Từ doanh nghiệp bất động sản hàng đầu thế giới đến "chúa nợ", Evergrande đã để tiền chảy đi đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nửa đầu 2021, mảng bất động sản của Evergrande bị lỗ 620 triệu USD, mảng xe điện lỗ 740 triệu USD. Tổng nợ phải trả lên đến 300 tỉ USD, Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.
Trong nhiều năm, Evergrande giữ vững vị thế là nhà xây dựng lớn thứ hai Trung Quốc và là một trong những công ty địa ốc lớn nhất thế giới. Ảnh: Sohu
Trong nhiều năm, Evergrande giữ vững vị thế là nhà xây dựng lớn thứ hai Trung Quốc và là một trong những công ty địa ốc lớn nhất thế giới. Ảnh: Sohu

Khổng lồ và lâm nạn

Từ niềm tự hào quốc gia, Evergrande (Tên Trung Quốc: 恆大 Hằng Đại nghĩa là vĩ đại mãi mãi) trở thành "quả bom nổ chậm" khiến các nhà quản lý đau đầu. Tại sao một tập đoàn liên tục bành trướng bất động sản lại rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, mất khả năng chi trả?

Gần đây, cả Trung Quốc và thế giới bên ngoài nín thở quan sát mọi động tĩnh của gã khổng lồ bất động sản Evergrande. Evergrande từng là "gà cưng" trên thị trường bất động sản Trung Quốc và là doanh nghiệp bất động sản có giá trị bậc nhất toàn cầu (năm 2018). Nhờ danh tiếng cao và doanh thu khủng, nhà sáng lập tập đoàn, ông Hứa Gia Ấn, vững vàng ở vị trí đầu trong Danh sách người giàu nhất Trung Quốc năm 2017. Hiện tại theo Forbes, tổng tài sản ròng cá nhân của ông Hứa trị giá 10,6 tỉ USD.

Nhưng gần đây, cả ông Hứa và Evergrande Group đều chật vật mỗi ngày. Evergrande không ngần ngại bán nhà và tài sản với giá rẻ để tồn tại. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, tiền của Evergrande đã đi đâu?

Năm 1992, ông Hứa Gia Ấn bỏ công việc đang làm để tới Thâm Quyến, miền đất hứa vào thời điểm đó. Ông lập ra Evergrande vào năm 1996, đặt trụ sở tại Quảng Châu. Đầu những năm 2000, các dự án nhà ở mọc lên như nấm ở các thành phố của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tăng vọt vì quá trình đô thị hóa tăng tốc.

Tỉ phú Hứa Gia Ấn. Ảnh: Sohu

Tỉ phú Hứa Gia Ấn. Ảnh: Sohu

Trong toàn bộ quá trình phát triển của Evergrande, có thể dùng một từ để tóm tắt, đó là mở rộng. Thế giới kinh doanh của đại công ty này không chỉ có bất động sản nhằm vào phân khúc trung lưu và thượng lưu ở các thành phố lớn Trung Quốc, mà còn là quản lý tài sản, chế tạo ô tô điện, sản xuất thực phẩm đồ uống. Thậm chí tập đoàn này còn sở hữu Câu lạc bộ Quảng Châu, nơi nắm giữ những đội bóng đá lớn nhất Trung Quốc.

Ngay từ năm 2004, ông Hứa Gia Ấn đã cử hơn 200 nhân viên của Evergrande đến các thị trường hạng hai trên toàn quốc để nghiên cứu phát triển thị phần.

Hai năm sau, quy mô thị trường của Evergrande mở rộng và bắt đầu thâm nhập thị trường nước ngoài, tìm kiếm sự hợp tác với vốn nước ngoài. Lý do lớn nhất khiến Evergrande khẩn trương mở rộng là công ty quyết tâm phải nhanh chóng chiếm lĩnh một miếng thật lớn trong chiếc bánh thị trường bất động sản toàn quốc, và kiếm càng nhiều vị trí đắc địa càng tốt.

Rõ ràng, định hướng của ông Hứa Gia Ấn thời điểm đó khá đúng đắn. Với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, Evergrande Group đã thành công, trở thành công ty bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc.

Evergrande luôn tin rằng chỉ khi giành được nhiều đất nhất và xây dựng nhiều khu nhà ở thương mại (commercial housing) kiểu mới nhất thì công ty mới có thể thịnh vượng và bất khả chiến bại trên thị trường. Trong những năm đầu, mô hình này hoạt động hiệu quả, giúp Evergrande thành công ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.

Cho đến nay, Evergrande đã phát triển 1300 dự án bất động sản ở 280 thành phố. Năm 2020 tập đoàn này công bố đang sở hữu hơn 293 triệu mét vuông đất. Hầu hết các khu đất của Evergrande đều nằm ở các thành phố cấp một ở Trung Quốc, có trị giá tới 81,34 tỉ USD. Bản thân Evergrande không có lượng tiền lưu thông lớn, họ có thể kiếm được nhiều đất như vậy chủ yếu là nhờ mối quan hệ hợp tác với ngân hàng.

Bên cạnh đó, ông chủ của Evergrande còn là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Mối quan hệ của ông Hứa có lẽ đã giúp các chủ nợ tin tưởng hơn để tiếp tục cho Evergrande vay tiền khi công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới.

