LTS: Bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục Trung học phổ thông (THPT) mới sẽ chính thức được triển khai. Các môn bắt buộc có trong chương trình giảng dạy là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động hướng nghiệp và nội dung trải nghiệm giáo dục địa phương.
Điều khiến dư luận dậy sóng là môn Lịch sử không nằm trong danh sách các môn bắt buộc, mà nằm trong danh sách các môn Lựa chọn, có nghĩa là các em học sinh THPT có thể lựa chọn không học môn Lịch sử.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, tựu trung có hai luồng ý kiến: Một là ủng hộ phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra: Lịch sử là môn Lựa chọn; Luồng ý kiến thứ hai cho rằng Lịch sử là môn học rất quan trọng nên phải là môn học bắt buộc.
VietTimes đã tổ chức cuộc Tọa đàm "Dạy và Học môn Sử ở cấp THPT" với các khách mời là Giáo sư, TSKH, nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ ngành giáo dục học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị; và nhà giáo Thái Hạo - người đã có bài trình bày quan điểm về vấn đề này.
Tọa đàm Dạy và học Sử ở cấp THPT – Phần 1: Những hiểu lầm về “khai tử” môn Sử
Tọa đàm Dạy và học Sử ở THPT - Phần 2: Không học Sử sẽ không còn lòng yêu nước?
PV: Thưa Giáo sư Vũ Minh Giang, xin ông cho biết quan điểm của mình về phương pháp dạy lịch sử hiện nay? Chúng ta có nên cải tiến cách dạy môn Lịch sử?
Giáo sư Vũ Minh Giang: Lịch sử bản thân nó rất hấp dẫn, người ta có thể tìm ra tất cả mọi thứ ở trong lịch sử, nhưng có điều mình dạy Sử lại khiến cho lịch sử phong phú ấy nó nghèo nàn đi và khô cứng lại. Do đó lỗi không phải nằm ở môn Lịch sử mà tại thiết kế chương trình và cách dạy.
Vì vậy, để làm cho môn Sử hấp dẫn lên trước hết mình phải bắt bệnh, xem bệnh ở đâu đã. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có cuộc đổi mới rất căn bản toàn diện trong giáo dục, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực. Chúng ta phải làm cho môn học ấy nó kích thích học sinh để các em thấy hay, thấy thích, thấy cần. Khi mà học sinh thấy những kiến thức lịch sử này cần cho mình, các em sẽ tìm tiếp. Còn một khi học sinh buộc phải nhớ sự kiện này sự kiện kia mà không biết để làm gì thì chỉ vấp một cái là quên.
Cái đổi mới ở đây là chuyển tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực. Đây là cái chúng ta đang làm, không phải trong một thời gian ngắn sẽ xong đâu, nhưng chúng ta đã nhận thức được.
Thứ hai, phải coi Lịch sử là một khoa học, chứ hiện nay vẫn coi Sử như là một thứ mà chúng ta buộc phải tin là như thế, không thể khác. Đâu phải như vậy! Nó là khoa học. Nói một cách đơn giản, lịch sử là cái đã qua không thay đổi được, nó là khách thể, là đối tượng nghiên cứu. Còn cái chúng ta nghiên cứu để dạy lại, để viết ra nó phản ánh trình độ nhận thức của chúng ta về cái lịch sử ấy mà thôi, và như thế làm sao mãi mãi đúng được. Có những câu chuyện chỉ cách đây mấy chục năm, chúng ta tổ chức bao nhiêu hội thảo mà vẫn còn chưa biết chân lý thuộc về đâu cơ mà, huống hồ có những sự kiện xảy ra còn xa hơn.
Vì vậy, khi dạy, giáo viên cần khơi gợi cho học sinh thấy rằng các em có thể tham gia vào quá trình tìm tòi, áp dụng những phương pháp mới và để tìm ra những kết luận mới. Cách làm này hấp dẫn hơn nhiều thay vì kết luận những sự kiện là cố định không thể khác – cái đó rất nguy hiểm. Phương pháp dạy dạy lịch sử của chúng ta hiện nay đâu đó bị chi phối bởi quan niệm như thế - người dạy nói nhận thức của mình về quá khứ, chứ không phải quá khứ nó hoàn toàn đúng như vậy. Đối với Lịch sử phải coi đó là một môn khoa học.
