Từ đề thi ở Quảng Nam đến văn mẫu ở Sài Gòn

VietTimes – Sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát lệnh “cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” thì hiện nay tình hình đã ra sao? Câu chuyện về đáp án ở Quảng Nam có thể giúp ta trả lời: chưa có lối ra.
Đề thi HSG cấp THCS của tỉnh Quảng Nam

Sự việc về đề thi và đáp án kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp THCS ở Quảng Nam gây dư luận mấy ngày nay gợi lại vấn đề văn mẫu, nhưng một cách trực tiếp, nhức nhối và hối thúc, nhất là khi chúng tôi liên tục nhận được những chia sẻ và phản ánh của phụ huynh cùng học sinh xung quanh nạn dạy học theo “phương pháp” đọc - chép và thuộc lòng này trên khắp cả nước, mà Sài Gòn là một ví dụ.

Một phụ huynh cho biết: Con tôi năm nay học lớp 9, sắp thi tuyển sinh. Con tôi là học sinh giỏi văn nhưng về nhà than phiền rằng cô dạy Văn kêu học thuộc lòng bài văn mẫu để lên trả bài, mà những bài văn mẫu đó cũng copy từ trên mạng xuống […]Tôi ko biết bây giờ ai có thể lên tiếng để bỏ cái việc học thuộc văn mẫu vô lý này?.

Có mối liên hệ gì giữa đáp án (và đề thi) ở Quảng Nam với cách học thuộc văn mẫu ở Sài Gòn như thế chăng?

Nguyên nhân sâu xa và rộng lớn của nạn văn mẫu đã được đông đảo các nhà khoa học và nhà giáo phân tích, chỉ ra, như GS Trần Đình Sử, Lã Nguyên (La Khắc Hòa), Đào Tiến Thi, Hoàng Hưng, Chu Hảo, v.v.. Ở đây, chúng tôi muốn thông qua một trường hợp cụ thể để thấy cái cơ chế hình thành, bảo thủ và sự hà hơi tiếp sức cho căn bệnh này.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn văn cấp THCS ở Quảng Nam, câu nghị luận xã hội, như đã được phát tán trên mạng xã hội và báo chí, là một câu trả lời với barem ý - điểm chi li; và nhất là sự áp đặt. Đề yêu cầu “trình bày suy nghĩ của em” nhưng đáp án là một dàn ý duy nhất, thể hiện suy nghĩ của người ra đề, và cơ bản là phải chấm theo cái đáp án ấy. Vậy thì văn mẫu sẽ sinh ra như thế nào?

Đáp án của đề thi học sinh giỏi nói trên

Chính từ lối xây dựng đáp án kiểu này, với cái mẫu về dàn ý bao gồm “giải thích, biểu hiện, ý nghĩa, bài học” sẽ sinh ra những bài làm văn giống y hệt nhau mà cái giống đầu tiên là về cấu trúc bài làm.
Tiếp theo, vì đáp án chỉ có một phương án nội dung (luôn nương theo đề) nên sẽ hình thành một phản ứng tất yếu của học sinh theo chuỗi sau đây: đầu tiên là đọc xem đề nêu nội dung gì; sau đó mặc nhiên đồng ý với định hướng nội dung ấy; tiếp theo là khẳng định “đúng” và đi minh họa cho nó.

Tại sao lại có cái cơ chế tâm lý và cách “xử lý yêu cầu của đề” một cách tự động “như một cái máy” như vậy ở học sinh? Chính bởi lâu nay người ta luôn xây dựng đáp án theo cách ấy, cho nên học sinh sẽ “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”. Đó là cách an toàn nhất, và cũng chắc ăn nhất. Rất hiếm học sinh dám viết khác với nội dung định hướng của đề, vì đáp án, như cách mà Quảng Nam đã xây dựng, vốn luôn là đáp án “mẫu” – tức phổ biến ở mọi cấp học và mọi kỳ thi.

Chúng tôi dùng đề và đáp án của câu nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học để bàn về vấn đề này là có dụng ý.
Với nghị luận văn học, lâu nay vốn luôn dùng các tác phẩm hạn chế ít ỏi trong sách giáo khoa để ra đề, nên số đơn vị kiến thức được học thuộc sẽ trở thành văn mẫu là tất yếu; nhưng đây, một vấn đề xã hội, có thể chưa từng xuất hiện trong sách giáo khoa vẫn sẽ bị biến thành các bài văn mẫu như thường, và không thể tránh được.

Điều này cũng chính là một cảnh báo cho những ai đang hy vọng rằng, với chương trình mới (2018) khi mà thi cử sẽ chủ yếu là ở các tác phẩm ngoài sách giáo khoa, văn mẫu sẽ bị triệt tiêu. Rất khó có chuyện đó, thậm chí là ảo tưởng, nếu cách chấm bài vẫn như cũ.

Nghĩa là gì? Là nếu ta đọc hết tất cả bài làm của học sinh đã tham gia kỳ thi học sinh giỏi THCS của Quảng Nam, ta sẽ thấy những nội dung về cơ bản là giống y hệt nhau. Cái khác là chỉ ở diễn đạt, ở sự mượt mà, ở ví dụ minh họa, chứ không phải khác về nội dung và cấu trúc dàn ý.

Cụ thể, chúng ta sẽ thấy các em nhất loạt khẳng định rằng con cái phải thấu hiểu cho cha mẹ, rồi vì sao phải thấu hiểu, thấu hiểu thì biểu hiện như thế nào, làm gì để thể hiện sự thấu hiểu ấy…

Những bài viết như thế, nếu đánh giá chúng thì chỉ còn một phương diện gần như duy nhất là về mặt hình thức trình bày (dùng từ, đặt câu, ví dụ minh họa…). Một số ít những bài văn không làm theo cái đáp án ấy thì luôn có nguy cơ bị phê là “lạc đề”, “xa đề”, và tất nhiên sẽ trượt.

Không ai muốn mình bị trượt cả trong khi họ lại luôn biết làm thế nào thì “chống trượt”. Vì thế, không thể/khó có thể tìm thấy học sinh nói khác, nghĩ khác, vì đó là một cách mạo hiểm mà rủi ro là cao tới mức dường như nắm chắc thất bại, dù có thể các em đang thật lòng nghĩ khác!
Những cái đáp án (và đề thi) như ở Quảng Nam đã giết chết tư duy độc lập, óc sáng tạo và tinh thần phản biện của học sinh từ trong trứng nước. Văn mẫu sinh ra, được sử dụng và duy trì từ đó, trên khắp cả nước.

Đến lúc này, một câu hỏi hệ trọng được đặt ra, nhưng lại dễ dàng tìm được câu trả lời: “Làm thế nào để chấm dứt nạn văn mẫu?” Đề mở thì đáp án phải mở, đề yêu cầu trình bày suy nghĩ thì đáp án phải chấp nhận mọi suy nghĩ (miễn là học sinh có lập luận tốt đủ sức bảo vệ được suy nghĩ ấy); đồng ý hay không đồng ý, khen hay chê, đánh giá cao hay thấp v.v.., là quyền của học sinh, và phải được tôn trọng. Khi nào mà một học sinh viết bài chê Từ ấy của Tố Hữu hay chê Tràng giang của Huy Cận nhưng vẫn được điểm cao (chỉ cần viết thuyết phục) thì khi ấy nạn văn mẫu mới có thể bị khai tử.

Và, khi nào mà những cái đáp án “kiểu Quảng Nam” không còn nữa thì văn mẫu ở Sài Gòn mới biến mất. Vấn đề là giáo dục của ta có chấp nhận điều đó hay không, đó mới là vấn đề hệ trọng!