Luận văn không phải là tài liệu mật
Ai cũng thấy, luận văn tốt nghiệp hoàn toàn không phải là tài liệu mật. Do đó, việc sinh viên tiếp cận với các luận văn cũ hoàn toàn là một việc bình thường. Việc này sẽ là rất tốt nếu việc thu thập các luận văn cũ chỉ mang ý nghĩa tham khảo chứ không phải là sao chép lại rồi ký tên để trở thành sản phẩm của chính mình cho việc bảo vệ tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại là, nếu như đề tài được giao vẫn không có gì mới so với các khoá trước thì chính điều đó đã dẫn đến việc sao chép luận văn cũ. Khi đó, chính các sinh viên sẽ chủ động đi tìm dữ liệu không có gì khó kiếm ở chính các dịch vụ vi tính và photocopy ngay gần cổng trường học.
Vì thế, đã có những ý kiến cho rằng nếu các bậc thầy vẫn giao đề tài tốt nghiệp không khác gì với các khoá trước thì ít nhất số liệu khảo sát phải là hoàn toàn mới. Đương nhiên, với những dữ liệu mới đó thì những lý luận đi kèm cũng phải phù hợp. Làm được như vậy, việc sao chép luận văn cũ có thể chỉ còn ở mức 50% và như vậy là hoàn toàn chấp nhận được. Còn nếu như các bậc thầy không đưa ra đầu bài mới hoặc chí ít là phải có dữ liệu mới thì không thể trách cứ sinh viên đã sao chép luận văn bởi “thầy lười thì trò dốt”.
Song có lẽ như thế vẫn là chưa đủ, nhất là như chúng ta vẫn thường nói: Giáo dục đại học là phải biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Tức là phải làm sao tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận và nghiên cứu về những thực tế sôi động ngoài xã hội liên quan đến ngành học của mình.
Cần thay đổi tư duy khoa học và cho phép sinh viên làm đề tài liên ngành
Có một thực tế đã xảy ra với một số sinh viên muốn tiếp cận đề tài mới như sinh viên ngành luật muốn tiếp cận với các bộ luật còn đang trong quá trình xây dựng, sinh viên ngành ngoại thương tiếp cận với vấn đề hàng rào kỹ thuật trong hoạt động xuất nhập khẩu, sinh viên mỹ thuật muốn tiếp cận với toán học ứng dụng… thì rất khó tìm được thầy hướng dẫn. Đấy chưa kể đến những đề tài có tính chất liên ngành.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc đã từng chia sẻ với người viết bài câu chuyện về một sinh viên ngành ngôn ngữ học mà ông từng hướng dẫn làm luận văn. Đề tài của cô sinh viên này bao gồm cả ngôn ngữ học và công nghệ thông tin.
Mặc dù đề tài của nữ sinh viên được các thầy khoa ngôn ngữ chấp thuận, tuy nhiên họ đã không công nhận tư cách hướng dẫn của TS Quách Tuấn Ngọc với lý do ông này không phải là chuyên gia ngôn ngữ học, mà coi đây là đề tài do sinh viên tự nghiên cứu.
Tâm sự về chuyện này, TS Quách Tuấn Ngọc không hề tỏ ý buồn vì ít nhất ông cũng đã làm được một việc là giúp đỡ được sinh viên ngành ngôn ngữ học tiếp cận với thực tế mà ngành ngôn ngữ học không thể đứng ngoài cuộc trước những sự vận động của CNTT.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, bản thân ngành ngôn ngữ học phải có cách nhìn nhận đúng đắn về những công việc của chính mình và ít nhất phải thấy được những bài toán mà tự thân họ không thể tự giải quyết mà phải cần đến vai trò của CNTT.
TS Dương Kỳ Đức - nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận là bản thân ngành ngôn ngữ học đương nhiên phải đặt mình trong các mối quan hệ của khoa học liên ngành. Khi đó, không thể lấy lý do là các chuyên gia CNTT không phải là người có chuyên môn về ngôn ngữ để không thừa nhận vai trò hướng dẫn đề tài liên ngành với sinh viên ngành ngôn ngữ. Ông cũng đặt vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhìn thẳng vào thực tế của khoa học liên ngành để không riêng gì ngành ngôn ngữ phải thừa nhận sự tham gia của các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác.
Bình luận về câu chuyên nói trên, một thầy giáo đang giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nói rằng các đại học phải có tấm lòng rộng mở để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các đề tài mới. Bản thân các thầy cũng phải chủ động vào cuộc để nghiên cứu cái mới cùng với sinh viên.
Cũng cần nói thêm, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang là thách thức với giáo dục đại học Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ không ai đợi ai, tức là trò cũng không đợi thầy để hướng tới những cái mới.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có đủ khả năng tiếp cận các đề tài mới ngoài định hướng truyền thống của chuyên ngành mình theo học. Nên chăng, cần có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp để giúp đỡ cả thầy và trò trong việc kiến thiết các mối quan hệ liên ngành thay vì cách làm truyền thống suốt nhiều năm qua. Làm được như vậy sẽ là điều tốt để vấn nạn sao chép luận văn bị đẩy lùi và góp phần nâng tầm cho những nghiên cứu khoa học trong nhà trường.
*Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của VietTimes