Mua bán sáng kiến kinh nghiệm và nhiều thứ khác trong giáo dục - ảnh Google |
Năm 2011 sau khi tốt nghiệp Cao học và lang thang khắp miền đông Nam bộ để nộp đơn nhưng chỉ có sự im lặng dội lại, tôi xin vào làm cho một công ty quảng cáo ở Bình Phước. Gọi là “công ty quảng cáo” nhưng thực chất chủ yếu là in và photocopy. Đó là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy những cái “sáng kiến kinh nghiệm” (SKKN).
Rất ngạc nhiên, lần ấy, khi một giáo viên phổ thông mang file SKKN bỏ trong một chiếc usb ra tiệm nhờ in và đóng bìa, tôi liền nói với vị ấy rằng cái tên này không đúng đâu, anh sửa lại đi. Phải là “sáng kiến - kinh nghiệm” hoặc “sáng kiến và kinh nghiệm” hoặc “sáng kiến” nếu nội dung là mới như kiểu “phát minh”, hoặc là “kinh nghiệm” nếu anh chia sẻ những đúc rút của mình trong quá trình dạy học… Anh giáo này còn tỏ ra ngạc nhiên hơn cả tôi, nói “không, đây là mẫu và quy định chung, “sáng kiến kinh nghiệm” đã làm bao nhiêu năm nay rồi, không có sai đâu, cứ in và đóng bìa đi”.
SKKN được in và photo ra nhiều bản, ít nhất là 4 bản, gồm: tác giả giữ, nộp cho tổ bộ môn, nộp cho trường và gửi đi “dự thi” ở Phòng/Sở. Mỗi một SKKN như vậy dài chừng vài chục đến dăm chục trang, in và đóng bìa tươm tất. Chi phí cho mỗi lần in ấn ấy hết khoảng vài trăm ngàn.
Có nhiều giáo viên, vì đầu tư công phu để mong SKKN của mình được công nhận (mà họ hay gọi là “được giải”) nên thiết kế rất kỳ công, như là các sách giáo khoa của học sinh tiểu học: chữ in nhiều màu, hình ảnh minh họa phong phú.
Tất nhiên là những loại SKKN này thì không thể photocopy mà phải in màu hết, số tiền có thể lên đến cả triệu đồng cho một lần in. Đó là trường hợp “thuận buồn xuôi gió”, chứ nếu rủi mà sau khi đã in ấn xong lại phát hiện thấy một vài lỗi sai nào đó thì khốn khổ không nói hết.
Sau khi nộp lên thì các SKKN này được chấm bởi một hội đồng. Mỗi trường có cả trăm giáo viên, ai chấm? Chẳng ai chấm cả, ngó sơ sơ, coi ai in đẹp, “đầu tư nhghiêm túc”, SKKN nhiều màu sắc sặc sỡ, font chữ đa dạng v.v... thì xếp loại cao và tiếp tục gửi lên cấp trên. Mỗi phòng giáo dục có cả ngàn giáo viên, sở thì có đến cả vạn, ai chấm, chấm thế nào. Không biết.
Rồi kết quả chấm SKKN sau những ngày chờ đợi cũng được gửi về trường, giáo viên nào được cấp trên công nhận thì rất an tâm và tự hào vì đó là căn cứ quan trọng để xếp thi đua. Đây cũng là lý do mà người ta thấy vô vàn những cái SKKN được xào đi nấu lại, copy loạn xạ từ năm này qua năm khác, thậm chí còn phát sinh cả nạn “chạy” SKKN để được công nhận!
Năm 2012 tôi bắt đầu đi dạy. Từ chỗ in và photo cho người khác, tôi bắt đầu phải làm cái việc ấy cho chính mình. Mỗi năm trường có hàng trăm SKKN như thế, rầm rộ làm, rầm rộ copy, tất tả chạy in và đóng bìa, cứ như một cuộc ra quân hay tổng động viên. Rồi chúng về đâu? Không biết. Cứ sau mỗi năm thì không biết những cái SKKN đó đã về đâu, dùng vào việc gì; chi biết rằng “một năm như mọi năm”, “đến hẹn lại lên”, cứ thế mà nhắm mắt chạy theo, đến hụt hơi.
