LTS: Bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục Trung học phổ thông (THPT) mới sẽ chính thức được triển khai. Các môn bắt buộc có trong chương trình giảng dạy là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động hướng nghiệp và nội dung trải nghiệm giáo dục địa phương.
Điều khiến dư luận dậy sóng là môn Lịch sử không nằm trong danh sách các môn bắt buộc, mà nằm trong danh sách các môn Lựa chọn, có nghĩa là các em học sinh THPT có thể lựa chọn không học môn Lịch sử.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, tựu trung có hai luồng ý kiến: Một là ủng hộ phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra: Lịch sử là môn Lựa chọn; Luồng ý kiến thứ hai cho rằng Lịch sử là môn học rất quan trọng nên phải là môn học bắt buộc.
VietTimes đã tổ chức cuộc Tọa đàm "Dạy và Học môn Sử ở cấp THPT" với các khách mời là Giáo sư, TSKH, nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ ngành giáo dục học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị; và nhà giáo Thái Hạo - người đã có bài trình bày quan điểm về vấn đề này.
Giáo sư Vũ Minh Giang: Là một giáo sư sử học, đã gắn bó cả cuộc đời với môn lịch sử, khi xã hội có cuộc trao đổi sôi nổi về vấn đề này thì tôi thấy rất vui, bởi vì điều này có nghĩa là mọi người rất quan tâm đến vai trò của lịch sử.
Cho phép tôi được nói rộng ra một chút trước khi nói vào phương án. Đó là trước khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thì môn Sử dường như đang đứng trước một thực tế là các em học sinh không thích. Đấy là một nỗi lo ghê gớm, không chỉ của giới làm Sử đâu, mà của những người quản lý, của lãnh đạo, là bởi vì có lẽ không ở nước nào trên thế giới thấy yêu và quan trọng môn Sử hơn Việt Nam đâu.
Năm 1941, khi Bác Hồ mới về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì tài liệu đầu tiên cho cán bộ, cũng là tài liệu đầu tiên để tuyên truyền giáo dục công dân là “Lịch sử nước ta” do Bác viết, mà có cái câu chúng ta vẫn thường nhắc đến là “dân ta phải biết sử ta”.
Lịch sử là kiến thức giúp chúng ta nhận thức bản thân dân tộc mình, cái mạnh cái yếu ở đâu, đồng thời nó cũng là một khí cụ để dung dưỡng cái ý thức dân tộc, lòng yêu nước, do đó cái ý nghĩa quan trọng của nó chúng ta không cần phải bàn thêm nữa.
Nhưng đứng trước thực trạng học sinh không thích Sử, sợ Sử, thì tôi cảm thấy đau xót vô cùng. Có trường sau khi thi xong môn Sử, các em xé đề cương, vứt trắng xóa – hình ảnh đó đã được chiếu trên tivi – tôi xem xong mà mất ngủ. Rõ ràng chúng ta phải trăn trở làm thế nào môn Sử có đúng vị trí của nó.
Đến đây xuất hiện 2 luồng ý kiến: Một luồng khẳng định môn Sử rất quan trọng, bắt buộc phải học, bắt buộc phải thi. Tôi cho là quan điểm này cũng xuất phát từ cái tâm, muốn môn Sử được trọng thị. Thầy cô giáo dạy Sử cũng thế, muốn môn mình dạy là môn chính. Đây là đề cao môn Sử theo cách nhìn quan phương (nhìn theo góc độ quản lý, chính quyền).
Còn một quan điểm thứ hai là phải đổi mới căn bản chương trình giáo dục và đào tạo. Tôi đã từng phát biểu không chỉ một lần rằng môn Sử phải là đi đầu trong đổi mới. Phải bắt mạch kê đơn tại sao học sinh không thích môn Sử. Đó là vì môn Sử mà chúng ta đang dạy có quá nhiều kiến thức để nhớ: địa danh, nhân danh, số liệu. Nếu chúng ta dạy theo cách tiếp cận nội dung, tức là dạy những cái cụ thể đó, thì biết bao nhiêu thứ phải dạy. Và chương trình luôn quá tải, học sinh thì sợ vô cùng vì nhớ những con số đó là cực kỳ khó khăn. Do đó chúng ta đã bị mắc ở nền giáo dục tiếp cận nội dung – và Sử là môn học chịu hậu quả nặng nề nhất.