Một khu căn hộ chưa xây xong của Evergrande tại Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một khu căn hộ chưa xây xong của Evergrande tại Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tiền của Evergrande chảy đi đâu hay lý do đại công ty lâm khủng hoảng

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020 Bắc Kinh áp đặt các quy định mới nhằm kiểm soát tổng dư nợ tín dụng của các đại công ty đầu tư bất động sản, khiến Evergrande phải bán vội đồng nghĩa bán rẻ những bất động sản của mình nhằm có được những khoản thu đủ lớn, đủ nhanh để duy trì sự tồn tại. Những khoản tín dụng dự kiến vay thêm đương nhiên cũng bị phanh lại, khiến nhiều dự án dang dở không cách nào hoàn thiện được. Nhiều khoản nợ đáo hạn cũng vì thế mà không thể thanh toán được khiến chỉ số uy tín tài chính của công ty giảm mạnh, trái phiếu của công ty cũng bị nhiều hãng đánh giá quốc tế hạ điểm liên tục.

Hơn nữa, phần lớn tài nguyên đất mà Evergrande tích trữ đều thuộc diện kiểm soát, quản lý đặc biệt của nhà nước, các tổ chức tín dụng, do đó Evergrande cũng không thể dễ dàng dùng chiêu trò để thổi giá bán lên nhiều so với mặt bằng giá trị thị trường như lúc trời yên bể lặng.

Như vậy Evergrande lúc này mặc dù nắm trong tay một lượng lớn tài nguyên nhà đất song vẫn không thể thu về lợi nhuận. Ở giai đoạn này, khoản nợ cao của Evergrande đã trở thành gánh nặng lớn nhất cho sự phát triển đi lên của tập đoàn.

Trong nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh phát triển bất động sản của Evergrande bị lỗ khoảng 620 triệu USD và mảng xe điện lỗ khoảng 740 triệu USD. Tổng nợ phải trả lên đến 300 tỉ USD, Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới. Riêng trong tuần cuối tháng 9 này, Evergrande sẽ phải trả ít nhất 131 triệu USD tiền lãi trái phiếu.

Nhiều người cảm thấy khó hiểu về thực tế này, thắc mắc rằng mặc dù Evergrande có rất nhiều khoản nợ, công ty này vẫn có thể sống sót qua cơn khủng hoảng bằng cách dựa vào nguồn vốn mà nó đang dự trữ chứ? Đáng tiếc là sự thể lại không dễ dàng, giản đơn như vậy.

Hiện tại, vấn đề lớn nhất với Evergrande Group là suy giảm thanh khoản, phần lớn tiền mặt được đầu tư vào tài sản cố định. Mặc dù ông Hứa Gia Ấn đã gấp rút bán số tài sản cố định, nhưng việc bán không dễ, phải mất một thời gian dài mới có thể bán được để thu tiền về.

Evergrande sẽ sụp đổ, sẽ được giải cứu, hay sẽ tự cứu mình thành công?

Nhiều khách hàng vay tiền để đặt mua bất động sản của tập đoàn này ngay từ khi việc xây dựng chưa hề bắt đầu. Nay nếu đại công ty này phá sản đồng nghĩa nhiều khách hàng mất tiền thanh toán ứng trước, sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ dây chuyền.

Nhiều công ty cung cấp dịch vụ xây dựng, thiết kế, vật liệu xây dựng v.v. cho Evergrande cũng sẽ không thể thu được tiền, sa vào khủng hoảng nợ nần nếu đại công ty này không thể thoát hiểm.

171 ngân hàng nội địa cùng 121 công ty tài chính hiện đang là chủ nợ của Evergrande, nếu tập đoàn này không thể trả được nợ thì lập tức các định chế tín dụng kia sẽ bị buộc phải thu hẹp giới hạn cho vay, gây ra một cơn thắt hẹp tín dụng xét trên phạm vi toàn nền kinh tế, giới doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để vay vốn làm ăn với chi phí đắt đỏ, phát đi tín hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở thành một thị trường kém hấp dẫn, làm nản lòng nhà đầu tư cả quốc nội và ngoại quốc.

Trước những viễn cảnh nguy hiểm này nhiều nhà phân tích cho rằng Evergrande hiện đã quá lớn nên không thể sụp đổ, rằng Chính phủ Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ tìm ra cách thích hợp để giải cứu công ty này.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, và không kém phần sức nặng. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập quyền lực của tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), trong một bài bình luận trên mạng xã hội Wechat đã nêu quan điểm "Evergrande không nên trông chờ sự giải cứu của nhà nước, thay vì vậy hãy tự cứu lấy mình." Quan điểm này cũng đồng điệu với những động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc nhằm siết dư nợ tín dụng của các đại công ty, hàm ý giải cứu một công ty nợ quá lớn sẽ là tạo ra một tiền lệ rất xấu.

Vậy nên, nếu Evergrande muốn giải quyết khó khăn, cách tốt nhất thậm chí duy nhất chỉ còn là bán nhanh tài sản nhà ở thương mại. Các khu nhà ở thương mại của Evergrande luôn được đánh giá là chất lượng cao và có môi trường sống hiện đại.

Để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, Evergrande cũng đã triển khai phần mềm mua nhà trực tuyến giúp khách hàng mua nhà đất thuận tiện hơn. Ngoài ra, để đẩy nhanh tốc độ bán bất động sản đang nắm giữ, Evergrande cũng đã đưa ra nhiều chính sách trợ cấp phúc lợi, như cũ đổi mới, chiết khấu cao, v.v.

Chưa rõ liệu Evergrande nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong giao dịch chào bán nhà đất có thu tiền về đủ nhanh đủ nhiều để vượt qua cơn bão nợ nần hay không, nhưng cuộc đại khủng hoảng nhiều khả năng sẽ nhấn chìm công ty lần này chắc chắn đang phát đi lời cảnh báo nghiêm khắc tới những đại công ty bất động sản khắp nơi, không ngoại trừ một nước nào, vốn sử dụng quá nhiều đòn bẩy tín dụng để thoả ham muốn kinh doanh đa ngành, và bành trướng sở hữu vô độ.

Thanh Hà (tổng hợp)