Thứ ba, vì Lịch sử gắn với cuộc sống cho nên nó hiện diện ở khắp nơi. Sở dĩ có em nói rằng Nguyễn Huệ với Quang Trung hình như là hai anh em, ông nọ đem quân đánh ông kia, là bởi vì chúng ta có cái lỗi là chưa làm cho trận Ngọc Hồi – Đống Đa sống dậy. Nếu chúng ta tái hiện lại trận đánh bằng những hình thức nghe nhìn rất hấp dẫn thì tự nhiên các em sẽ nhớ. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa, việc hành quân thần tốc của Quang Trung nó hay như thế mà chúng ta chỉ có một ngày lễ hội tưng bừng, 364 ngày im lìm thì làm sao các em hiểu được. Chúng ta cần phải làm phong phú lịch sử lên bằng nhiều cách: làm phim, nghệ thuật, bảo tàng… Những cái đó chúng ta còn đang rất thiếu, dần dần từng bước phải có kế hoạch.
Cuối cùng là trách nhiệm của người thầy. Hiện nay các giáo viên vẫn lấy sách giáo khoa làm chuẩn. Việc đào tạo giáo viên chúng ta quá chú trọng đến việc phải bám sát sách giáo khoa, coi sách giáo khoa như một tài liệu pháp lệnh. Bây giờ chúng ta đã có đổi mới, tức là một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, tức là khuyến khích nhiều cách trình bày diễn đạt một vấn đề, là nó đã phong phú hơn rất nhiều. Giáo viên cũng được đào tạo theo hướng đó, chứ không phải cứ bám theo sách giáo khoa, không có sách giáo khoa thì không dạy được.
Cần có cái nhìn mạnh mẽ trong đổi mới môn Lịch sử để tiến tới làm cho học sinh thấy hay, thấy thích, dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về lịch sử thì khi đó chúng ta sẽ thành công.
Nhà giáo Thái Hạo: Khi mà tôi ở trường phổ thông, rất sợ tình trạng “bình mới rượu cũ”, tức là ngoài hình thức thì là đổi mới - ví dụ một chương trình nhiều bộ sách, tiếp cận năng lực - nhưng cách dạy vẫn như cũ.
Tôi lấy ví dụ về môn Sử. Nội dung lịch sử có được phép đặt lại câu hỏi hay không, đặt lại vấn đề hay không, có được phép nói khác với sách giáo khoa hay không? Nói khác ở đây không phải ở sự kiện mà là nhận thức, đánh giá, nhìn nhận. Khi học trò phát biểu quan điểm khác thầy cô giáo thì có bị làm sao không? Chính cái hành lang này cần phải được xây dựng để học trò, giáo viên và toàn hệ thống giáo dục được bảo đảm an toàn. Khi đó môn Lịch sử mới thay đổi về chất, còn nếu không nó vẫn chỉ là câu chuyện hình thức.
Nếu thầy cô giáo cho các em chép vào vở một sự kiện lịch sử với nội dung, ý nghĩa như vậy, nhưng học trò nhìn nhận khác hẳn đi thì sao. Các em làm vào bài thi với nội dung khác hẳn đi thì sao. Các em có được chấp nhận không hay bị đánh trượt kỳ thi. Đó mới là chuyện hệ trọng nhất. Tất nhiên chúng ta ở đây không có quyền quyết định chuyện này, chỉ bàn với nhau trên khía cạnh nhận thức.
Nhưng tôi nghĩ rằng những cái trở ngại đó mà không tháo ra thì mọi sự bàn bạc chỉ dừng lại ở nhận thức cá nhân mà thôi. Vậy làm sao để tháo ra được, để mỗi người có quyền tư duy, biểu đạt mà không bị tuýt còi. Người thầy giáo đứng trên mục giảng nói lên suy nghĩ của mình, đánh giá sự kiện lịch sử đó không bị tuýt còi. Việc bàn về lịch sử không còn là chuyện cấm kỵ, biểu đạt quan điểm không bị cấm đoán nữa thì khi đấy việc học môn Lịch sử mới thực sự hấp dẫn.
