Trung Quốc đề xuất tiêm phòng COVID-19 cho các nhà ngoại giao nước ngoài – liệu họ có nhận?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trung Quốc đã đề xuất tiêm ngừa COVID-19 cho các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh bằng các chủng vaccine nước này sản xuất, có khả năng ngay trong tháng này.
Trung Quốc có kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân số, nhưng không bao gồm người nước ngoài (Ảnh: AP)
Trung Quốc có kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân số, nhưng không bao gồm người nước ngoài (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, đề xuất này tạo nên nhiều phản ứng khác nhau trong cộng đồng các nhà ngoại giao nước ngoài, do quan ngại về việc các mũi tiêm có thể làm phức tạp kế hoạch di chuyển của họ trong tương lai.

SCMP dẫn các nguồn tin ngoại giao nói rằng, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này thông báo với họ rằng rằng họ có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinopharm sản xuất.

Các nhà phát triển chủng vaccine này nói nó có tỷ lệ hiệu quả 79% trong ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng và được phê duyệt để sử dụng rộng tải ở Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái. Nó được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 7/2020 và được tiêm cho một số quan chức cấp cao, nhà ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm bấy giờ.

Vaccine của Sinopharm đã trải qua giai đoạn 3 thử nghiệm trên người ở 10 quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, UAE, và được cấp phép để sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia khác nhưng đến nay các nhà phát triển vẫn chưa công bố kết quả chi tiết của các cuộc thử nghiệm.

Vaccine này cũng đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem xét để phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Một nhà ngoại giao châu Âu, yêu cầu giấu tên, nói với SCMP rằng đề nghị của phía Trung Quốc có thể là tin tốt đối với các bị đại sứ đến từ những quốc gia đã phê chuẩn chủng vaccine của Sinopharm hoặc vẫn chưa có vaccine nào.

“Chúng tôi đang do dự, bởi chúng tôi muốn được tiêm vaccine được phát triển ở đất nước chúng tôi” – nhà ngoại giao trên nói, nhắc tới vaccine được phát triển bởi các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford.

Mặc dù 2 trong số các chủng vaccine trên đã nằm trong thỏa thuận cấp phép với các công ty Trung Quốc để được nhập khẩu hoặc sản xuất ở Trung Quốc, nhưng đến nay chưa có chủng vaccine nước ngoài nào được phê duyệt ở Trung Quốc.

“Trở về nước để tiêm vaccine sau đó lại tới Trung Quốc thì quá phức tạp. Kháng thể có được nhờ tiêm vaccine có thể khiến việc đi vào Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, do cuộc xét nghiệm kháng thể” – nhà ngoại giao nói thêm.

Trung Quốc có quy định những hành khách tới lãnh thổ của họ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới và kháng thể IgM (Immunoglobulin M) – lớp kháng thể đầu tiên được sản sinh để chống lại sự truyền nhiễm – trong vòng 48 giờ trước khi lên máy bay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các cuộc xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm vaccine rất phức tạp và đang làm việc để đảm bảo rằng những người đã được tiêm vaccine có thể đi vào Trung Quốc một cách thuận lợi khi đáp ứng đủ các điều kiện khác.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn bị từ chối cho vào Trung Quốc, chính vì do các cuộc xét nghiệm như vậy.

Một số Đại sứ quán các nước đang đàm phán với Bắc Kinh để làm rõ các quy trình này, cho phép các nhà ngoại giao của họ bay về nước để tiêm vaccine và sau đó trở lại Trung Quốc một cách suôn sẻ.

Một nhà ngoại giao châu Á nói với SCMP rằng ông “bất ngờ” trước đề xuất của Trung Quốc và sẽ chờ đợi có thể chỉ đạo từ nước mình trước khi đưa ra quyết định.

“Một điều cần cân nhắc là liệu có nên tiêm chủng vaccine chưa được phê chuẩn ở nước tôi hay không. Chúng tôi không biết liệu các chủng vaccine đó có được công nhận hay không, nếu như có một cái gọi là hộ chiếu vaccine để cho phép di chuyển trong tương lai” – nhà ngoại giao nói.

Một nhà ngoại giao khác nói rằng sẽ thuận tiện hơn nhiều nếu như Trung Quốc “bật đèn xanh” cho một chủng vaccine đã được phê chuẩn ở nhiều khu vực khác của thế giới.

Công ty Fosun của Trung Quốc, chịu trách nhiệm thương mại hóa vaccine của Pfizer-BioNTech, đã liên hệ với một số Đại sứ quán về việc tiêm vaccine cho các nhà ngoại giao và nhân viên không phải người Trung Quốc ở các công ty nước ngoài, nhưng các mũi tiêm này chưa thể được thực hiện cho đến khi chủng vaccine trên chính thức được phê duyệt ở Trung Quốc.

Vaccine của AstraZeneca-Oxford – được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở Liên minh châu Âu (EU) và bởi WHO – có thỏa thuận cấp phép với BioKangtai, có trụ sở ở Thâm Quyến, có cơ sở sản xuất sẵn có nhưng vaccine này cũng chưa được phê duyệt ở Trung Quốc.

Tính đến nay có khoảng 52 triệu liều vaccine đã được Trung Quốc tiếp nhận. Chính quyền nước này đang tập trung vào tiêm chủng cho các nhân viên chủ chốt và những người có rủi ro cao nhiễm hoặc làm lây lan COVID-19. Trung Quốc có kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân số vào tháng 7/2021, nhưng chương trình này không bao gồm những người nước ngoài.