Lời tâm sự của một người làm cha từng có tuổi thơ bị bạo hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gia đình là tế bào của xã hội, gia hòa vạn sự hưng. Trước những hiện tượng xã hội như bạo hành, mỗi người cần quay vào nhìn chính mình để tìm ra những vấn đề của bản thân. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.
Bạo hành trẻ em - Ảnh Getty
Bạo hành trẻ em - Ảnh Getty

LTS: Trước sự kiện bạo hành dã man dẫn đến cái chết thương tâm của bé gái V.A. 8 tuổi đang gây nên một làn sóng giận dữ trong xã hội, tác giả Đăng Vinh*, một người làm cha từng có tuổi thơ bị bạo hành, gửi đến VietTimes bài viết chia sẻ những trải nghiệm và tâm sự của mình, với mong muốn mỗi người lớn sẽ tự nhìn lại chính mình và dành tâm huyết cho giáo dục gia đình... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ hư trong mắt của người lớn. Và như hầu hết mọi đứa trẻ “hư” khác, tôi nhận được đầy đủ những trận đòn thừa sống thiếu chết, những sự coi thường sỉ nhục nguyền rủa từ chính cha mẹ mình. Những thứ đó không khiến tôi “ngoan” hơn hay làm tôi sợ, tác dụng duy nhất của nó là dần dần biến tôi thành một thằng nhóc lì lợm, bất cần, và ưa bạo lực. Tất cả những uất ức với cha mẹ, tôi xả vào thằng em trai mỗi khi nó làm gì đó trái ý mình (tuy nó chẳng có lỗi gì) cho đến tận năm tôi 15 tuổi, khi tôi biết suy nghĩ một chút để nhận thấy mình sai, thì việc đó mới chấm dứt.

Sau này, khi đã trưởng thành và hiểu được rằng việc dạy con bằng bạo lực có tính kế thừa như một vòng lặp bệnh lý, tôi mới hết trách giận cha mẹ mình. Tuy nhiên, những tổn thương tâm lý đã trở thành tính cách thì vẫn đeo đẳng tới tận bây giờ. Sâu thẳm trong con người tôi luôn có một con thú bị thương đang giận dữ nằm ở đó, chỉ chực chờ cơ hội để kiểm soát tôi, điều khiển tôi nhằm thỏa mãn cơn khát bạo lực của nó. Có những lần, trong cơn điên cuồng giận dữ không thể kiểm soát, tôi đã đánh con mình gần giống như cái cách mà ngày xưa tôi bị cha đánh đập, để rồi sau đó phải ân hận. Cách duy nhất tôi có thể làm sau đó là xin lỗi con, thú nhận với nó những khiếm khuyết trong con người mình, và đề nghị con giúp đỡ để bố có thể thay đổi. Tôi hy vọng bằng cách đó, tôi có thể làm mờ những tổn thương mà tôi đã gây ra cho con mình.

Từ câu chuyện của tôi, một số người có lẽ sẽ nhìn thấy hình ảnh của ông bà, cha mẹ, và cả bản thân họ trong đó. Chúng ta là những thế hệ được dạy dỗ bằng thứ giáo dục phản khoa học, truyền từ đời này qua đời khác, nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Và dưới môi trường xã hội đang đổ vỡ nhiều giá trị căn bản ngày nay, những thứ tồi tệ càng được nhân lên gấp bội. Một đứa trẻ sinh ra đã bị đánh cắp nhân phẩm, tính thiện lương và lòng trắc ẩn bởi cuộc ganh đua, thắng thua, thành tích trong nhà trường thì làm sao có thể lớn lên thành một con người có liêm sỉ, tự trọng và tình yêu thương trọn vẹn?! Chúng ta đều là nạn nhân đồng thời là thủ phạm của những nạn nhân kế tiếp, và mọi chuyện sẽ vẫn tiếp diễn theo cách đó nếu không có một mắt xích nào đó bị chặt đứt.

Quay trở lại vụ việc bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến chết, tất cả đều cảm thấy phẫn nộ, kêu đòi công lý, đòi trừng trị thủ phạm với khung hình phạt cao nhất…, cái đó là đúng. Nhưng có mấy người chịu nhìn nhận lại mình, tự soi xét xem vấn đề đó có phải của cả mình nữa hay không? Mình có bao giờ bạo hành chính con cái, người thân của mình không? Câu trả lời tự bạn biết.

Kẻ gây tội lỗi sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng kể cả khi xử hai kẻ kia với khung hình phạt cao nhất, thì số nạn nhân như cháu V.A cũng sẽ chỉ ngày càng tăng chứ không hề giảm nếu như mỗi chúng ta vẫn như vậy - hời hợt và bạo lực. Việc này chỉ có thể thay đổi khi mỗi người cha người mẹ chịu nhìn nhận lại bản thân để nói không với bạo lực, chịu học hỏi để có thể nuôi dạy con mình bằng yêu thương đúng cách.