Tôi còn thấy một điều, hiện nay chúng ta đang cách ly hoàn toàn lịch sử với cuộc sống, coi nó là quá khứ đã hoàn thành rồi. Thực ra lịch sử luôn luôn hiện diện trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, ở bất cứ sự kiện nào. Chẳng hạn như Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông - mặc dù đó là sự kiện diễn ra trong hiện tại nhưng nó có liên đới với quá khứ, thậm chí quá khứ rất xa. Cho nên lịch sử không phải là cái đã hoàn thành mà cái đang tiếp diễn. Sự kiện ở hiện tại có nguyên nhân trong quá khứ, nó có mối quan hệ hữu cơ với quá khứ. Làm sao để cho Lịch sử luôn luôn sống, chứ không phải là Lịch sử đã chết. Phải là sự tư duy quá khứ trong mối quan hệ với hiện tại. Đó là quan điểm của tôi.
PV: Dường như chúng ta đang dạy Sử theo cách chúng ta muốn, chứ chúng ta chưa tiến tới dạy Sử như Sử có. Lấy ví dụ khi dạy về triều Nguyễn, chúng ta chỉ nói đến việc vua Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” chứ chưa cho học sinh thấy nhà Nguyễn cũng có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước. Liệu chúng ta nghiên cứu dạy Sử như nó có thì có cần thiết không và cách thức chúng ta phải đi như thế nào? Thưa tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, là một chuyên gia khoa học chính trị, xin ông nêu ý kiến về vấn đề này?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ chúng ta phải dạy Sử như cái nó có. Tôi cho rằng dạy như vậy rất quan trọng. Dạy lịch sử tôi nghĩ không chỉ để yêu nước. Yêu nước là tất nhiên. Nhưng dạy lịch sử để hiểu tại sao chúng ta hiện tại như thế này, tại sao người Việt lại rung động với cái này mà không rung động với cái khác, tại sao một mô hình thể chế có thể vào và thành công ở Việt Nam và một mô hình thể chế 100 năm chúng ta tìm cách hợp tác vẫn không vào được. Những cái đó chỉ có thể giải thích bằng lịch sử và những cái đó hệ trọng vô cùng đối với đời sống chính trị đất nước.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của thầy Thái Hạo, tức là người học nên có chính kiến chứ không phải theo một cái giáo điều mà nó đúng cả một ngàn năm. Nhưng mọi chính kiến về lịch sử đều phải có chứng cứ, phải có sử liệu, còn nếu không có những thứ đó thì quả thật là sự suy diễn. Anh nói vấn đề gì đấy mà không có chứng cứ lịch sử thì rất là khó, cái đó ai cũng nói được. Bây giờ anh nói cái đó rồi anh bảo phải hiểu như vậy thì đó là sự áp đặt. Nếu nói dựa trên chứng cứ, sử liệu thì có những thứ sẽ thay đổi, bởi vì ở thời điểm nào đó ta chưa phát hiện ra, nhưng giờ phát hiện đầy đủ thì nó lại là một thứ khác. Chúng ta phải công nhận cái mới phát hiện ra đó chứ.
Tôi xin nhắc lại là người học phải có chính kiến, nhưng phải dựa trên chứng cứ lịch sử chứ không phải suy diễn.
Giáo sư Vũ Minh Giang: Lịch sử giúp cho người Việt tăng cường lòng yêu nước, nhưng chúng ta cũng phải nhớ một điều: khoa học lịch sử còn giúp chúng ta tự nhận thức mình. Bởi trong lịch sử nghìn năm đâu chỉ toàn là những trang oai hùng, còn có những tổn thất, thậm chí còn có những sai lầm lịch sử.
Cho nên lịch sử còn là khoa học giúp chúng ta học những bài học đau đớn, xương máu. Làm sao chúng ta mất nước để rồi 1000 năm Bắc thuộc. Làm sao chúng ta xây thành cao hào sâu như thời Hồ Quý Ly mà chống cự không được 6 tháng. Làm sao chúng ta đang trong thế mạnh mẽ của đầu thế kỷ 19 mà mất nước thảm bại vào nửa sau thế kỷ 19. Những bài học đó làm sao chúng ta bỏ ra ngoài lịch sử được.
Nếu chỉ có trắng và đen, ca ngợi và phê phán thì có lẽ nó chưa đúng cái tinh thần nhìn nhận một cách khoa học đối với quá khứ, đối với lịch sử đâu. Do đó, tôi nghĩ rằng lịch sử cần được nhận thức như một khoa học là vì vậy.
Cho nên, dạy cho các em làm sao để hiểu được quá khứ một cách gần nhất với nó nhưng rút ra những kết luận có tính khoa học.
