Vẫn theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, năm nay nước này sẽ tổ chức kỷ niệm lần thứ 70 Chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản và chiến tranh thế giới chống chủ nghĩa phát xít.
Bắc Kinh công bố rằng đến tháng Chín sẽ mời lãnh đạo các nước láng giềng ở châu Á đến dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, kể các nước thắng trận và thua trận.
Hiện tại, phía Nhật Bản chưa có phản hồi về chuyện Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có kế hoạch hiện diện tại cuộc diễu binh ở Bắc Kinh và các sự kiện kỷ niệm khác hay không.
Tuy vậy, lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường về tôn trọng bài học Thế chiến II được cho chính là trực tiếp hướng đến Tokyo.
Cũng trong dòng sự kiện, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cách đây ít ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã đề cập đến vấn đề lịch sử và kêu gọi đánh giá lịch sử chiến tranh thế giới thứ Hai một cách khách quan.
Nhật Bản không có phản ứng đáp lại tuyên bố này.
Trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với đài "Sputnik", giáo sư Su Hao ở khoa Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Trung Quốc giải thích sự im lặng ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản: "Nhật Bản và Đức là những nước bị đánh bại trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, cả hai nước đã tiến hành các bước để loại bỏ hậu quả xâm lược và tội ác chiến tranh".
Tuy nhiên, rõ ràng có sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận của hai nước đối với vấn đề này. Đức thừa nhận trách nhiệm của mình đối với các tội ác trong chiến tranh thế giới thứ Hai và chân thành xin lỗi các nước bị ảnh hưởng do hành động của họ. Bằng các hành động như vậy, Đức đã giải quyết phần lớn các vấn đề trong lịch sử của mình.
Nhật Bản ăn năn về quá khứ chưa đúng mức và không xin lỗi vì tội ác của họ. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều vấn đề giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa được giải quyết, vị giáo sư Trung Quốc nói trên viết.
Còn Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế của trường Đại học nhân dân Trung Quốc Zin Canrong, cũng trong bài trả lời phỏng vấn với Sputnik, cho biết: "Ở phương Tây, một số người đang có thái độ thành kiến chống Trung Quốc và Nga".
Do vậy, các hoạt động chung nhân dịp kỷ niệm Đại thắng lần thứ 70 sẽ tạo cơ hội để cho các nước phương Tây hiểu thêm về đóng góp của Trung Quốc và Nga cho chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, trong xây dựng sau chiến tranh, để loại bỏ thành kiến này và biểu lộ bản chất thân thiện của quan hệ Trung - Nga trong quan hệ với các nước thứ ba.
Như vậy, việc Nga và Trung Quốc tổ chức chung lễ kỷ niệm chung kỷ niệm 70 năm Chiến thắng liên quan trực tiếp đến việc chống sửa đổi kết quả chiến tranh thế giới thứ Hai và bảo vệ sự thật phổ biến trong lịch sử hậu chiến, ông này viết.
Theo: BizLive