Giáo sư Vũ Minh Giang |
Thứ hai, chúng ta cũng phải nhận thấy từ trước tới nay việc giảng dạy môn Sử hơi thiếu khách quan, có tính chất áp đặt. Ví dụ có học sinh giỏi Sử đã từng đặt câu hỏi: “Chúng em học Sử thì thấy nhiều chiến thắng tự hào lắm, nhưng trong đầu vẫn phảng phất câu hỏi liệu trong chiến tranh chúng ta có tổn thất hay không, chúng em không thấy đề cập trong sách giáo khoa, trong khi cả nước có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ…” Tôi thấy cách dạy đó không khách quan, vinh quang trong lịch sử của chúng ta phải nhìn nhận đúng với thực tại. Chứ còn nếu cố gắng nói theo cách nào đó thì đôi khi tác dụng lại ngược lại.
Thứ ba, lịch sử vốn rất phong phú, đa dạng, nhiều điều hấp dẫn, nhưng chúng ta đã không đem cái hấp dẫn đó vào bài học lịch sử mà dạy một cách khô khan. Thầy giáo luôn sợ dạy sai vì phải dạy theo sách giáo khoa. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng chấm giáo viên dạy giỏi Sử. Có một thực tế là thầy cô giáo nói rất diễn cảm nhưng không xa rời được câu chữ trong sách giáo khoa.
Tôi cũng có dịp đi công tác ở nước ngoài thì thấy học sinh nước ngoài rất thích môn Sử là bởi vì các em được đi tham quan, đến bảo tàng, đi trải nghiệm, trong khi Việt Nam không có những cái đó.
Ở khuynh hướng này, tôi ủng hộ xu hướng làm sao đó để môn Sử hấp dẫn hơn, để môn Sử không cần dạy nhiều những thứ cụ thể, làm sao để học sinh tự thấm, tự tìm hiểu. Khi học sinh có sự ham thích, mong muốn tìm hiểu thì các em sẽ làm mọi cách để tìm hiểu. Đó mới là đổi mới căn bản toàn diện.
Rất trân trọng những ý kiến muốn môn Sử phải là môn học bắt buộc, phải tạo cho môn Sử vị trí quan trọng theo nghĩa quan phương, nhưng đồng thời phải rất chú ý đến việc làm cho môn Lịch sử trở nên hấp dẫn, để học sinh yêu thích từ đó các em đi tìm hiểu tiếp.
Điều thứ hai tôi muốn nói là, giai đoạn trước đây Lịch sử là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, có một khúc quanh trong hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta là 38% học sinh cấp 2 không vào cấp 3. Các em đi học nghề, đi làm công nhân… Một triệu học sinh tốt nghiệp lớp 12 không bao gồm những em học sinh này.
Chúng ta phải tính đến chuyện tất cả các em học hệ thống giáo dục phổ thông phải được trang bị kiến thức Lịch sử trọn vẹn, căn bản, hệ thống. Từ đó mới sinh ra 2 giai đoạn theo Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Quốc hội: giai đoạn bắt buộc có môn Lịch sử và giai đoạn hướng nghiệp.
Nếu chúng ta dạy theo cách cũ, tức là dạy Sử bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, giai đoạn lịch sử cận hiện đại rơi vào cấp 3, thì những học sinh học cấp 2 mà không có điều kiện tiếp tục học cấp 3, sẽ mất giai đoạn lịch sử đó. Việc tổ chức lại môn Lịch sử có lường tới thực tế này.
Điều thứ ba, cái này rất quan trọng. Chúng ta rất muốn dạy cho học sinh phổ thông, dù sau này có trở thành ai, thì phải có sự hiểu biết về đất nước mình, dân tộc mình, truyền thống của cha ông mình. Tôi nghĩ rằng những gì lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước đang làm là tập trung vào điều đó. Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Văn hóa là những giá trị được kết tinh trong quá trình lịch sử. Suốt chiều dài lịch sử những gì kết tinh lại chính là văn hóa. Chúng ta quan tâm đến văn hóa, lịch sử như vậy thì không có lý do gì để coi nhẹ môn Lịch sử cả.
Trở lại với các luồng dư luận xã hội gần đây thì ý kiến nào cũng rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm đến lịch sử. Tôi được biết là tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có lộ trình chứ không thay đổi ngay lập tức. Chẳng hạn như các em lớp 9 hiện nay đã học hết giai đoạn Lịch sử cận hiện đại đâu nên các em vào lớp 10 sẽ tiếp tục học chương trình bắt buộc đó. Còn những năm tiếp theo thì Bộ sẽ có kế hoạch triển khai.
