Xóa bỏ văn mẫu, dễ chứ không khó

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dẹp nạn văn mẫu không phải là việc khó, cái khó là tạo dựng được giá trị gì sau đó. Đây là một vấn đề phức tạp. Sau bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ còn trở lại chủ đề này ở các khía cạnh quan trọng khác.

LTSCó dẹp bỏ "văn mẫu" hay không và nếu dẹp thì thay thế bằng gì là một chủ đề đang được bàn thảo sôi nổi từ các nhà giáo và giới chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. VietTimes xin tiếp tục đăng tải quan điểm của nhà giáo Minh Tuấn về vấn đề này.

Một nửa tháng nay, sau lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn về “chấm dứt” nạn văn mẫu, dư luận rộ lên nhiều luồng ý kiến, nhưng trong đó chủ đạo vẫn là ủng hộ, song song với nó là sự nhiệt tình “hiến kế” của đông đảo giáo viên, giảng viên và các nhà khoa học xung quanh ý chí quyết dẹp cho bằng được "tệ lậu" này vốn đã tồn tại trong giáo dục nhà trường suốt mấy thập kỷ qua.

Là người trực tiếp giảng dạy và cũng chú tâm quan sát phản ứng của cộng đồng, chúng tôi nhìn nhận rằng thực ra “văn mẫu” không khó dẹp như ta nghĩ. Đúng như nhiều nhà văn, nhà giáo và cả không ít các giáo sư đã nói sau khi dẫn một đề thi đại học của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc: "Cứ ra đề thi thế này thì hết ra đề mẫu, luyện thi mẫu, bài văn mẫu."

Cái đề ấy như sau: Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).

"Mỗi vật đều có một tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."

Chúng ta thử nghĩ xem, việc dạy mẫu, học mẫu, soạn sách mẫu có còn đất sống không với một cái đề như vậy? Nhưng chúng ta chớ quên, mục đích của dạy văn - học văn không phải là để tiêu diệt văn mẫu! Với một cái đề như trên thì đúng là văn mẫu sẽ chết, nhưng điều gì đang chờ đợi sau đó mới là quan trọng.

Việc tôn trọng góc nhìn cá nhân là tất yếu phải được thực hiện, tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì bình luận có thể trở thành… bình loạn. Nghĩa là nó không đứng trên một nền tảng phổ quát nào, cũng không tuân theo một hệ giá trị căn bản nào. Và như thế, thay vì tạo dựng chân móng tri thức và năng lực tư duy cho nhân cách và tâm hồn con người thì một lối dạy học cực đoạn khác sẽ khởi sinh những tệ lậu mới: sự trí trá thay cho trí tuệ, sự vặt vãnh thay cho thức tỉnh, sự hỗn loạn thay cho tính đa dạng…

Chúng ta đọc những đề thi “tú tài” của các cường quốc Âu - Mỹ sẽ thấy, nó không những không thể “tủ bài” mà quan trọng hơn là bao giờ cũng bám vào các giá trị căn bản và lớn lao của nhân loại dựa trên những tác phẩm kinh điển hoặc mới mẻ nhưng có “sức ảnh hưởng” tiêu biểu trong văn giới. Lối ra đề như kiểu Giang Tô trên kia, tuy rất tuyệt vời trong việc chống nạn văn mẫu nhưng luôn luôn có nguy cơ sa vào tình trạng “triết lý vặt”.

"Triết lý vặt" là thứ dễ đưa chúng ta đến tự mâu thuẫn, ngụy biện mà không biết mình đang nguỵ biện, lại thường gây cảm giác giáo điều, làm mệt mỏi người nghe, người đọc, người có liên quan; nó cũng dễ ru ngủ con người trong sự an phận hoặc lối sống ích kỷ. "Triết lý vặt" nếu không là một quan niệm lệch lạc thì cũng thường lạc điệu với các giá trị phổ quát của xã hội văn minh và nhân loại tiến bộ.

Một ví dụ về “triết lý vặt”: “Ta cứ hay chê rằng cuộc đời méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”. Hai câu thơ này chứa đựng những ngụy biện tai hại như: đánh đồng việc "nêu ra sự thật" (méo mó) với việc “chê”; nhập nhèm giữa việc tự hoàn thiện bản thân (tròn tự trong tâm) với phê phán cái méo mó còn hiện hữu đây đó ngoài xã hội – hai phương diện này không hề mâu thuẫn để mà buộc phải chọn lấy một! Thêm nữa, tinh thần chung của hai câu thơ này sẽ triệt tiêu ý thức tranh đấu, trách nhiệm công dân và đạo đức công lợi của con người xã hội. Nó có nguy cơ làm con người sa vào lối sống hẹp hòi ích kỷ, bưng tai bịt mắt trước những sai trái và xấu ác có thể xảy ra trong xã hội; và nhất là luôn làm người ta yên tâm khi hành xử như thế, bởi vì nó “có vẻ” rất hay ho. Hai câu thơ trên cũng như những câu hoặc những nhận định tương tự cùng tính chất đã ngự trị trong các đề thi ngữ văn ở nhà trường nước ta suốt hàng chục năm qua và gây ra không ít sai lầm đối với nhận thức của cả người dạy lẫn người học. Tất nhiên vấn đề còn nằm ở đáp án nữa, nhưng khi xem các đáp án ấy thì bao giờ chúng ta cũng bắt gặp một sự “đồng tình” của tác giả đề thi với nội dung của những “triết lý” dạng này.

Đúng vậy, cách xây dựng đề thi và đáp án sẽ quyết định việc dạy và học; tuy nhiên không thể dừng lại ở đó và coi là đã thành công! Nếu một nền giáo dục không đắp vững những chân móng về tư tưởng, về tâm lý học, về đường lối tư duy đúng đắn thì đó là một nền giáo dục thất bại.

Tự do chưa bao giờ đồng nghĩa với buông thả, càng chưa bao giờ là rời xa sự tiến bộ. Một chương trình tốt, dứt khoát phải đặt mục tiêu lâu dài cho những tiêu chí sau cùng này để tiệm cận với trình độ nhận thức và biểu hiện văn minh của thế giới.

Một cái cây muốn cao lớn vững chãi thì phải cắm sâu vào lòng đất mỡ màu. Cảnh giác trước thói buông tuồng và sự tùy tiện mà trí năng con người luôn có xu hướng sa vào khi thiếu một chương trình có định hướng, cái định hướng nhắm vào nguồn mạch chung của trí tuệ loài người chứ không phải một mình một lối mà không chịu phê bình hay tự phê bình nghiêm khắc, là điều chưa bao giờ thừa cả. Nếu không hòa được vào dòng chảy chung của nhân loại bởi sự chia sẻ các giá trị phổ quát thì mọi thứ kỹ năng chỉ còn là sự “khéo tay”. Đây mới chính là cái khó nhất mà môn Văn cũng như cả một nền giáo dục phải đạt tới chứ không phải chỉ là câu chuyện làm sao để đánh bại văn mẫu.