Tôi cũng xin được nói thêm, trong thiết kế chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông mới – PV), đã có những phần mang tính gợi mở chứ không phải là áp đặt. Luôn luôn đi kèm theo đó là dạy cho học sinh tư duy để chứng minh dựa trên các cơ sở chứ không phải nói khơi khơi.
Còn phải thêm một điều nữa, chúng ta không chỉ dạy lịch sử dân tộc đâu, còn dạy cả lịch sử thế giới. Chúng ta mở cửa ra thì mới học khôn được thiên hạ. Cho nên lịch sử còn là một cái kênh để chúng ta mở rộng sự hiểu biết. Nếu chỉ nhấn mạnh lịch sử là giáo dục chủ nghĩa yêu nước thì chưa đủ với chức năng của môn Lịch sử đâu. Một trong những đổi mới chương trình, chưa có dịp nói ra, là lần này dạy lịch sử Việt Nam không tách rời lịch sử thế giới như trước đây nữa, luôn luôn đặt song hành với nhau để xem cùng lát cắt thời gian mình làm được gì, thế giới làm được gì. Đây là cách rất mới trong chương trình giảng dạy Lịch sử hiện nay.
PV: Đánh giá về bộ sách giáo khoa dạy môn Lịch sử, một số phụ huynh cho rằng nó quá khô khan, nhàm chán với lượng kiến thức đồ sộ. Liệu chúng ta có cần thay đổi, giảm bớt lượng kiến thức đưa vào sách giáo khoa Lịch sử hay không?
Giáo sư Vũ Minh Giang: Hiện nay tôi đang là Chủ biên các bộ sách giáo khoa lịch sử xuyên suốt từ cấp Tiểu học đến THPT của Nhà xuất bản Giáo dục. Quan điểm chỉ đạo khi tôi làm Tổng chủ biên là biên soạn làm sao để người học thích môn Sử, chứ không phải là quan điểm phải đưa cái này, đưa cái kia vào sách đâu. Tất nhiên, việc biên soạn sách có chương trình, có yêu cầu pháp quy, nhưng tư tưởng chỉ đạo là dù theo quy chuẩn nhưng vẫn phải khiến người học thích thú. Đó là điều đầu tiên, nhằm khắc phục những cái hạn chế của sách giáo khoa trước đây - theo chương hồi, tương đối cứng, tương đối khô, thậm chí hơi áp đặt.
Đấy là chưa kể tới còn phải giảm tải kiến thức cụ thể. Phải bớt đi những con số khiến học sinh phải nhớ một cách cụ thể. Tôi rất chia sẻ với ý kiến của nhiều người, rằng bây giờ chỉ cần một cú click chuột tìm kiếm là biết hết. Trong cặp của tôi có một số USB chứa toàn bộ các bộ Sử ký từ xưa. Tôi không cần phải nhớ trong đầu nữa mà có thể tra ra những nội dung cần tìm. Công nghệ thông tin đã giúp chúng ta giảm tải bộ nhớ sinh học của mình để làm những việc sáng tạo hơn.
Tôi nghĩ rằng chương trình giảng dạy Lịch sử phải hướng tới cái đó, tức là làm sao để khuyến khích học sinh tìm hiểu. Và muốn như vậy phải trang bị cho các em những cách thức để xử lý thông tin, phương pháp luận để giải quyết. Một trong những hướng mà chúng ta đang làm là đi theo cách này.
Nhà giáo Thái Hạo: Tôi thấy có nhiều người than phiền môn Lịch sử của ta nó có lượng kiến thức đồ sộ. Nhưng như tôi tìm hiểu quan sát, ví dụ một học sinh lớp 10 ở Mỹ để làm một bài tập về nhà - làm trong một thời gian dài khoảng nửa tháng hoặc một tháng - thì các em phải tra cứu một lượng tài liệu rất lớn. Có nghĩa lượng tài liệu ấy vượt xa, gấp nhiều lần một cuốn sách giáo khoa để giải quyết bài tập ấy. Thật ra, kiến thức hay tư liệu học sinh Việt Nam phải học suốt cả một năm chỉ có một cuốn sách giáo khoa vài trăm trang, cái đó không phải là lớn.
Nhà giáo Thái Hạo |
Vì vậy, cần phải giải quyết bài toán này. Bây giờ tư liệu rất nhiều, internet phát triển, sách vở xuất bản rất thoải mái, cho nên nguồn tư liệu rất lớn thì học sinh không cần phải nhớ nữa.
