Campuchia tuyên bố bắn hạ F-16 của Thái Lan, ông Hun Sen kêu gọi người dân bình tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thái Lan triển khai F-16 tấn công Campuchia giữa căng thẳng biên giới leo thang. Ít nhất 2 dân thường thiệt mạng, 40.000 người sơ tán. Campuchia tuyên bố phản công.

Binh sĩ chào mừng khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến thăm Đại đội Biệt kích 1202 tại thị trấn biên giới Thái Lan-Campuchia thuộc huyện Aranyaprathet ngày 26/6. Ảnh: Reuters.
Binh sĩ chào mừng khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến thăm Đại đội Biệt kích 1202 tại thị trấn biên giới Thái Lan-Campuchia thuộc huyện Aranyaprathet ngày 26/6. Ảnh: Reuters.

Quân đội Thái Lan hôm 24/7 cho biết đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 tấn công lực lượng vũ trang Campuchia, khi căng thẳng kéo dài nhiều tuần quanh tranh chấp biên giới leo thang thành các cuộc đụng độ gây thiệt mạng ít nhất 2 dân thường.

Theo Reuters, trong số 6 máy bay F-16 được Thái Lan điều động đến khu vực biên giới tranh chấp, một chiếc đã khai hỏa vào lãnh thổ Campuchia và phá hủy một mục tiêu quân sự, theo tuyên bố từ quân đội Thái Lan. Cả hai nước cáo buộc nhau là bên khai màn cuộc đụng độ vào rạng sáng thứ Năm.

“Chúng tôi đã sử dụng không quân để tấn công các mục tiêu quân sự theo kế hoạch”, phát ngôn viên quân đội Thái Lan, Richa Suksuwanon, nói với báo giới.

Tờ Khmer Times sau đó đưa tin 1 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan đã bị lực lượng Campuchia bắn hạ trong bối cảnh căng thẳng biên giới leo thang.

Các cuộc chạm trán diễn ra sau khi Thái Lan triệu hồi đại sứ tại Campuchia vào tối thứ 23/7 và tuyên bố sẽ trục xuất đại sứ Campuchia tại Bangkok, sau khi một binh sĩ Thái Lan thứ hai trong vòng một tuần bị thương vì mìn. Bangkok cáo buộc các thiết bị nổ này vừa mới được đặt tại khu vực tranh chấp.

Trong hơn một thế kỷ qua, Thái Lan và Campuchia đã tranh chấp chủ quyền tại nhiều điểm chưa phân định rõ ràng dọc biên giới trên bộ dài 817 km, dẫn đến nhiều đợt xung đột suốt nhiều năm và ít nhất một chục người thiệt mạng – bao gồm cả cuộc đấu pháo kéo dài một tuần vào năm 2011.

Căng thẳng được châm ngòi trở lại vào tháng 5 sau vụ một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một cuộc đấu súng ngắn, sau đó leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện và giờ đây đã biến thành các cuộc đụng độ vũ trang.

Các cuộc tấn công nổ ra từ sáng sớm thứ Năm gần đền Ta Moan Thom – một điểm tranh chấp nằm dọc biên giới phía đông giữa Campuchia và Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 360 km.

“Pháo đã rơi vào nhà dân”, ông Sutthirot Charoenthanasak, trưởng quận Kabcheing thuộc tỉnh Surin của Thái Lan nói với Reuters, mô tả hỏa lực từ phía Campuchia.

“Hai người đã thiệt mạng”, ông cho biết thêm, đồng thời xác nhận chính quyền địa phương đã sơ tán khoảng 40.000 dân từ 86 ngôi làng gần biên giới đến các khu vực an toàn hơn.

Cựu Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, đăng trên Facebook rằng hai tỉnh của Campuchia đã bị quân đội Thái Lan pháo kích.

Trong một bài đăng sáng nay, ông xác nhận quân đội Thái Lan đã tấn công nhằm vào Campuchia và bắt đầu chặn đường vào đền thờ vào đêm qua trước khi phát động một cuộc tấn công vũ trang vào binh lính Campuchia hôm nay.

“Quân đội Campuchia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả và phản công”, ông Hun Sen tuyên bố, khẳng định quyền bảo vệ chủ quyền của Vương quốc.

Trong khi xác nhận rằng các hoạt động quân sự đang diễn ra tại một số khu vực của tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear, ông Hun Sen nhấn mạnh rằng phần còn lại của đất nước vẫn yên bình và không bị ảnh hưởng. Ông kêu gọi tất cả người dân Campuchia không hoảng loạn hoặc phản ứng thái quá.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Campuchia không hoảng loạn, không tích trữ gạo hoặc hàng hóa, hoặc tăng giá các mặt hàng thiết yếu”, ông Hun Sen viết. “Xin hãy tiếp tục các hoạt động hàng ngày như bình thường ở tất cả các lĩnh vực và khu vực, ngoại trừ các khu vực biên giới nơi giao tranh đang diễn ra”.

Tuần này, Thái Lan cáo buộc Campuchia đặt mìn tại khu vực tranh chấp, khiến 3 binh sĩ nước này bị thương. Phnom Penh bác bỏ cáo buộc, nói rằng các binh sĩ Thái đã đi lạc khỏi tuyến đường đã thỏa thuận và dẫm trúng mìn còn sót lại từ nhiều thập kỷ chiến tranh.

Campuchia hiện vẫn còn hàng triệu quả mìn sót lại từ thời nội chiến, theo các tổ chức rà phá bom mìn.

Tuy nhiên, Thái Lan khẳng định các trái mìn đã được đặt gần đây tại khu vực biên giới, điều mà Campuchia gọi là "những cáo buộc vô căn cứ".