Kho Patriot cạn kiệt, Đức vẫn “rút ruột” viện trợ thêm 5 hệ thống cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ Đức xác nhận gửi thêm 5 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine "càng sớm càng tốt", dù kho dự trữ đang cạn kiệt. Kế hoạch bàn giao cho Thụy Sĩ bị hoãn lại để bổ sung lực lượng cho Berlin.

Bệ phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: MW.
Bệ phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: MW.

Chính phủ Đức đã xác nhận kế hoạch chuyển giao các hệ thống phòng không tầm xa MIM-104 Patriot cho Ukraine “càng nhanh càng tốt”, sau khi đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin sẽ điều động 5 tổ hợp Patriot từ kho vũ khí vốn đã cạn kiệt của quân đội Đức.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ trong vài ngày tới để xác định cách tốt nhất để thực hiện điều này”, ông tuyên bố sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

Bộ trưởng Pistorius cũng cho biết Đức sẽ cung cấp thêm tên lửa phòng không và tài trợ cho việc sản xuất máy bay không người lái tầm xa tại Ukraine. Đồng thời, ông xác nhận một thông tin đã được đồn đoán từ lâu: các hệ thống Patriot từng dự kiến cung cấp cho Thụy Sĩ sẽ bị hoãn lại, và lô hàng này sẽ được chuyển sang phục vụ quân đội Đức, dự kiến bàn giao vào giai đoạn 2027–2028 để thay thế các tổ hợp đã gửi cho Ukraine. Chính phủ Thụy Sĩ được cho là đã đồng thuận với điều chỉnh này.

Kho Patriot cạn kiệt, Đức vẫn rút ruột viện trợ thêm 5 hệ thống cho Ukraine 2.jpg
Bệ phóng tên lửa Patriot trong biên chế của Đức. Ảnh: MW.

Phát biểu mới nhất của ông Pistorius trái ngược với những gì ông từng khẳng định trước đây, rằng quân đội Đức không còn đủ hệ thống Patriot để tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Khi đó, ông cho biết chỉ còn 6 tổ hợp trong biên chế: 3 đã chuyển cho Ukraine, 2 đang được triển khai tại Ba Lan, và 1 được dùng cho huấn luyện và nhiệm vụ NATO.

Hồi tháng 4/2024, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng nhấn mạnh tình trạng cạn kiệt Patriot: “Thật không may, kho dự trữ của chúng tôi – đặc biệt là các hệ thống Patriot – gần như đã hết. Vì vậy, tôi đã nêu rõ tại cuộc họp ngoại trưởng NATO rằng cần rà soát toàn bộ hệ thống Patriot ở châu Âu và toàn cầu, đồng thời sẽ làm mọi cách để có thêm cho Ukraine”.

Đến tuần thứ hai của tháng 7/2025, Thiếu tướng Christian Freuding (quân đội Đức) tiết lộ rằng Berlin đang tiến đến việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng lớn nhằm mua 2 tổ hợp Patriot cho Ukraine. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa ai nghĩ Đức sẽ sẵn sàng cắt sâu thêm vào kho dự trữ hạn chế để thực hiện cam kết này.

Kho Patriot cạn kiệt, Đức vẫn rút ruột viện trợ thêm 5 hệ thống cho Ukraine 3.jpg
Phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống Patriot. Ảnh: MW.

Với giá ước tính 2,5 tỷ USD mỗi tổ hợp, việc viện trợ Patriot cho Ukraine trở thành gánh nặng tài chính nặng nề đối với các quốc gia ủng hộ Kiev, đặc biệt khi số tổ hợp này đang bị tổn thất nghiêm trọng trên chiến trường – vượt xa tốc độ sản xuất hoặc thay thế của NATO.

Những thiệt hại này đã nhiều lần được xác nhận bằng hình ảnh từ máy bay không người lái kể từ tháng 3/2024. Gần đây nhất, trong cuộc tập kích vào đêm 21/7, Nga đã phá hủy một trong số ít tổ hợp Patriot còn lại của Ukraine, gồm 3 bệ phóng và 1 radar AN/MPQ-65.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là hiệu quả thực tế của hệ thống này đang bị đặt dấu hỏi. Các nguồn tin từ Ukraine và phương Tây gần đây cho rằng Patriot ngày càng khó đánh chặn các tên lửa đạn đạo Nga, khi các tên lửa này được cải tiến với khả năng cơ động cao, giúp né tránh cả hệ thống phát hiện lẫn đánh chặn.

Đây không phải là thông tin mới: người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, từng thừa nhận hôm 26/5 rằng Patriot gặp khó khăn khi đối phó với tên lửa Iskander-M của Nga.

“Tên lửa Iskander có khả năng cơ động né tránh ở giai đoạn cuối, khiến hệ thống Patriot không thể tính toán đúng đường bay để đánh chặn…Ngoài ra, Iskander còn có thể thả mồi bẫy để đánh lừa tên lửa Patriot”, ông nói.