Chứ cứ than phiền chương trình chúng ta quá nặng, tôi cho rằng chương trình không nặng mà nặng ở cách chúng ta triển khai, cách dạy và đánh giá.
Một học sinh lớp 12 học một cuốn sách Sử suốt cả một năm trời, thực ra chúng ta đang hạn chế sự đọc, tiếp xúc của học sinh bằng chính phương pháp dạy học mà chúng ta đã thực hiện.
Học sinh cần phải đọc nhiều hơn, tiếp xúc nhiều nguồn tư liệu thậm chí lớn hơn rất nhiều lần sách giáo khoa. Quan điểm của tôi là như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ số liệu đâu mà nằm ở cách thức.
Giáo sư Vũ Minh Giang: Một trong những yêu cầu đặt ra trong hệ thống sách giáo khoa mới là có gợi ý học sinh đọc những cuốn sách khác. Ở đây chúng ta không nói rằng học sinh không phải nhớ kiến thức, nhưng nhớ kiến thức nào thôi. Trước đây cái gì học sinh cái gì cũng phải nhớ, và đưa những kiến thức cụ thể quá nhiều, thì bây giờ người thầy có trách nhiệm chọn lựa những kiến thức nào buộc phải nhớ nhưng không đi vào chi tiết và nếu học sinh muốn tìm thì có nhiều cách để tra cứu.
Đó là một trong những cái đổi mới của sách giáo khoa hiện nay - chỉ ra những sách nào có thể đọc thêm để mở rộng hiểu biết và cách nào để tìm hiểu kiến thức cụ thể nếu học sinh có nhu cầu. Đây là phương pháp dạy mới hiện nay mà chúng tôi muốn truyền tải tới học sinh.
PV: Thế còn vấn đề thi cử thì sao? Cách thi Sử hiện nay có gì hạn chế và cần khắc phục không?
Giáo sư Vũ Minh Giang: Thi là một vấn đề lớn khác. Người ta thường nói thi gì thì học nấy. Đã có một thời gian chúng ta không thi môn Sử là học sinh không học luôn, vì các em thấy thi thì mới phải học, còn không thi có bắt buộc các em cũng không học.
Thế thì tổ chức thi thế nào, có bắt buộc hay không là câu chuyện có tính chất quản lý. Nhưng tôi nghĩ, đôi khi có những nhận thức chưa thật đúng, chẳng hạn thi trắc nghiệm mới là hiện đại, không phải vậy! Thi trắc nghiệm mà hỏi kiến thức cụ thể để học sinh chọn phương án A B C D, cũng không phải là đúng đâu. Do đó, cách thi môn Sử làm sao để học sinh có thể phát triển tư duy, trả lời đúng được và quan trọng mình chọn được học sinh có khả năng hiểu biết sâu sắc và có tư duy tốt.
Cách thi của thế giới hiện nay không phải thi riêng môn Sử đâu. Họ đưa Sử vào các kiến thức khác để đánh giá, xem năng lực phân tích, tư duy, tổng hợp của học sinh như thế nào. Đôi khi yêu cầu kiến thức Lịch sử rất căn bản, tối thiểu thôi, nhưng với kiến thức nền tảng ấy xem học sinh có thể chắp nối lại và đưa ra câu trả lời đúng không.
Cách thức thi thế nào cho đúng đắn, khoa học đang là vấn đề chúng tôi nghiên cứu. Tôi biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng đang muốn có những tham mưu, tư vấn để chúng ta có thể ra câu hỏi phù hợp với mục tiêu đổi mới.
PV: Theo hiểu biết của nhà giáo Thái Hạo thì học sinh trên thế giới thi Sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung có phải học thuộc lòng nhiều không?
Nhà giáo Thái Hạo: Chắc chắn phải có học thuộc lòng, tuy nhiên không phải học thuộc lòng như ở ta, bởi vì không nhớ được sự kiện, diễn biến các mốc thời gian thì không thể có dữ liệu để tư duy được.
Tôi thấy rằng không chỉ môn Lịch sử ở ta mà các môn khác nó cũng rất xa rời với cuộc sống. Nó không giải quyết các vấn đề của hiện tại, nhận thức bản thân người học hay thậm chí người dạy, mà nó kiểm tra trí nhớ - khiến cho các môn học trở nên nhàm chán, học sinh sợ học. Vậy thì việc nhớ và khả năng tổng hợp cũng như xử lý phải hòa quyện, gắn bó với nhau một cách hữu cơ.
