Đây được xem là một tín hiệu cho thấy các áp lực suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang nhẹ bớt nhờ các biện pháp kích cầu bắt đầu phát huy tác dụng.
PMI ngành sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức 50,2 điểm trong tháng 3, từ mức 49 điểm trong tháng 2, và cao hơn dự báo 49,3 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này mới chỉ nhỉnh hơn chút ít so với ngưỡng 50 điểm - ranh giới giữa sự suy giảm và tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong 1 tháng.
Những tia hy vọng về sự chạm đáy của ngành sản xuất Trung Quốc đã dấy lên trong thời gian gần đây khi thống kê cho thấy lợi nhuận ngành này tăng 4,8% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi 7 tháng giảm liên tục trước đó.
Một số nhà phân tích nói rằng sự hồi phục này có thể xuất phát một phần từ việc thị trường bất động sản Trung Quốc khởi sắc kéo hoạt động xây dựng gia tăng, theo đó làm tăng nhu cầu các loại vật liệu xây dựng từ xi măng, kính cho tới sắt thép.
Gần đây, các công ty sản xuất thép kẹt tiền của Trung Quốc đã phải đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì dòng tiền, dẫn tới những cáo buộc về bán phá giá thép từ một số quốc gia.
Ngoài ra, giá năng lượng và hàng hóa cơ bản toàn cầu đã phục hồi trong mấy tuần gần đây, giúp cải thiện tình hình lợi nhuận tại các công ty dầu khí và khai mỏ trên toàn cầu, trong đó có các công ty của Trung Quốc.
Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã tăng 3% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng chỉ 1% đạt được trong cả năm ngoái. Tuy nhiên, một lượng nhà tồn kho lớn vẫn là nhân tố có thể cản trở sự phục hồi mạnh hơn của thị trường.
Một số nhà phân tích nói rằng niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cũng đã khởi sắc do những lo ngại về sự sụt giá mạnh của đồng Nhân dân tệ đã nhẹ bớt.
Một yếu tố khác bổ sung cho tâm lý lạc quan là lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Chỉ số PMI ngành dịch vụ Trung Quốc tăng lên mức 53,8 điểm trong tháng 3, từ mức 52,7 điểm trong tháng 2. Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của Trung Quốc liên tục sụt giảm thời gian qua, dịch vụ đã trởt hành một nguồn quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm ở nước này.
Theo VnEconomy