Cũng xin thú thực, trong 10 năm đi dạy, ngoài năm đầu tiên, còn lại tôi chưa bao giờ tự mình làm SKKN. Vì nó là bắt buộc, nên khi đồng nghiệp đi in thì tôi nhờ “thay tên”, bỏ bớt đi vài phần, hay xáo vài đoạn, rồi in giùm cho mấy bản, miễn sao “đừng đẹp hơn của bạn” là được!
Vì tôi biết không ai đọc chúng cả, và tôi cũng không có lý do để bỏ công sức ra mà làm chúng. Đó là chưa nói, cái bạn đồng nghiệp đã in giúp tôi cũng xào xáo đâu đó trên mạng mà thôi!
Tiền bạc công sức bỏ ra cho những thứ hoàn toàn vô bổ ấy nếu gom lại trên cả nước mỗi năm thì phải khiến ta kinh hãi. Tính thử: với 1 triệu giáo viên, mỗi người bỏ ra 200 nghìn để in SKKN thì số tiền sẽ là 200 tỉ đồng/năm. SKKN đã được quy định và áp dụng 20 năm nay, theo đó mà nhân lên thì đã có 4000 tỉ đồng (bốn nghìn tỉ) đã tan vào hư vô. Mà đó mới chỉ là tính trong giáo dục thôi, và tính với chi phí “bèo” nhất, còn nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác thuộc hệ thống công vẫn chưa hề nhắc tới!
Nhưng đó là những thiệt hại có thể đo đếm được, chứ chuyện dối trá, đối phó, trộm cắp (đạo), cho đến chạy chọt thì không có công cụ nào có thể giúp tính ra nổi. Nó chính là những thứ đã góp phần hủy hoại môi trường giáo dục một cách tàn khốc nhất vì nuôi dưỡng căn bệnh thành tích, hình thức và giả dối một cách trắng trợn; từ đó dẫn đến hủy hoại trí tuệ và nhân cách người thầy.
Oái oăm thay, đã 20 năm, ai cũng nhìn thấy và ngán ngẩm đến tận óc, nhưng nó vẫn lù lù tồn tại, trơ gan cùng tuế nguyệt!
Cách đây hai năm đã có quy định “bỏ SKKN”, tuy nhiên tình hình vẫn không thay đổi, vì Luật Thi đua Khen thưởng vẫn yêu cầu phải có SKKN thì mới được xét “Chiến sĩ Thi đua" các cấp. Như vậy là “bỏ mà không bỏ”, giáo viên vẫn phải bò ra mà làm!
Đáng chú ý là, sau khi “luận án tiến sĩ cầu lông” gây xôn xao dư luận thì chúng ta nhìn lại, thấy những cái đề tài loại ấy và đề tài SKKN rất giống nhau, từ hướng tiếp cận, phạm vi đề tài, tính chất, và có thể là về cả chất lượng nữa.
Thử nhìn qua: đề tài tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu long cho công chức viên chức thành phố Sơn La” và đề tài SKKN “Phương pháp huấn luyện môn cầu lông cho học sinh ở trường trung học cơ sở” (search google sẽ ra hàng loạt). Cũng đầy đủ cấu trúc nội dung từ “lý do chọn đề tài, đối tượng nghiên cứu, cơ sở lý luận”, v.v...
Không khác gì nhau. Cái khác rõ ràng nhất, đúng thế, là số trang! Nói thêm, xét về cách đặt tên đề tài thì cái SKKN này chuẩn hơn, tên đề tài tiến sĩ kia là không ổn, nếu không nói là sai!
Khi mà không thể/khó lòng phân biệt một “sáng kiến kinh nghiệm” và một đề tài tiến sĩ (ngoài số trang) thì có lẽ không lời bình luận nào có thể lột tả hết được sự xuống cấp và suy vi của nền giáo dục nhà mà chúng đang phơi trần ra.
Mà, xin nhắc lại, những cái SKKN ấy là vô bổ, chỉ tốn tiền và đối phó, không hề mang lại lợi ích thiết thực nào. Cứ từ đó mà suy thì ta có thể biết được phần nào về những “luận án” và các vị “tiến sĩ” đã thực hiện những luận án ấy.