Ví dụ ở nước ngoài, người ta thi được phép mở tài liệu, thậm chí sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop để làm bài, bởi vì người ta không quá chú trọng đến việc nhớ mà đòi hỏi việc tư duy xử lý vấn đề. Nếu chúng ta làm như vậy thì sao? Học sinh được phép mang tài liệu và sử dụng trong bài thi, đến khi đưa ra quan điểm của mình trên nền những tư liệu đó không giống với sách giáo khoa thì giám khảo xử lý như thế nào với bài làm ấy?
Ở nước ngoài người ta sẽ cho điểm cao cho dù quan điểm của học sinh có như thế nào miễn cơ sở dữ liệu của học sinh chính xác. Quan điểm của học sinh được chấp nhận khi tư duy hợp lý, logic, chặt chẽ không mắc lỗi.
Chúng ta có thể đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, trong kì thi chúng ta cho học sinh mang tài liệu, máy tính bảng, điện thoại vào tra cứu tài liệu. Nhưng đến khi các em đưa ra quan điểm của mình dựa trên sử liệu đấy mà không được chấp nhận, nó sẽ làm thất bại tất cả quá trình trước đó.
Quan điểm của tôi vẫn là kiểm tra đánh giá sẽ quyết định toàn bộ chuỗi hoạt động giáo dục phía trước.
PV: Có một thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ thuộc sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn cả sử Việt Nam do các bạn xem nhiều phim ảnh nước ngoài. Việt Nam cũng có phim về đề tài lịch sử nhưng chưa thu hút được giới trẻ. Thưa tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, theo ông bên cạnh việc giảng dạy của nhà trường thì phim ảnh cũng là yếu tố cần đẩy mạnh để người trẻ biết đến lịch sử nhiều hơn?
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thật đúng là như vậy. Tôi nghĩ không chỉ phim ảnh mà rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như lễ hội. Nếu chúng ta kết hợp lễ hội với các hoạt động truyền thông thì rất tốt.
Hay chúng ta có một cách làm sáng tạo như bên cạnh các biển tên đường phố, như đường Trần Hưng Đạo, chúng ta gắn thêm một bảng thông tin về vị danh nhân này.
Phim ảnh là một nguồn rất quan trọng bởi vì nó kết hợp sự hiểu biết và giải trí. Nhưng để đẩy mạnh tuyên truyền - đây là một chủ trương lớn - thì không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn phải kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Truyền hình, phải có định hướng ở tầm Chính phủ để có thể đầu tư làm các bộ phim nói về lịch sử của mình. Những bộ phim đó phải bảo đảm mức độ trung thực, có những yếu tố hấp dẫn mà không được làm méo mó lịch sử, đó là một thách thức.
Quả thực trong những trường hợp như thế này thì ngành phim ảnh của Trung Quốc, Hàn Quốc người ta khá thành công ở trong việc đưa lịch sử vào trong nghệ thuật để tuyên truyền và kinh doanh.
Thử nghiệm chương trình theo chuẩn quốc tế
Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết ông đang thiết kế một chương trình dạy Lịch sử mới không phụ thuộc vào các chương trình đang có, bằng cách mua toàn bộ chương trình của nước ngoài về để áp dụng thử nghiệm tại một trường học ở Việt Nam. Chương trình hoàn toàn thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế, riêng môn Tiếng Việt và Lịch sử do người Việt Nam biên soạn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý chương trình thí điểm này.
Lời kết: Ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì buổi làm việc, tham vấn các chuyên gia về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Lịch sử bậc THPT. Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng trên cơ sở tham vấn của các chuyên gia, Bộ sẽ cân nhắc trong thời gian tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Chúng ta cùng hy vọng rằng các nhà giáo dục sẽ tìm được vị trí đúng đắn nhất cho môn Lịch sử trong chương trình đào tạo để môn học này không phải là gánh nặng với học sinh mà là môn được yêu thích.
Video giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ về cách dạy môn Lịch sử theo phương pháp mới |
Video giáo sư Vũ Minh Giang nói về đổi mới sách giáo khoa |
Chỉ đạo thực hiện: Lê Thọ Bình
Phóng viên: Đăng Khoa - Lê Mai - Văn Lâm - Thanh Hiếu