Bước vào năm 2018, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tăng cường các hành động quân sự ở Biển Đông để ngăn chặn các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Australia, Pháp, Nhật Bản và Mỹ đều đã cử tàu chiến đến vùng biển này để khẳng định Biển Đông, một vùng biển giàu nguồn lợi hải sản và dầu khí, là một tuyến đường hàng hải quốc tế. Nhưng Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố họ có chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với khoảng 90% Biển Đông và Bắc Kinh đã tiến hành quân sự hóa phi pháp tại đây, chẳng hạn triển khai tên lửa chống hạm và phòng không.
Phó giáo sư Alan Chong, Học viện quan hệ quốc tế Rajaratnam Singapore cho rằng: "Nhìn vào cán cân sức mạnh ở góc độ hiện thực thì Biển Đông mãi mãi là một vùng biển tranh chấp". "Người Trung Quốc sẽ đưa ra những tuyên bố giận dữ, cảnh cáo hậu quả làm như vậy, nhưng trên thực tế tàu chiến hải quân nhiều nước tiếp tục triển khai hành động, coi thường cảnh cáo của Bắc Kinh".
Giáo sư danh dự Đại học New South Wales Australia, chuyên gia vấn đề châu Á Carl Thayer cho rằng thời gian hoạt động của tàu chiến các nước trên Biển Đông năm nay xác lập kỷ lục mới. Trong 1 năm qua, hải quân Mỹ đã 8 lần điều tàu chiến đến Biển Đông, vào tháng trước có 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay trên vùng trời Biển Đông.
Hải quân Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tập trận Sama Sama - 2018 từ ngày 9 - 16/7/2018. Ảnh: Philippine Information Agency.
|
Tháng này, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung của họ, huấn luyện cho hải quân của Manila. Tháng 4/2018, 3 tàu chiến hải quân Australia đi qua Biển Đông, tiến hành thăm hữu nghị Việt Nam.
Dự kiến, năm nay, Nhật Bản cũng tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đi qua Biển Đông như năm 2017. Năm 2017, sĩ quan 10 nước ASEAN đã lên tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản.
Tháng 5/2018, 1 tàu hộ vệ và 1 tàu tấn công của Pháp đã đi qua khu vực đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông.
Ngày 16/7, cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương - 2018 do Mỹ tổ chức ở vùng biển Honolulu (2 năm 1 lần) đã kết thúc. Cuộc tập trận này có 25 nước tham gia với 25.000 binh sĩ, bao gồm các nước xung quanh Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines... Cuộc tập trận này đã tổ chức 5 lần diễn tập bắn đạn thật và thực chiến.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines cho biết cái được của Philippines từ cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương là “trở nên thích ứng” với các nước đồng minh, học được cách “hợp tác thuận lợi với họ”.
Trung Quốc tức giận với những hành động nêu trên, thường phản ứng bằng các hành động. Trung Quốc thường lấy những chứng cứ lịch sử bịa đặt để khẳng định chủ quyền vô lý, phi pháp đối với phần lớn Biển Đông. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã chỉ rõ tính chất phi pháp này.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - 2018.
|
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã điều tàu chiến theo đuôi tàu chiến Australia và Pháp để theo dõi, đe dọa nhằm khẳng định vô lối rằng họ là "chủ nhân" của Biển Đông.
Báo chí Mỹ dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết trong tháng này, hải quân Trung Quốc đã điều một tàu trinh sát đến do thám cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - 2018.
Tháng 4/2018, Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trong thời gian hai ngày ở khu vực Biển Đông, lực lượng tham gia gồm 48 tàu chiến và 10.000 binh sĩ. Sau tập trận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia một cuộc duyệt binh trên biển quy mô chưa từng có của hải quân Trung Quốc, qua đó phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Biển Đông, Đài Loan là Tích Đông Nhạc (Jonathan Spangler) cho rằng Trung Quốc muốn đuổi các nước khác ra khỏi Biển Đông. Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc xung đột xảy ra trên Biển Đông.
Nhưng hành động của hải quân các nước phương Tây ở Biển Đông đã “ngăn chặn có hiệu quả” việc Trung Quốc xây dựng thêm đảo nhân tạo (phi pháp) ở Biển Đông.
Theo giáo sư Carl Thayer, hoạt động của các tàu chiến phương Tây trên Biển Đông có mô hình Chiến tranh Lạnh. Trong lịch sử, tàu chiến Mỹ và Liên Xô đã thăm dò vai trò ảnh hưởng của đối phương. Chẳng hạn, tàu chiến Mỹ và Liên Xô từng đối đầu ở Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cùng một số đồng minh của Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AFP.
|
Giáo sư Carl Thayer cho rằng do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama điều tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông, có thể đã buộc Trung Quốc phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Bắc Kinh và Manila đều tuyên bố có chủ quyền ở bãi cạn này. Năm 2015, cụm tấn công tàu sân bay Mỹ từng hoạt động tại đây.
Giáo sư Carl Thayer còn chỉ ra: “Hai bên đều đang làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng. Mỹ làm gì thì cũng bị Trung Quốc ngăn chặn. Vài năm trước có một cách nói là, anh làm 1 thì chúng tôi làm 1,5; anh làm 2 thì chúng tôi làm 2,5”.