Dự thảo thường niên về chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2019 được gọi là Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 đã được Thượng nghị viện Mỹ thông qua và hiện còn chờ Hạ viện đồng ý trước khi được ký để trở thành luật chính thức bởi tổng thống Donald Trump. Dự thảo này thông qua ngân sách 717 tỷ USD cho Bộ quốc phòng Mỹ cho năm tài khóa 2019.
Dự thảo có vài điều khoản đáng chú ý về Biển Đông. Nhà quan sát Biển Đông Greg Poling đã chỉ ra hai điều khoản quan trọng trong những văn bản NDAA được Thượng viện Mỹ thông qua.
Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo phi pháp trong nhiều năm thành đảo nhân tạo.
|
Đầu tiên, NDAA năm 2019 đòi hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ phải minh bạch và công khai hơn về những hoạt động quân sự hóa phi pháp, cũng như khả năng tiềm tàng của việc Trung Quốc sẽ có hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép mới trên Biển Đông.
Điều này song song với những đề xuất đã có từ lâu, được đưa ra bởi những nhà quan sát Biển Đông tại Mỹ - những người coi đây là một phương pháp hiệu quả để nêu bật hành động phi pháp của Trung Quốc khi vẫn tiếp tục có các hoạt động quân sự hóa trên những khu vực đang gây tranh cãi.
Văn bản của dự thảo lưu ý:
...ngay lập tức sau khi có bất cứ hoạt động nào đáng lưu ý về hoạt động cải tạo, bồi đắp hay quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả việc triển khai quân sự đáng lưu ý hay các hoạt động hoặc việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Quốc phòng phải phối hợp với Bộ Ngoại giao để trình trước các ủy ban quốc phòng của nghị viện và đưa ra công khai một bản báo cáo về các hoạt động quân sự và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông với chi tiết của mỗi hoạt động.
Điều kiện cốt yếu của bản báo cáo công khai cũng được chỉ rõ:
Mỗi báo cáo về một hoạt động quân sự hóa và bồi đắp cải tạo dưới một mục nhỏ cần bao gồm một tóm tắt ngắn và một hoặc nhiều ảnh liên quan tới hoạt động cải tạo hay quân sự hóa đáng chú ý đó.
Những điều kiện tất yếu được đưa ra là bước phát triển được hoan nghênh trong giới công chúng quan tâm tới các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cùng những phân tích lâu năm dựa trên các nguồn công khai như ảnh vệ tinh, về hoạt động dần dần quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã mang máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp từ những năm 1970.
|
Đáng chú ý, vào năm 2016 Tòa trọng tài The Hague đã đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện năm 2013 chống lại Trung Quốc về yêu sách của cái gọi là "đường chín đoạn" và hành vi áp bức của Trung Quốc trên Biển Đông - dẫn ra các phân tích dựa trên nguồn mở bao gồm cả những bài báo được xuất bản trên tờ The Diplomat.
Nhà quan sát Biển Đông Greg Poling cũng nêu bật Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 đòi hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ phải đảm bảo rằng Trung Quốc phải "ngừng toàn bộ các hoạt động cải tạo, bồi đắp", "dọn sạch vũ khí" và "thiết lập một lịch trình phù hợp trong 4 năm với các hành động nhằm đảm bảo ổn định trong khu vực" trước khi hải quân Trung Quốc được mời tham gia lại những cuộc tập trận hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương mà Mỹ tổ chức (RIMPAC).
Mỹ đã thẳng tay hủy lời mời hải quân Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 sau một loạt các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả việc đưa máy bay ném bom chiến lược H-6K ra đảo Phú Lâm.
Ngôn ngữ của dự thảo luật đã cho thấy - đặc biệt là yêu cầu cuối cùng về việc ổn định hóa là một chủ định khiến các yêu cầu thiết yếu này biến thành một lệnh cấm Trung Quốc tham gia RIMPAC về mặt dài hạn. Chưa từng có nước nào bị đưa ra luật cấm tham gia RIMPAC - cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới như Trung Quốc.