Giáo dục hướng nghiệp: Đam mê không phải từ trên trời rơi xuống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không biết mình đam mê cái gì, đó là tình trạng phổ biến trong học sinh sinh viên bấy lâu. Môi trường giáo dục và phương pháp giáo dục cần thay đổi mạnh để khắc phục hiện trạng này.
Đam mê leo núi - Ảnh Getty
Đam mê leo núi - Ảnh Getty

Trước mùa tuyển sinh 2019, như thường lệ, trường tôi lại mời diễn giả về nói chuyện với học sinh về định hướng nghề nghiệp. Đó là một vị tiến sĩ trẻ. Từng tràng pháo tay cứ rào rào vang lên mỗi khi một nhận định về thành công, về nỗ lực, về đam mê… được nhấn mạnh bằng một lối hùng biện giàu biểu cảm và "rất teen". Bất ngờ, một em học sinh cầm mic đứng lên, rụt rè: “Thưa anh, nhưng em không biết mình thích gì, đam mê gì, vậy em phải làm sao?”

Ngay tắp lự, vị tiến sĩ cười lớn “Không biết mình thích gì thì đi học làm chi.” Em học sinh tẽn tò ngồi xuống. Cả sân trường im phăng phắc…

Hết buổi diễn thuyết, chúng tôi ngồi bàn trà cùng vị tiến sĩ, tôi mang câu hỏi của em học sinh lúc ở sân trường ra hỏi vị ấy, rằng sự thật là hiện nay có nhiều, rất nhiều học sinh cho đến sát ngày đăng ký nguyện vọng đại học rồi nhưng vẫn còn chưa biết mình thích nghề gì, đó là thực tế. Làm sao để giúp các em ấy có thể nhận ra thiên hướng và đam mê của mình, đó là một vấn đề nghiêm túc thật sự, chứ không phải chuyện đùa. Vị tiến sĩ lại cười lớn “Không biết mình thích gì thì đi chết đi, học đến lớp 12 mà còn không biết mình thích gì thì đi học làm gì cho mắc công.”

Đó là một câu chuyện có thật, không thêm không bớt. Và tôi tin rằng nó có thật ở khắp nơi, chứ không phải chỉ trường tôi; và có thật từ cả phía người học lẫn người dạy. Rất nhiều sự lúng túng ở đây.

Người dạy thì mặc định rằng người học phải biết mình thích cái gì, không thể khác được; còn người học thì vẫn tìm mãi mà không ra cái đam mê của mình. Thầy cô phó thác cái chuyện định hướng nghề nghiệp hệ trọng kia cho học sinh, chắc vì nghĩ rằng không ai hiểu bản thân học sinh hơn chính các em. Và thế là họ yên tâm với cái ý nghĩ ấy mà không hề biết rằng phía bên kia (học sinh) vẫn đang loay hoay với việc đi tìm chính mình trong tù mù thấp thỏm. Và thực tế, đã có không ít học sinh quyết định nghề nghiệp tương lai của mình bằng một chiếc đồng xu.

Đam mê, đó không phải là một thứ từ trên trời rơi xuống, cũng không phải chỉ việc ngồi tưởng tượng với cái câu hỏi như sương mù trong đầu rằng “mình thích gì nhỉ” là có thể tìm thấy nó. Nếu chỉ như thế thôi thì đồng nghĩa với vai trò của thầy cô, nhà trường và xã hội đối đối với người học gần như cũng bằng không. Tất cả những thiết chế từ gia đình, nhà trường, xã hội phải có nghĩa vụ giúp người học tự tìm thấy chính họ với niềm đam mê đang bị vùi lấp đâu đó trong cái thế giới tinh thần bí hiểm, sâu thẳm, phức tạp bên trong chính họ.

Nhưng bằng cách nào? Không có trải nghiệm, không có đam mê. Một cậu bé chưa bao giờ được đụng tới trái banh thì sẽ sợ những trận cầu, nếu không có một chuyến leo núi nào thì ai dám chắc mình sẽ thích hay ghét những cái vách đá? Nếu không có một chiếc radio hỏng cho đứa nhỏ tháo bung ra và sữa chữa cho đến khi nó có thể nghe thấy tiếng người phát ra từ trong đó thì làm sao nó biết rằng mình sẽ thích việc khám phá và chế tạo?

Nếu một ngày khi đang đứng xem đội bóng của lớp mình thi đấu với lớp bạn mà một cầu thủ bất ngờ bị thương, thế là bạn bị đưa vào sân một cách bất đắc dĩ. Bạn chưa từng chơi bóng, bạn xấu hổ, sợ sệt, lúng túng… Bạn chỉ muốn tìm một cái hốc nẻ nào để chui xuống khi đá trượt trái banh và ngã chỏng vó. Nhưng rồi bạn chạy, bạn phải cứu bóng, phải bảo vệ khung thành của đội nhà… Những sợ hãi tan dần, bạn nhập cuộc, và bạn lăn xả. Hôm sau, không đợi bị đẩy vào sân, bạn xung phong làm hậu vệ trước bao ánh mắt tròn xoe của mọi người. Đó là con đường của đam mê.

Tình yêu sinh ra từ lao động. Nếu không có những trải nghiệm, con người khó có thể tìm thấy chính mình, khó có thể biết mình thích gì và say mê điều chi. Trách nhiệm của giáo dục là phải tạo ra một môi trường với nhiều nhất những điều kiện để người học được trải nghiệm. Phải có thư viện và thời gian để đọc sách thì người ta mới biết sách thú vị thế nào; phải có sân cầu lông, sân bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn…thì người ta mới biết mình hợp và yêu thích môn thể thao nào… Nếu không có những cái phòng thí nghiệm thì ai mà biết rằng làm một nhà nghiên cứu là thú vị? Không đi đến Mỹ Sơn, Thành Cổ, Thành Nhà Hồ... thì làm sao để thấy lịch sử thật cuốn hút?

Chúng ta giam nhốt hết thế hệ này đến thế hệ khác trong bốn bức tường với mấy cuốn sách giáo khoa sờn gáy; ghi chép, học thuộc, đi thi; cứ như thế, mọi thứ chỉ nghe nói trong sách vở mà chẳng ai có cơ hội được thấy, được sống, được cảm nhận nó. “Từ 'chó' không sủa”(*), đứa bé chỉ yêu con chó nhỏ khi được ôm nó trong lòng, vuốt ve và chơi cùng như một người bạn. Phải là một con chó bằng xương bằng thịt với sự nghịch ngợm dễ thương của nó mới khơi dậy tình yêu thương và sự gắn bó với những con vật nơi trẻ nhỏ.

Giáo dục nặng tính lý thuyết, xa rời thực tế, vắng vẻ những trải nghiệm…, tất cả những điều tệ hại này đã khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng hết sức kỳ quặc: học đến lớp 12 mà không biết mình thích làm gì. Không phải là học sinh nên “đi chết đi” như lời vị tiến sĩ kia nói, mà chính chúng ta, những người lớn đang điều hành hoạt động giáo dục, dẫn dắt học sinh phải nhận lấy lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm của mình bằng cách mở rộng cánh cửa và cánh cổng để học sinh được bước ra thế giới của những trải nghiệm phong phú, sống động và đẹp đẽ ngoài kia. Bởi, như John Dewey nói, giáo dục không phải là chỉ truyền giảng cho học sinh những điều được in trong sách, "Giáo dục chính là bản thân cuộc sống!"(**).

______________________________________

Chú thích:

(*) Ferdinand De Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Cao Xuân Hạo dịch, Nxb Khoa học xã hội 2005

(**) John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, Nxb Tri thức 2018