Tờ Wall Street Journal ngày 7/7 cho biết, theo những nguồn tin nội bộ, các quan chức Trung Quốc hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng vụ kiện của Nicaragua như một tiền lệ cho phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) sắp tới, nhằm đối phó với phản ứng dư luận quốc tế.
Quyết tâm của Trung Quốc trong việc bác bỏ phán quyết của PCA là điều hiếm hoi, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ.
Đã từng có một sự kiện tương tự xảy ra trong quá khứ với bên bác bỏ phán quyết chính là Mỹ.
Năm 1986, Tòa án Quốc tế tại La Haye đưa ra phán quyết có lợi cho Nicaragua trong vụ kiện Mỹ đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy Contra tại Nicaragua nhằm phá hoại chính quyền xã hội chủ nghĩa tại đây.
Mỹ đã tẩy chay toàn bộ phiên tòa, cho rằng tòa không có quyền xét xử vụ kiện này, đồng thời từ chối tuân thủ phán quyết.
Mỹ sau đó còn dùng vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bác bỏ một nghị quyết yêu cầu Mỹ tuân thủ phán quyết, dù đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.
Washington chỉ chịu dừng hỗ trợ lực lượng nổi dậy khi bị Quốc hội Mỹ ngăn cản vào năm 1988.
Vụ kiện Biển Đông của Philippines cũng là một trường hợp tương tự khi một nước nhỏ chống lại một láng giềng khổng lồ.
Dù vậy, Trung Quốc sẽ sớm nhận ra rằng, dù họ có thể đàm phán với Philippines để tránh thực thi kết quả vụ kiện, nhưng họ vẫn sẽ phải đối mặt với một áp lực to lớn trong tham vọng hàng hải của mình.
Mỹ và các nước đồng minh sẽ tăng cường thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP). Những nước có tranh chấp khác cũng có thể sẽ kiện Trung Quốc.
Cuối cùng, sau hàng chục năm đóng vai trò người ủng hộ các quốc gia nhỏ đang phát triển, Trung Quốc sẽ bị nhìn nhận là đang hành xử như một siêu cường chỉ quan tâm tới bản thân và bất chấp luật pháp quốc tế.