Trung Quốc kiềm tỏa người thân quan chức

Các vụ án tham nhũng phơi bày thực trạng chung là người thân của giới chức cấp cao Trung Quốc thường lợi dụng quan hệ cá nhân để trục lợi
Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang chỉ bị tù chung thân Ảnh: CCTV
Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang chỉ bị tù chung thân Ảnh: CCTV

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa quyết định mở rộng chương trình thí điểm hạn chế hoạt động kinh doanh của gia đình các quan chức nước này. Sau khi được triển khai đầu tiên ở TP Thượng Hải từ tháng 5-2015, chương trình sẽ được mở rộng sang 4 địa phương khác: thủ đô Bắc Kinh, TP Trùng Khánh, khu tự trị Tân Cương và tỉnh Quảng Đông.

Thể chế hóa

Tân Hoa Xã ngày 19-4 cho biết quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của tổ lãnh đạo trung ương về thúc đẩy cải cách toàn diện do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì một ngày trước đó. Chương trình thí điểm ở Thượng Hải là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng của ông Tập. Những quy định nghiêm ngặt đã được ban hành nhằm kiềm chế nạn tham nhũng trong giới quan chức thông qua các hoạt động kinh doanh của người nhà.

Cuộc họp hôm 18-4 không công bố chi tiết về những quy định sẽ được áp dụng ở 4 địa phương mới. Song, tuyên bố đưa ra sau đó nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ làm việc để quy định chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, đưa ra những quy tắc và thủ tục chi tiết để những người liên quan thực thi”. Tuyên bố cũng cho biết những quy định trên sẽ được thể chế hóa và đưa vào thực hiện lâu dài.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các vụ án tham nhũng liên tục được phanh phui đã phơi bày thực trạng chung là người thân của giới chức cấp cao Trung Quốc thường lợi dụng quan hệ cá nhân để trục lợi, khiến dư luận giận dữ. Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ đã khai trừ hàng ngàn “quan chức trần trụi” - tức có vợ/chồng và con cái di cư sang nước ngoài tẩu tán theo toàn bộ tài sản.

Hình phạt mơ hồ

Theo chương trình được thí điểm tại TP Thượng Hải từ tháng 5-2015, vợ/chồng và con cái của quan chức cấp cao không được đăng ký kinh doanh, đầu tư vào doanh nghiệp chưa được niêm yết, đăng ký kinh doanh ở nước ngoài rồi trở về nước làm ăn… Vợ/chồng của quan chức cấp cao cũng bị cấm nắm giữ các vị trí hàng đầu tại công ty tư nhân hoặc những vị trí cấp cao ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, con cái hoặc con dâu/con rể của họ không được mở các hoạt động kinh doanh trong địa bàn thành phố.

Những quan chức này còn phải báo cáo về công việc kinh doanh của người thân. Nếu có thành viên gia đình đang kinh doanh thì phải yêu cầu người nhà từ bỏ hoặc họ phải từ chức. Những quan chức không thực hiện theo quy định sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, hình phạt cụ thể đối với các vi phạm của quy định này lại không được nêu rõ.

Bước đi mở rộng nêu trên diễn ra sau vụ rò rỉ thông tin gần đây của Công ty Luật Mossack Fonseca (Panama). Theo “Hồ sơ Panama”, vài công ty nước ngoài có liên hệ với người nhà của một số quan chức cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ những thông tin mà họ cho là “vô căn cứ” này.

Trong một diễn biến liên quan, TAND Tối cao và VKSND Tối cao Trung Quốc hôm 18-4 đã đưa ra hướng dẫn mới đối với án tử hình dành cho tội danh tham nhũng. Theo đó, các đối tượng tham nhũng từ 3 triệu nhân dân tệ (NDT), tương đương hơn 10 tỉ đồng, sẽ đối mặt án tử hình. Theo quy định cũ có hiệu lực từ năm 1997, tham nhũng 100.000 NDT có thể lãnh án tử. Con số này không thay đổi cho đến khi bị bãi bỏ năm ngoái.

Bất chấp ngưỡng thấp ban đầu nêu trên, quan chức cao cấp tham nhũng nhiều tiền ít khi nào bị lãnh án tử hình trong những năm gần đây. Thay vào đó, họ thường bị kết án “tử hình treo”, tức được hoãn thi hành án trong 2 năm.

Chẳng hạn, cựu Bộ trưởng Bộ Đường sắt Lưu Chí Quân tham nhũng tới 60 triệu NDT nhưng chỉ bị kết án tử hình treo hồi năm 2013 rồi được hạ xuống tù chung thân. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang lãnh án tù chung thân hồi năm 2015 cho dù số tiền ông này và gia đình nhận hối lộ đến 129 triệu NDT.

Theo NLĐ