Trong một động thái mà hải quân Mỹ xem là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”, một chiến hạm của Trung Quốc hôm 30/09 đã tiến sát khu trục hạm Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chưa tới 41 mét, khi chiến hạm này đi gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Hành động nguy hiểm của chiến hạm Trung Quốc khiến tàu USS Decatour buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm.
Nhà phân tích Timothy Heath, thuộc Viện tư vấn quốc phòng RAND Corporation của Mỹ ghi nhận, chưa bao giờ một chiến hạm Trung Quốc áp sát một chiến hạm Mỹ ở cự ly gần như vậy. Theo nhà phân tích này, sự cố nói trên có thể phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là do Trung Quốc muốn “nắn gân” Mỹ ở Biển Đông.
Sau sự cố ở vùng biển này, Trung Quốc đã phản ứng rất giận dữ, khẳng định rằng các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ đang đe dọa đến cái gọi là "chủ quyền và an ninh" của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại quan hệ quân sự giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Vào năm 2014, quân đội Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh các vụ va chạm trên biển giữa hải quân hai nước. Theo hãng tin AFP, hiện chưa rõ là hành động của chiến hạm Trung Quốc vừa qua là theo lệnh của Bắc Kinh hay chỉ là quyết định của thuyền trưởng, nhưng rõ ràng là có những chủ đích chính trị đằng sau sự cố này.
Theo nhân định của nhà phân tích Timothy Heath, RAND Corporation, với căng thẳng đang gia tăng, Trung Quốc “có vẻ như muốn hù dọa Mỹ bằng một hành động liều lĩnh có thể gây ra va chạm giữa chiến hạm hai nước”. Ở đây có nguy cơ thật sự là tính toán sai lầm sẽ dẫn đến đụng độ.
Thật ra thì trong quá khứ, quan hệ quân sự Mỹ - Trung cũng đã từng trải qua giai đoạn căng thẳng. Vào năm 2001, trên vùng biển ngoài khơi miền nam Trung Quốc, một máy bay do thám của Mỹ, chiếc máy bay trinh sát US EP-3 đã đụng một chiến đấu cơ Trung Quốc. Phi công của chiến đấu cơ Trung Quốc đã thiệt mạng, còn trinh sát cơ của Mỹ đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, đến 11 ngày sau mới được thả ra. Sau vụ này, mọi trao đổi quân sự giữa hai nước, kể cả các chuyến ghé thăm cảng, đều đã bị đình chỉ.
Kịch bản này đang tái diễn với việc Trung Quốc không cấp phép cho một chiến hạm Mỹ ghé thăm cảng Hong Kong, hủy cuộc họp giữa tư lệnh hải quân hai nước, cũng như cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Theo dự báo của chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Mỹ, căng thẳng quân sự hiện nay rất có thể sẽ kéo dài, vì nó theo đúng mục tiêu chính trị của tổng thống Donald Trump, tức là gây áp lực càng mạnh càng tốt lên Trung Quốc. Bà Glaser ghi nhận rằng, hành động của chiến hạm Trung Quốc mới đây đã vi phạm những quy định hiện hành và qua sự cố này, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước trong việc can thiệp vào các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.