Tôi cũng đã từng nêu ý kiến với lãnh đạo các cơ quan cấp cao là chúng ta nên học các nền giáo dục tiên tiến, trong đó có những nước họ có sự đổi mới không chỉ một lần mà nó được tiến hành thường xuyên. Chúng ta phải có 3 động thái với giáo dục: luôn luôn phải nhìn lại chặng đường đã qua, tổng kết cái gì được cái gì chưa được, rồi tiếp tục đổi mới - thì việc xây dựng những chương trình như thế này sẽ có sự chuẩn bị nhưng cũng không phải là “nhất thành bất biến”.
Chúng ta cũng phải xem xét, có những chỉnh lý cho phù hợp, nhưng tựu trung lại điều rất cần là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có trách nhiệm phải giải thích rõ cho nhân dân biết chúng ta đã, đang và sẽ làm gì. Mọi người nếu nhìn vào vòng xoáy bên này muốn bỏ bên kia muốn giữ nó không đúng với bản chất hiện tượng mà chúng ta muốn xem xét đâu. Ý kiến của tôi là như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Anh Giang đã nói rất sâu rồi. Với tôi, nếu nói ngắn gọn thì tôi ủng hộ cách phân chia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đặt Lịch sử là môn học lựa chọn chứ không phải bắt buộc ở cấp THPT - PV). Bởi vì trước sau chúng ta sẽ phải có một sự lựa chọn. Lựa chọn sớm hơn thì tốt hơn, muộn hơn thì cơ hội thành công ít hơn. Tôi xin hỏi hiện nay bao nhiêu người đã lựa chọn Lịch sử để sống, để làm nghề? Có những người sẽ lựa chọn, nhưng thị trường này cung cấp được bao nhiêu việc làm cho những người chọn nghề Sử, tôi tin là không nhiều.
Đừng bắt học sinh phải làm những thứ mà khiến các em không có tương lai. Cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi cho là rất hợp lý. Tổng thể kiến thức nền của Lịch sử đã được cung cấp đến hết lớp 9. Với cái nền đó, nếu sau này các em yêu Lịch sử, muốn tìm hiểu về Lịch sử thì vẫn có thể mở rộng học vô tận chứ, làm sao đến đấy là ngừng được.
Rồi với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại, muốn tìm hiểu Lịch sử chỉ cần tìm kiếm trên Google, không quá 7 giây là có hết. Với công nghệ như thế thì việc học thuộc lòng số liệu, học sự kiện là hết sức vô nghĩa. Tại sao chúng ta phải học thuộc trong khi gõ máy tính tìm kiếm là ra hết. Chúng ta học để có nền tảng, để hiểu lịch sử, hình thành tình yêu với tổ quốc. Tình yêu đó hình thành rất sớm, đến lớp 9 là đã nhiều lắm rồi.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (thứ 2 bên trái) và Giáo sư Vũ Minh Giang tại buổi tọa đàm Dạy và học môn Sử |
Lên THPT, những em có thiên hướng xã hội sẽ lựa chọn học môn Lịch sử. Còn những em muốn học Toán, Lý để sau này theo những ngành đó, nền tảng về Lịch sử các em đã có rồi, bây giờ bắt học thêm có phải bất hợp lý không. Còn những em lựa chọn các môn khoa học xã hội như Văn chương, Địa lý thì đương nhiên môn Lịch sử các em phải chọn theo rồi. Đó có thể là một sự lựa chọn không mang tính tự nguyện, nhưng khi đã theo hướng xã hội thì không thể bỏ môn Sử được. Nếu bỏ Sử thì làm sao hiểu sâu những vấn đề của khoa học xã hội được. Thành thử ở đây vẫn có yếu tố bắt buộc nhưng trên cơ sở các em đã lựa chọn định hướng của mình.
Đó là lý do tôi thấy cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Truyền thông thời gian qua khiến cho mọi người hiểu lầm là bỏ môn Lịch sử khiến dư luận bức xúc. Thực ra không phải là bỏ.
