Theo tôi, môn Văn, cũng như các môn học khác, không có gì ghê gớm và to tát đến mức phải gán cho nó quá nhiều những tính từ hệ trọng như cách chúng ta đã và đang quan niệm. Không có môn nào chính, môn nào phụ, và cũng không có thang bậc tôn ti gì ở đây cả, tất cả đều bình đẳng – đó nên là một tinh thần và nhận thức cần được quen dần và thực hành trong hành xử của giáo dục và xã hội?
Nếu bạn nghĩ rằng tôi có ác cảm với môn Văn vì dốt văn thì xin được mở ngoặc, tôi học văn, dạy văn; tôi làm thơ, viết truyện, viết phê bình văn học và đã đăng những món ấy trên nhiều tạp chí văn học nghệ như một thú chơi của mình. Và hiện tại tôi vẫn đang làm như thế. Nhưng đó là câu chuyện cá nhân của tôi, tôi không thể bắt người khác cũng yêu thích văn chương như mình.
Tôi chưa bao giờ hình dung nổi việc em trai tôi sẽ ngồi say sưa với một cuốn tiểu thuyết đến quên ăn; tôi cũng không thể tưởng tượng được khoảng 10% những người tôi biết mà say mê văn chương, và sống với văn chương.
Cả một thời gian có lẽ là quá dài chúng ta đã sống trong truyền thống “trọng văn” của Á Đông, nhất là khi chế độ khoa cử chính quy từ thế kỷ X kéo dài đến ít nhất là hết thế kỷ XIX đã dùng văn chương để tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước. Văn chương ngâm ngợi, thù tạc, rồi trở thành phương tiện mưu cầu công danh cho mỗi cuộc đời xuất thế cứu đời; cứ thế, văn được gán vào mình cả những thứ hết sức nặng nhọc. Nào là kỹ sư tâm hồn, nào là cứu rỗi, nào là nâng đỡ, là cứu cánh, là thiêng liêng, là cao cả, thậm chí đồng nhất “văn là người”! Cho đến nay, khi khoa học đã đưa nhân loại đi rất xa thì chúng ta cần dứt khoát từ bỏ cách quan niệm về văn chương nặng tính ve vuốt ấy.
Dạy văn và học văn có lẽ đã đến lúc cần trở về với đúng cái vị trí và nhiệm vụ của nó: dạy cách sử dụng tiếng mẹ đẻ. Học văn là để nói và viết tiếng Việt một cách chính xác, thành thạo và hiệu quả, tức là đúng và hay.
Xin chớ coi thường cái mục đích nghe có vẻ “tầm thường” này, vì đó chính là bản chất của giáo dục khai phóng. Hãy nghe Fareed Zakaria phát biểu: “Khi bạn nghe ai đó tán dương về lợi ích của một nền giáo dục khai phóng, có lẽ bạn sẽ nghe người ấy nói rằng “nó dạy cho bạn cách suy nghĩ”. Tôi chắc chắn điều đó đúng nhưng đối với tôi nó chính xác là giáo dục khai phóng dạy bạn cách viết như thế nào và viết làm cho bạn suy nghĩ” [1].
Khi bạn có những ý tưởng trong đầu, nếu bạn không viết (hoặc nói) nó ra thì những ý tưởng ấy cùng lắm cũng chỉ như một đám sương mù mờ đục. Viết/nói không phải chỉ đơn thuần là trình diễn cái suy nghĩ có sẵn của mình ra, mà đó chính xác là cách rèn luyện tư duy. Chính năng lực ngôn ngữ đã mang đến tư duy, óc luận lý và sự sâu sắc của tinh thần. Học viết/nói chính là con đường đưa chúng ta tới ánh sáng của trí tuệ.
Tất nhiên, không phải là viết tiểu thuyết hay làm thơ, không có trường đại học nào của Mỹ và thế giới tuyển sinh bằng cách ấy cả; họ yêu cầu bạn viết bài luận. Có nghĩa là đánh giá năng lực ngôn ngữ phổ quát, chứ không phải đặc thù.
Chúng ta cần phải học rất nhiều thứ, trong khi quỹ thời gian của mỗi người thì có hạn. Chỉ nên tập trung vào trọng tâm nhiệm vụ của môn học, là học tiếng nói chứ không phải văn-chương-nghệ-thuật cao siêu vi diệu kia. Nếu có học văn nghệ thuật thì cũng cần phải lấy mục đích phát triển ngôn ngữ cá nhân làm chỗ quy hướng chính yếu. Không thể tiếp tục dạy văn với tham vọng như là đào tạo các nhà phê bình hay các nhà văn được nữa. Điều ấy quá sức với đa số, và cũng vô ích với đa số.
Một người học văn ra trường, để thành công và đi xa, anh ta cũng phải học được cả rất nhiều tri thức và kỹ năng khác nữa mà ở đó tối quan trọng là triết học và ngoại ngữ – một bên giúp dịnh hướng nhân sinh quan và bên kia là công cụ trực tiếp để không bị bỏ lại phía sau.
Hậu quả của lối học văn chương hàn lâm đổ đồng thì thấy rõ rồi, vì cái tham vọng phần nhiều phi lý kia mà rốt cuộc chúng ta vừa không có được cả những nhà phê bình lẫn những người Việt sõi tiếng Việt!
“Bình thường mới”, giáo dục cần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Thả lỏng, bình đẳng, thực tế và giản dị. Không nên tiếp tục với những sự lên gân, gồng mình nữa; môn Văn cũng thế, “bình thường*” lại thôi!
_____________________________
[1] Fareed Zakaria, Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng, Châu Văn Thuận dịch, Nxb Dân trí 2021
* “Bình thường” chứ không phải “tầm thường”.