Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các (bút danh Phác Can) sinh ngày 21/6/1934 tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thân phụ ông là thầy đồ dạy chữ Hán, là hương sư dạy chữ quốc ngữ, đồng thời là lương y bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Tuổi thơ ông được gia đình tạo điều kiện cho vào thành phố Huế để học, tốt nghiệp Tiểu học và được nhận bằng Sơ học yếu lược. Sau đó ông về quê nhà học ở Trường Trung học Phan Đình Phùng tại thị trấn Đức Thọ và được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cứu quốc. Tốt nghiệp cấp 3, ông trở về quê tham gia công tác đoàn thể, tích cực tham gia công tác Bình dân học vụ, đem cái chữ đến cho người dân. Với tinh thần làm việc hăng say, ông được bạn bè tin tưởng bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn Lạc Đình, xã Đức Lạc, Huyện Đức Thọ.
Do có thành tích học tập và công tác tốt, ông được Đảng và Nhà nước cho đi tu học ở Khoa Sư phạm Trung văn tại khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm, ông được cử về dạy Trung văn tại Đại học Nông Lâm. Tài năng dạy học của ông đong đầy chữ nghĩa cho bao lớp kỹ sư Nông nghiệp thời đó.
Với năng khiếu sư phạm nổi trội, thầy Phan Văn Các được mời về giảng dạy tại khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, ngôi trường gắn bó lâu nhất với thầy trong thời gian dạy học. Sau đó thầy tiếp tục được đi tiến tu tại trường Đại học Nam Kinh để nâng cao kiến thức.
Với tố chất thông minh, lại được đào tạo bài bản nên thầy đã sớm trở thành nhà giáo được nhiều thế hệ học sinh của khoa Tiếng Trung nói riêng và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nói chung biết đến và nể phục về tấm lòng nhân hậu, sự bao dung và vốn tri thức uyên bác…
Tôi may mắn được biết đến thầy trong những năm thầy dạy ở Khoa Tiếng Trung, Đại học sư phạm Ngoại ngữ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy đó là sự gần gũi mẫu mực và trí nhớ tuyệt vời, về nhà giáo tài hoa… Một người bạn của tôi, từng là học sinh của thầy kể rằng “Thầy Các là người luôn gần gũi yêu thương và rất quan tâm đến đời sống của sinh viên. Mặc dù luôn bận bịu với nhiều công việc, thầy vẫn lắng nghe, luôn theo dõi từng cảnh ngộ của sinh viên để động viên, sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở và cả những buồn vui nữa. Thầy thương những sinh viên xa nhà có hoàn cảnh khó khăn nên luôn tìm mọi cách giúp đỡ…”
Trong suốt thời gian dài hơn 20 năm đứng lớp, thầy đã đóng góp một phần công sức giúp đào tạo nên nhiều nhà giáo có đức, có tài. Sinh viên các thế hệ ai cũng kính trọng thầy ở sự gần gũi, quan tâm tới đời sống sinh viên, kính phục thầy ở sự đam mê nghiên cứu khoa học.
Hơn sáu mươi năm giảng dạy và nghiên cứu, thầy đã đóng góp cho xã hội hàng trăm công trình khảo cứu có giá trị, được giới học giả trong nước và ngoài nước đón nhận. Theo Danh mục công trình nghiên cứu dịch thuật của PGS Phan Văn Các (1934-2020) thầy có đến 100 cuốn sách in chung và in riêng (trong đó sách giáo trình và giáo khoa có 9 cuốn, từ điển và sách công cụ 13 cuốn, sách nghiên cứu và chuyên khảo 35 cuốn, sách dịch văn học và văn hóa Trung quốc 23 cuốn, sách dịch văn hóa chữ Hán, chữ Nôm Việt Nam là 14 cuốn).
Tiêu biểu về giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học như: Sách học tiếng Trung Quốc, Giáo trình Hán Nôm cao đẳng sư phạm, Ngữ văn Hán Nôm. Về sách công cụ tra cứu, có Từ điển Trung Việt, Từ thường dùng trong Hán ngữ cổ, Từ điển Hán Việt, Sổ tay từ Hán Việt. Về dịch tiếng Trung Quốc, có Thơ Quách Mạt Nhược, Lịch sử văn hóa Trung Quốc. Về dịch Hán Nôm, có Thơ văn Nguyễn Cao, Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật ký. Về sách chuyên khảo, có Đạo đức Hồ Chí Minh; Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 11; Tổng tập Văn khắc Việt Nam, tập 1, v.v. Các công trình khoa học của thầy được các học giả trong nước và ngoài nước đánh giá cao, được đồng nghiệp và bao lớp học trò tiếp thu, sử dụng.
Năm 1984, thầy được cử về làm công tác nghiên cứu tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Viện Mác - Lênin (Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Do có nhiều đóng góp cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, thầy được Hội đồng chức danh Nhà nước phong Học hàm Giáo sư I (nay là Phó Giáo sư). Tại đây, thầy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1990, thầy được điều động về đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Mười năm công tác tại Viện, thầy đã lãnh đạo Viện làm việc có hiệu quả: Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chỉ đạo và tham gia đào tạo 17 thạc sĩ Hán Nôm, 13 phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) Hán Nôm; tổ chức nghiên cứu khai thác có hiệu quả, cho in ấn giới thiệu nhiều ấn phẩm quan trọng: Thơ đi sứ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các đời, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, v.v.
Do tố chất thông minh lanh lợi, lại siêng năng cần mẫn, nên khi ra trường công tác, dù ở cương vị nào thầy cũng đạt được kết quả tốt, được anh em bè bạn kính nể, tôn vinh.
Giờ đây thầy đã đi xa, nhưng tấm lòng nhân hậu cùng với những công trình nghiên cứu khoa học của thầy đã để lại cho đời sự biết ơn và ngưỡng mộ. Thầy thực sự là một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cũng như lòng nhiệt tình nghiên cứu khoa học cho các thế hệ sinh viên noi theo, học tập. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, nhớ tới thầy tôi xin viết đôi lời như một sự cảm tạ, một nén hương thắp cho thầy được thanh thản an nghỉ nơi chín suối.