Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 49 của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, ông Lâu đã hai lần khen ngợi thành tựu của công cuộc cải cách kinh tế biến nước Đức từ “người bệnh của châu Âu” trở thành một cường quốc kinh tế trong những năm 2000. Và theo ông, Trung Quốc nên học hỏi Đức việc tiến hành cải cách.
Đối mặt với việc tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ năm 1990, Trung Quốc đã phải đóng cửa những nhà máy thua lỗ, sa thải người lao động và cắt giảm nợ.
Theo Bloomberg đánh giá, mặc dù những thách thức mà Trung Quốc gặp phải hiện nay có khác biệt với những gì mà Đức phải đối mặt trong thời điểm chuyển giao thế kỷ, tuy nhiên nhu cầu cải cách của hai nước là giống nhau. Đó là nhu cầu phải nâng cao năng suất của nền kinh tế trong bối cảnh sự chống đối của các nhóm lợi ích có thay đổi.
Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh cũng đã tiến hành một số biện pháp nhằm hỗ trợ việc cải cách nền kinh tế của mình, như nới lỏng các mục tiêu tài chính, đào tạo và bố trí những người lao động bị sa thải vào những công việc mới, tái cơ cấu nợ của các công ty. Những nhà hoạch định chính sách của nước này cũng muốn tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để kêu gọi người dân bớt tiết kiệm, chi tiêu nhiều hơn.
Vào thời điểm những năm 2000, kinh tế Đức với một chương trình phúc lợi xã hội cồng kềnh chính là nền kinh tế lạc hậu và khả năng cạnh tranh yếu nhất châu Âu.
Năm 2003, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã sửa đổi luật lao động và cải tổ các chương trình xã hội. Những cải cách này, sau này được biết đến với tên gọi Cải cách Hartz, đã đưa đất nước này chuyển mình trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo ông Lâu, “Đức đã biết nắm bắt cơ hội và tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế. Cải cách cơ cấu là rất đau đớn. Nhưng chính việc cải cách này đã đặt nền tảng cho Đức bình yên vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nổi lên trở thành người dẫn đầu kinh tế khu vực”.
“Chúng tôi cũng vậy, nếu không cải cách, chúng tôi sẽ rơi xuống vực thẳm”, ông Lâu khẳng định.
Theo Blommberg, Một thế giới