Ván cược khi tăng lãi suất thêm 0,25% của Fed

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới chức Fed được ví như đang 'đi trên dây', tìm cách cân bằng giữa chống lạm phát và bình ổn hệ thống tài chính.

Khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng đưa ra một loạt các giải pháp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lây lan, trong đó có việc 'bơm tiền' một cách hào phóng vào hệ thống ngân hàng. Đây chẳng khác nào một hành động nới lỏng tiền tệ tức thời.

Nhưng Fed cũng cho thấy quyết tâm chống lạm phát. Hôm 22/3, họ tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 0,25%.

Trên thực tế, 2 công việc này không thể được chia tách một cách dễ dàng. Lãi suất cao hơn làm chậm đà tăng trưởng và lạm phát thông qua một loạt kênh, một trong số đó là nâng chi phí vay mượn của các tổ chức tài chính, khiến họ vay ít hơn.

Tiến trình này đã diễn ra một cách suôn sẻ, nhưng đôi lúc cũng kịch liệt: Nhiều ngân hàng, hoặc những ngân hàng ít được quản lý, sụp đổ hoặc trên bờ vực sụp đổ, tài sản bốc hơi và sự hoảng loạn của người dân, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với Fed tưởng tượng.

Trong động thái mới nhất ngày 22/3, Fed phải thừa nhận rằng có thứ gì đó đã đổ vỡ. Dữ liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng kinh tế đang tăng tốc, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang phải cân bằng giữa hai nhiệm vụ chống lạm phát và bình ổn hệ thống tài chính (Ảnh: Bloomberg)

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang phải cân bằng giữa hai nhiệm vụ chống lạm phát và bình ổn hệ thống tài chính (Ảnh: Bloomberg)

Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi đầu tháng, nói rằng xu hướng này sẽ buộc họ phải nâng lãi suất lên trên 5,25%, có thể là vượt rất nhiều. Dự báo được công bố hôm 22/3 cho thấy ông Powell và đồng nghiệp của ông đã từ bỏ những kế hoạch đó, và mục tiêu lãi suất trong năm nay vẫn trong khoảng 5%-5,25%.

“Chúng tôi đang quan sát diễn biến trong hệ thống ngân hàng và tự hỏi rằng liệu có nên thắt chặt đôi chút điều kiện tín dụng hay không,” ông Powell nói với các phóng viên. “Theo cách nào đó, thì điều này hỗ trợ cho các đợt nâng lãi suất.”

Do tình hình tín dụng hiện nay, giới chức Fed đã hạ đà tăng trưởng dự báo xuống còn 0,4% trong năm nay, từ 0,5% mà họ đưa ra trong tháng 12/2022; và 1,2% trong năm 2024, giảm từ mức 1,6%.

Nếu như những dự báo của Fed là đúng – khi mà sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng phần lớn được kiểm soát và lạm phát sẽ giảm dần từ 5 hoặc 6% xuống 2% - thì họ đã có một màn đi thăng bằng trên dây thành công, né được một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống thực sự.

Nhưng mọi chuyện cũng có thể đi theo nhiều chiều hướng khác, trong đó có 2 hướng đặc biệt gây quan ngại.

Một là, Fed có thể đã hành động thái quá. Cơ quan này cùng các cơ quan điều hành khác có thể đã mở rộng tấm lưới an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng, trong khi vấn đề của SVB chỉ là đơn lẻ và không gây tác động lớn tới hệ thống.

Và bằng cách giảm nhịp độ nâng lãi suất trong năm nay, Fed có thể sẽ nới lỏng điều kiện tài chính tổng thể, làm ảnh hưởng tới cuộc chiến chống lạm phát.

Đã từng có nhiều tiền lệ như vậy. Năm 1987, Chủ tịch mới lúc bấy giờ của Fed, Alan Greenspan đã công bố chính sách “diều hâu” của ông bằng cách nâng lãi suất khi thị trường chứng khoán đổ vỡ.

Sau đó, ông nhanh chóng hạ lãi suất. Thị trường đổ vỡ không để lại dấu vết trong nền kinh tế, lạm phát cao hơn, và Fed tiếp tục thắt chặt chính sách, gây ra một cuộc suy thoái trong khoảng 1990-1991. Vào năm 1998, Greenspan một lần nữa phải hạ lãi suất khẩn cấp nhằm hồi sinh các tài sản có thu nhập cố định sau sự sụp đổ của quỹ đầu tư Long Term Capital Management.

Ông Powell đã tránh được những viễn cảnh đó, và ông không ngừng nâng lãi suất trong tuần này, chứ chưa nói đến hạ lãi suất, về nguyên tắc có thể tăng nhịp độ nâng lãi suất một cách khá dễ dàng.

Rủi ro còn lại là hệ thống tài chính của Mỹ dễ đổ vỡ hơn so với tưởng tượng của Fed, và bằng cách nâng lãi suất trong tuần này, Fed càng khiến nó thêm phần dễ bị tổn thương.

SVB chỉ là một trường hợp cá biệt, trong khi nhiều ngân hàng của Mỹ cũng có những khoản lỗ trái phiếu chưa được ghi nhận và dựa dẫm rất nhiều vào các khoản tiền gửi không được bảo đảm. Những khoản tiền gửi này hiện đã và đang dịch chuyển sang những ngân hàng thuộc nhóm “too big too fail” hoặc các quỹ thị trường tiền tệ có lợi tức cao. Thêm nữa, những rủi ro chưa rõ ràng cũng có thể lẩn vào hệ thống tài chính.

Trong năm 2007, trong những tuần đầu tiên của khủng hoảng tài chính, Chủ tịch Fed lúc bấy giờ, Ben Bernanke, đã cố gắng tách biệt 2 vai trò bình ổn tài chính và chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất chiết khấu thay vì lãi suất quỹ liên bang. Thế nhưng cuộc khủng hoảng thế chấp không chỉ diễn biến tồi tệ hơn, mà chỉ trong vài tháng, Fed đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ.

Có ít lý do để tin rằng hệ thống tài chính Mỹ hiện nay cũng dễ tổn thương như thời điểm đó. Nhưng Fed có thể nhận thấy rằng giữ thăng bằng giữa hai vai trò cũng chẳng dễ dàng hơn./.

Theo Wall Street Journal