Các đợt nâng lãi suất của Fed và rủi ro thanh khoản đã 'hạ gục' Silicon Valley Bank thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) không bắt nguồn từ tín dụng, mà xuất phát từ rủi ro kỳ hạn và rủi ro thanh khoản - những vấn đề từng ám ảnh nhiều nhà băng Mỹ kể từ năm 1970.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank được coi là điều bất thường (Ảnh: Economic Times)
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank được coi là điều bất thường (Ảnh: Economic Times)

Nhà chức trách Mỹ mới tiếp quản quyền kiểm soát Silicon Valley Bank (SVB) – thành viên của SVB Financial – trong hôm 10/3 sau khi nhà băng này rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, kể từ sau vụ phá sản của Washington Mutual năm 2008. Nó cũng gợi nhớ về 'khoảnh khắc Lehman Brothers' trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

SVB, ngân hàng có khách hàng quen là các startup công nghệ và cộng đồng vốn đầu tư mạo hiểm, từng tiếp nhận một đợt tiền gửi khổng lồ trong giai đoạn từ 2020 đến đầu năm 2022. Lượng tiền gửi mà họ tiếp nhận đã đạt 198 tỉ USD tính tại ngày 31/3/2022, từ mức 74 tỉ USD trong tháng 6/2020.

SVB đã quyết định dùng số tiền gửi khổng lồ của khách hàng đầu tư vào trái phiếu, chủ yếu là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Loại tài sản này mang ít rủi ro về tín dụng nhưng vẫn chịu rủi ro đáng kể về lãi suất.

Sai lầm của SVB là lạm dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn dẫn đến rủi ro kỳ hạn và rủi ro thanh khoản.

Cụ thể, họ phân bổ phần lớn danh mục đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, thay vì trái phiếu kho bạc có kỳ đáo hạn ngắn hơn hoặc nợ thế chấp với thời gian đáo hạn dưới 5 năm.

Khi lãi suất tăng mạnh sau các đợt nâng của Fed và thị trường trái phiếu bất ổn trong năm 2022 (giá trái phiếu đi ngược với lợi suất), danh mục đầu tư trái phiếu của SVB chịu ảnh hưởng nặng nề. Vào cuối năm 2022, SVB nắm giữ lượng MBS trị giá 117 tỉ USD, chiếm phần lớn trong tổng tài sản 211 tỉ USD của họ.

Lượng trái phiếu này đã gây ra tổn thất lớn vào thời điểm cuối năm 2022, với khoảng 91 tỉ USD danh mục đầu tư trái phiếu – được coi là trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn (Held-to-maturity, viết tắt là HTM) – chỉ có giá khoảng 76 tỉ USD.

Khoản lỗ này lên tới 15 tỉ USD, trong khi khoản lỗ vào thời điểm cuối năm 2021 của SVB chỉ là 1 tỉ USD. Lợi suất của lượng trái phiếu mà SVB nắm giữ chỉ là 1,6%, trong khi lợi suất hiện tại của MBS là khoảng 5%.

Dù khoản lỗ này có thực, ban lãnh đạo SVB dường như không nhận ra nó. Bởi lẽ, chứng khoán HTM được báo cáo theo chi phí khấu hao không phải giá trị hợp lý, điều này che giấu các khoản lãi/lỗ chưa thực hiện hàng quý. Thua lỗ mà lượng trái phiếu này gây ra có lẽ đã 'quét sạch' gần một nửa vốn cổ phần 16 tỉ USD của ngân hàng này vào thời điểm kết thúc năm 2022.

Trong lúc SVB đang hứng chịu tổn thất kinh tế lớn, các nhà đầu tư và giới phân tích dường như đã bỏ qua điều đó, cho đến tuần trước.

Viễn cảnh được nhiều người tin tưởng là, ngân hàng này sẽ vượt qua sóng gió, danh mục đầu tư trái phiếu của họ dần dần sẽ đáo hạn và tổn thất sẽ được bù lấp.

Trên thực tế, Giám đốc điều hành của SVB Greg Becker đã xuất hiện tại một hội thảo của Morgan Stanley ngày 7/3 và không hề nhận được câu hỏi nghi vấn nào về bảng cân đối kế toán, tiền gửi hay danh mục chứng khoán của ngân hàng. Thay vào đó, ông nhận được những câu hỏi về chủ đề khác – tiền mã hoá, đầu tư mạo hiểm, thị trường IPO và “nền kinh tế đổi mới”. Câu hỏi cuối cùng mà ông nhận được là về cách “giảm stress”.

SVB sau đó hứng chịu 'đòn chí mạng' do thời gian đáo hạn của danh mục MBS bị kéo dài khi lãi suất tăng. Thời gian đáo hạn bình quân của danh mục MBG, một thước đo rủi ro, đã chuyển từ 4 năm (2022) lên 6 năm.

Vấn đề của SVB càng trở nên trầm trọng hơn bởi ngân hàng này vốn dựa vào các khoản tiền gửi tổ chức với phần lớn các tài khoản vượt trên mức 250.000 USD. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước một đợt “bank run” – đột biến rút tiền gửi, hay rút tiền hàng loạt.

Trước đó, SVB từng trải qua một đợt suy giảm tiền gửi, từ 198 tỉ USD trong tháng 3/2022 xuống còn 173 tỉ USD vào thời điểm cuối năm.

Diễn biến xảy đến với SVB một cách rất nhanh chóng. Trong hôm 8/3, họ tuyên bố kế hoạch bán danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỉ USD, chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ, chấp nhận lỗ 1,8 tỉ USD, và huy động vốn 2,25 tỉ USD. Kế hoạch này không mang lại tác dụng, khách hàng của SVB bắt đầu đổ xô đi rút tiền của họ. Cổ phiếu của SVB sụt giảm 60% xuống còn 106,04/cổ phiếu trong hôm 9/3.

Nguồn vốn nợ của SVB vẫn trong trạng thái tốt, với khoản lỗ chỉ 0,15% đối với danh mục đầu tư 74 tỉ USD trong quý 4/2022.

Vụ việc của SVB được xem là bất thường, bởi khoản lỗ danh mục đầu tư trái phiếu xét trên cơ sở vốn của họ không đáng kể nếu so với các ngân hàng lớn nhất.

Sự sụp đổ của ngân hàng này có thể khiến các cơ quan chức năng Mỹ phải xem xét lại cách quyết toán danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng vốn cho phép các ngân hàng che giấu các khoản lỗ của họ bằng cách liệt chúng vào diện HTM. Danh mục đầu tư AFS (chứng khoán sẵn sàng để bán) cần phải được thực hiện dựa trên giá trị thị trường.

“Phân loại chứng khoán, và cách quyết toán khác nhau đối với mỗi danh mục, luôn có đôi chút vấn đề và chắc chắn có thể bị ngân hàng lợi dụng khi họ cảm thấy cần phải làm như vậy,” Robert Willens, chuyên gia thuế tại New York, nhận định.

Trên thực tế, trong năm 2022, các ngân hàng Mỹ đã chạy đua để phân loại lại danh mục đầu tư trái phiếu của họ là HTM để tránh bị Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) coi là một phần trong khoản lỗ lên tới 600 tỉ USD toàn ngành.

'Lỗ hổng' lớn trong bảng cân đối kế toán của SVB có thể cản trở việc bán ngân hàng này bởi bên mua sẽ phải thực hiện tái vốn hoá. Một trong số bên mua tiềm năng là JPMorgan Chase, ngân hàng hàng đầu của Mỹ, mặc dù phần lớn ý kiến cho rằng điều này khó xảy ra./.

Theo Barron's