Nếu so với chương trình cũ thì chương trình mới số giờ học Lịch sử ở Tiểu học và THCS vẫn giữ nguyên. Ở THPT, số giờ học Lịch sử tăng hơn từ 70 tiết (đối với những học sinh chọn học Lịch sử như một môn học không chuyên), đến 175 tiết (đối với học sinh học chuyên Sử). Đây là sự coi trọng theo định hướng chuyên sâu, giúp học sinh học ngành khoa học xã hội tốt hơn. Tôi nghĩ như vậy là hợp lý. Nếu chúng ta không ủng hộ cách làm này thì lại “lối cũ ta về” thôi – chẳng cách nào để có cải cách tạo đột phá cả.
PV: Thời gian qua sở dĩ báo chí và mạng xã hội xôn xao về chuyện bỏ hay không bỏ môn Lịch sử là do có những cách hiểu khác nhau về thuật ngữ Lịch sử là môn Tự chọn hay môn Lựa chọn. Thưa nhà giáo Thái Hạo, một người đã từng có bài báo về vấn đề này, ông có thể giải thích thế nào là môn học Tự chọn, môn học Lựa chọn?
Nhà giáo Thái Hạo: Tôi xin chia sẻ nguyên nhân gây ra cuộc tranh cãi mà tôi cho rằng không đáng có này. Nó bắt nguồn từ sự hiểu lầm, cộng với truyền thông đã góp phần làm cho sự hiểu lầm này đi xa hơn. Việc lầm lẫn giữa Lựa chọn và Tự chọn, có thể do cách định nghĩa, cũng có thể do báo chí đã giật những cái tít như “Bỏ môn Lịch sử…”, “Khai tử môn Lịch sử…”. Những cách nói như vậy nó làm sai lệch bản chất.
Bản thân tôi ủng hộ phương án Lịch sử là môn Lựa chọn, không bắt buộc ở cấp THPT. Đến lớp 9 là các em đã được trang bị một nền tảng kiến thức cơ bản rồi. Đến cấp THPT là học sinh cần được học theo định hướng nghề nghiệp.
Nhà giáo Thái Hạo |
Nếu nói Lịch sử là môn quan trọng thì nó đúng, nhưng cũng đúng với nhiều môn học khác bởi môn nào cũng quan trọng cả. Vấn đề là nó quan trọng với ai, trong phạm vi nào, mang ý nghĩa như thế nào. Không phải chúng ta cứ nói quan trọng là buộc phải học.
Đối với môn học Tự chọn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định nghĩa trong chương trình tổng thể rồi. Chúng ta hiểu một cách nôm na Tự chọn là học sinh có thể chọn hoặc có thể không học môn đấy. Còn Lựa chọn là trong số nhóm môn, học sinh buộc phải lựa chọn một số môn (Lịch sử nằm trong số 9 môn thuộc 3 nhóm ngành mà học sinh phải lựa chọn để học 5 trong số 9 môn đó – PV).
Có rất nhiều người đã hiểu lầm Lựa chọn đồng nghĩa với Tự chọn, đồng nghĩa với việc bỏ môn Sử. Sự hiểu lầm lan truyền từ người này đến người khác, tạo ra dư luận bức xúc. Tôi cho rằng sự bức xúc này không có nhiều căn cứ.
Nói rằng bức xúc vì yêu môn Sử, thấy tầm quan trọng của môn Sử, có lẽ không nhiều bằng cái lý do là hiểu lầm. Chúng ta thấy nền giáo dục cũ của Việt Nam từ trước năm 1945 đến nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa thì việc định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng, rất quyết liệt. Người tốt nghiệp Tú tài (tương đương tốt nghiệp lớp 12 hiện nay – PV) đã có trình độ rất cao, có thể trở thành một công chức viên chức trong bộ máy chính quyền hay làm kỹ thuật trong quân đội.
Rõ ràng hiện nay nếu chúng ta cứ cố kéo dài thời gian trẻ con của người học đến hết lớp 12 mà vẫn còn ngu ngơ chưa có định hướng ngành nghề nào, thì việc ủng hộ cho một xu hướng như vậy tôi cho là lạc hậu. Điều này nên được chấm dứt và thay bằng chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, đó là cần định hướng nghề nghiệp từ cấp THPT.
Video phần trả lời của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang |
Video phần trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng |
Tọa đàm Dạy và học Sử ở THPT - Phần 2: Không học Sử sẽ không còn lòng yêu nước?
Tọa đàm dạy và học Sử ở THPT - Phần 3: Nên đổi mới cách dạy, học và thi môn Lịch sử như thế nào?
Chỉ đạo thực hiện: Lê Thọ Bình
Phóng viên: Đăng Khoa - Lê Mai - Văn Lâm - Thanh Hiếu