crimea”. Bà còn nhấn mạnh: “Crimea là một phần của Ucraine. Các biện pháp trừng phạt liên quan tới Crimea của chúng ta sẽ vẫn còn hiệu lực cho đến khi Nga trao trả quyền kiểm soát bán đảo về cho Ukraine”.

Chính quyền Trump từ chối thừa nhận một thực tế rằng, Crimea đã vặn đồng hồ của mình theo múi giờ Moscow, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Crimea đã sáp nhập vào Nga và mặc cho Phương Tây trừng phạt và lên án, sẽ chẳng bao giờ có chuyện những chiếc đồng hồ ấy quay ngược trở lại. Tương tự, Crimea cũng sẽ không bao giờ quay trở lại Ucraine và đó là điều không thể đưa ra mặc cả được nữa.

Tuy nhiên, miền Đông Ucraine thì khác. Hiện, đó vẫn là vấn đề còn để ngỏ cho các cuộc thương thuyết và các nghị quyết thân thiện.

Cuộc chiến ở miền Đông Ucraine là một trong nhiều cuộc xung đột sắc tộc, ngày càng trở nên phổ biến trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ này, có nhiều quốc gia được lập ra một cách tùy tiện với nguyên tắc chung là chính quyền nhà nước buộc công dân phải chấp nhận nhiều điều không tương đồng với họ. Tiếp theo là thời kỳ các chế độ độc tài bị suy yếu, bị thay thế bởi sự phát triển của các nguyên tắc dân chủ. Nhưng vì thiếu vắng sức mạnh trấn áp đã làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thách thức tính cố kết của trật tự đã được thiết lập, trong một số trường hợp, đến mức không có trật tự nào cả.

Trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ, tại Ukraine chưa bao giờ có một chính phủ độc lập. Sau này, những oán giận và những bất bình bị đàn áp bởi chính quyền nhà nước Xô viết đã làm bùng phát thành một cuộc nội chiến.

Miền Đông Ucraine tan hoang

Thông thường trong các cuộc xung đột, mỗi bên thường theo đuổi mục đích riêng không bao giờ trùng với những tham vọng chiến lược của đối phương. Tuy nhiên, câu chuyện dài kỳ của Ucraine lại có những bước ngoặt thú vị. Cả Tổng thống Mỹ Obama, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, cả Tổng thống Pháp Francois Holland đều hoàn toàn không hề hay biết trò chơi Đông Âu ấy diễn ra theo quy tắc nào. Tất cả bọn họ đều bị che mắt bởi “anh bạn đáng bị nguyền rủa” Petro Poroshenco, cũng như đối thủ nổi danh của họ, Vladimir Putin.

Mặc dù giữa hai người có sự bất đồng, nhưng Poroshenko và Putin đều giống nhau ở một điểm quan trọng: không ai trong hai người đó muốn nhận miền Đông Ucraine về phía mình. Putin có thể trong vòng 48 tiếng đồng hồ chiếm toàn bộ miền Đông Ucraine; Poroshenko thì hoàn toàn có thể chấp nhận sự tự trị hạn chế của miền Đông, điều ngay từ đầu ông đã yêu cầu, như vậy hoàn toàn có thể tránh được cuộc xung đột đẫm máu.

Nhưng động lực và mối quan tâm của những người cầm quyền ở Kiev không phải là vấn đề “một đất nước, một số phận”, không phải là sự ổn định và toàn vẹn của Ucraine, mà phần nhiều họ quan tâm tới hàng tỷ đô la viện trợ. Mong muốn của Poroshenco và các cộng sự, theo một nghĩa nào đó, là trở thành những người Palestine của châu Âu, trở thành nạn nhân của xâm lược Nga, tương tự như cách người Palestine được coi là nạn nhân của Israel. Bị đánh bại bởi một lực lượng kẻ địch lớn hơn gấp nhiều lần, họ muốn EC đón họ vào nhà và biến Ucraine thành một hố đen, hút vào đó hàng tỷ đô la, hay euro, không bao giờ dứt.

Thực tế là, mặc dù được quốc tế ủng hộ, Kiev vẫn thiếu phương tiện để bảo vệ Ukraine như là một nhà nước thống nhất. Vì vậy, tương lai của Poroshenko được dự báo sẽ là một thất bại. Cũng giống như trường hợp của người Palestine, mỗi thất bại lại đóng vai trò như là chất xúc tác để thu hút sự cảm thông của thế giới và các nhà tài trợ quốc tế, việc để cho sự thù hận tiếp diễn, đối với Poroshenko lại là một sự cần thiết không thể tránh khỏi.