Đó là cách duy nhất để chặt đứt cái vòng xoáy bạo lực để rồi mai kia, mỗi đứa trẻ đều được sống trong bình an và hạnh phúc.

*

Và, làm thế nào để thay đổi mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái?

Trên đây, tôi đã nói về bạo hành trong giáo dục gia đình, và hậu quả của nó khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên căng thẳng, xa cách, và dần dần đi đến chỗ không thể hàn gắn nếu chúng ta không suy tư và hành động, ngay lúc này.

Ở đây, tôi chia sẻ những suy nghĩ của một người đã-và-đang sai lầm trong cách dạy con, chắc chắn nó còn nhiều thiếu sót và có thể vẫn còn những sai lầm nối tiếp. Tôi nói ra để mong chúng ta có thể thảo luận nhằm tìm ra cách phù hợp nhất giúp thay đổi mối quan hệ với con.

Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề và thừa nhận mọi-sai-lầm-đều-chủ-yếu-là-của-mình, những bậc cha mẹ.

Trẻ con như tờ giấy trắng và cha mẹ chính là những người vẽ những nét đầu tiên lên cuộc đời chúng. Chúng chính xác là những gì mà chúng ta tạo ra, không ai khác. Chúng ta sản xuất ra một sản phẩm lỗi rồi lại đổ thừa mọi thứ cho chính nó chứ không mấy ai thừa nhận đó là sai lầm của mình. Chúng ta vẫn tiếp tục phương pháp giáo dục cũ nhưng lại mong có một kết quả khác - Thật vô lý, đúng không? Vì vậy, để hàn gắn mối quan hệ với con, thì cha mẹ phải là người thay đổi đầu tiên. Chúng ta cần thừa nhận con cái như những gì chúng đang là, không giận dữ, không phán xét, không gây áp lực… Tất cả những thứ đó chỉ có một tác dụng duy nhất là làm hỏng trẻ thêm và đẩy mối quan hệ đến chỗ không thể cứu vãn. Thừa nhận con người hiện tại của con sẽ khiến bạn bình thản trước những thói xấu của chúng, và không dễ dàng nổi nóng nữa. Đó là điều kiện tiên quyết để giúp con thay đổi.

Thứ hai: đối thoại.

Chúng ta cần tôn trọng con cái như một thành viên bình đẳng trong gia đình và đối thoại cởi mở với chúng. Chúng ta cần nói ra với trẻ những khiếm khuyết, sai lầm của chính ta, và nhận lỗi với trẻ. Trẻ con rất dễ tổn thương nhưng cũng rất dễ tha thứ khi cha mẹ chân thành và cởi mở với chúng. Việc ta tự thừa nhận sai lầm cũng là cách để dạy trẻ tự nhìn nhận lại bản thân, để nhận ra những khiếm khuyết, những thói xấu… hòng thay đổi chúng. Đối thoại chân thành và cởi mở giúp chúng ta gần gũi với con hơn, như những người bạn. Khi đó, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận và lắng nghe những ý kiến, mong muốn của cha mẹ (riêng việc chúng chịu lắng nghe ta đã là một điều tuyệt vời rồi, đúng không?).

Thứ ba: đồng hành cùng con. Đồng hành là đi cùng, cùng vui, cùng buồn, cùng vượt qua những vấn đề của con bằng cách “nhập vai” trong câu chuyện của chúng. Không để con cái đơn độc loay hoay một mình, ta không những là cha mẹ, thầy cô, mà hơn hết cần trở thành một người bạn của con. Sự gần gũi, chia sẻ trong suốt hành trình trưởng thành của những đứa đứa trẻ không những sẽ khiến chúng nhận được những bài học, mà hơn thế, là sự chữa lành bởi mối quan hệ ấm áp tràn ngập tình yêu thương như một thứ nước tinh khiết rửa trôi đi những cáu uế trong tâm hồn chúng.

Là một người cha ngoài 40 tuổi, đã trải qua một tuổi thơ khắc nghiệt với đầy những vết thương bị di chứng tới tận bây giờ, dù khó mà chữa lành trong một sớm một chiều nhưng nếu tôi không làm điều đó thì một thế hệ nữa sẽ tiếp tục phải gánh chịu cái di sản tinh thần oan nghiệt ấy. Không phải chỉ cho chúng ta, hay cho con cái mình, mà một cách đầy đủ, cho tất cả. Khi bạn giáo dục con cái đúng cách, còn tôi đã bỏ bê điều ấy, và rồi con bạn chơi với con tôi, thì chuyện gì sẽ đến? Vì thế, giáo dục gia đình không phải chỉ vì gia đình mình, nó là một trách nhiệm xã hội, là ý thức công dân, là tinh thần công lợi.

* Tác giả Đăng Vinh, tốt nghiệp Y đa khoa, hiện đang làm việc cho một tập đoàn thiết bị y tế nước ngoài.