Diễn giải câu nói của Churchill (Thủ tướng Anh thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ Hai), Poroshenko hầu như luôn hỏi: “Mục tiêu của chúng ta là gì? Đó chính là thất bại, thất bại bằng mọi giá”. Càng thêm nhiều thành phố ở miền Đông Ucraine biến thành Aleppo (thành phố Syria bị tàn phá hoàn toàn trong nội chiến), càng có nhiều dân thường bị giết, càng ít có cơ hội để miền Đông chấp nhận hòa giải với Kiev; càng mất nhiều lãnh thổ, càng có nhiều người lính Ucraine thiệt mạng, người dân Ucraine càng được coi như những nạn nhân, thì càng tốt đối với Poroshenco. Thêm chút khéo léo, dưới danh nghĩa chương trình nghị sự của riêng mình, ông ta cũng xúi giục và đưa đẩy sự thù hận giữa Mỹ và Nga thêm căng thẳng.

Putin cũng không muốn miền Đông Ucraine trở thành một phần của nước Nga, vì có muốn cũng không thể gánh vác nổi. Hiện, đã có hai triệu người ở miền Đông Ucraine “bỏ phiếu bằng chân” chống lại Kiev và tìm nơi định cư ở Nga. Số phận của những người dân hai quốc tịch ở miền Đông Ucraine xem ra rất bấp bênh. Không giống như những người Nga chiếm số đông ở Crimea từng bỏ phiếu với đa số tuyệt đối đồng thuận sáp nhập vào Nga, những người dân hai quốc tịch ở miền Đông sẽ do dự khi phải lựa chọn giữa sự hỗn loạn ở Ucraine và sự bất định khi gia nhập vào nước Nga và khả năng con cái họ sẽ bị gọi vào phục vụ trong quân đội Nga. Bởi thế việc miền Đông Ucraine hòa nhập vào nước Nga có thể rất phức tạp và sẽ phải trả bằng giá rất đắt.

Trong bối cảnh đó, nếu phương Tây chấp nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận nền độc lập của miền Đông Ucraine, thì thật trớ trêu, tất cả các bên liên quan khi ấy lại đều đạt được mục đích của mình.

Dân chúng ở Crimea và miền Đông Ucraine sẽ có được quy chế quốc tịch của mình, không còn chuyện trong nhà trường chỉ dạy bằng tiếng Ucraine, cũng  không có chuyện phim Nga lại phải dịch sang tiếng Ucraine, rồi đồng grivna mất giá cũng sẽ không còn được dùng như là đồng tiền dùng để trao đổi hợp pháp.

Putin sẽ có một Hoa Kỳ như là một đồng minh mạnh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Miền Tây Ucraine trở thành “đứa trẻ mồ côi” của Châu Âu, còn Poroshenco và các thân hữu của ông ta, những người đã châm ngòi cuộc xung đột bằng việc tuyên bố mục đích của họ là gia nhập Châu Âu và NATO, sẽ nhận được điều họ muốn.

Và cuối cùng,  Châu Âu cũng chỉ phải chấp nhận một quốc gia quy mô nhỏ hơn nhiều.

Woodrow Wilson (tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ) chắc hẳn sẽ không gặp khó khăn khi ủng hộ cách tiếp cận này. Các nguyên tắc của Wilson về quyền tự quyết của quốc gia nên được áp dụng cho Ukraine cũng như đã áp dụng cho Nam Tư, Tiệp Khắc, Scotland, quần đảo Falkland và Síp, những nơi trong tình huống tương tự, việc khôi phục nguyên hiện trạng là không thể. Tuy nhiên, sự chung sống hoà bình của người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được bằng cách chia đảo (Sip) ra làm hai phần. Do đó, trong tình thế hiện tại, câu hỏi trọng tâm sẽ là, vì sao chúng ta lại phải quan tâm, nếu như có hai nước Ukraine - thậm chí ba hoặc bốn?

Phía Tây cần phải cởi mở để hòa giải thực sự với Nga vì nó chuẩn bị để đóng một vai trò quan trọng trong cân bằng quyền lực toàn cầu. Vai trò đó mang tính xây dựng hay phá hoại tùy thuộc vào việc, kẻ thù đã bị đánh bại cuối cùng có được chấp nhận vào gia đình các quốc gia, hay tiếp tục bị đối xử như là người thừa kế của Liên Xô.

Tác giả Alexander G. Markovsky (www.alexmarkovsky.com), sinh ra và học tập tại Liên Xô, hiện sống tại Houston, Texas. Có bằng cấp về khoa học Kinh tế và Chính trị của Đại học Mác - Lê nin. Viết bài cho các ấn phẩm FamilySecurityMatters.org and New York Daily News.

Bài viết trên đăng ở trang American Thinker có tựa đề The Rise of the Victim-State

(Sự lớn lên của Quốc gia - Nạn nhân) ra ngày 26/3/2017.