Ngày mai 12/7/2016, Tòa trọng tài PCA ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tiếp tục chia sẻ, đưa ra một số nhận định về sự kiện này.
Phản ứng của Trung Quốc
Như báo chí đưa tin, dự kiến ngày 12/7/2016 tới đây, PCA sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo ông sẽ có những kịch bản nào xảy ra?
- Theo tôi sẽ có 3 tình huống xảy ra. Một là, PCA đồng ý hoàn toàn với lập luận của Philippines, bác bỏ Đường lưỡi bò (ĐLB); không có bất kỳ cấu trúc nào tại Trường Sa là đảo có vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (TLĐ). Trong trường hợp này Việt Nam có thuận lợi để đấu tranh bảo vệ vùng ĐQKT và TLĐ trước yêu sách ĐLB.
Các cấu trúc nổi ở Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý; 2/3 diện tích vùng nước quần đảo Trường Sa thuộc vùng ĐQKT của Philippines (ta có 5 đảo nổi và 6 đảo chìm trong vùng ĐQKT 200 hải lý của Philippines). 1/3 vùng nước còn lại thuộc chế độ biển cả. Đây được coi là kịch bản thuận lợi nhất.
Tình huống thứ hai, PCA bác bỏ ĐLB nhưng cho rằng có thể có một số cấu trúc ở Trường Sa có vùng ĐQKT và TLĐ. Nếu vậy thì 3 cấu trúc lớn nhất là Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc được hưởng vùng ĐQKT và TLĐ riêng sẽ tạo ra vùng chồng lấn với vùng ĐQKT và TLĐ từ đất liền của nước ta. Đây là kịch bản trung bình.
Ba là, tình huống xấu: PCA tuyên bố không có thẩm quyền xét xử yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quôc dựa trên yêu sách ĐLB hoặc xem xét nhưng công nhận toàn bộ hoặc một phần của yêu sách này. Đây là tình huống rất xấu, tác động lớn đến các nước trong khu vực. Vì, nếu như vậy thì 80% diện tích Biển Đông nằm trong vùng tranh chấp với Trung Quốc.
Nếu PCA ra phán quyết “đường 9 đoạn” là vô hiệu. Theo ông. Chính quyền Trung Nam Hải sẽ phản ứng như thê nào?
- Trước hết phải nói rằng Trung Quốc đã bắt đầu phản ứng rồi chứ không cần đợi tới lúc PCA ra phán quyết. Ví dụ, gần đây nhất là tuyên bố tập trận ở Biển Đông từ ngày 5 đến 11/7, tức sát một ngày cho đến ngày 12/7 khi PCA ra phán quyết.
Đấy là một phản ứng. Phản ứng thứ hai nữa là việc lôi kéo một số nước Đông Nam Á ra tuyên bố không chấp nhận hay không ủng hộ phán quyết của PCA. Cụ thể như trường hợp Campuchia. Rồi tiếp nữa, Trung Quốc loay hoay trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của một số nước khác ở Nam Mỹ hoặc Châu Phi không dính dáng đến khu vực này ủng hộ Trung Quốc.
Dư luận quốc tế cũng cho rằng, sau khi có phán quyết của PCA Trung Quốc sẽ hành động hung hăng hơn, kể cả biện pháp gây hấn, để khẳng định rằng họ không chấp nhận PCA, Cụ thể Trung Quốc có thể tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông; có thể khiêu khích với Nhật Bản trong việc liên quan đến đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư). Đồng thời Trung Quốc cũng có thể mạnh mẽ hơn nữa tiến hành bồi đắp đảo Scarborough mà Trung Quốc đang kiểm soát ...
Còn với Việt Nam chúng ta, Trung Quốc có thể có những hành động như thế nào, theo ông?
- Theo tôi, Trung Quốc có thể có những hành động mang tính chấn áp Việt Nam. Ví dụ, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã bị tàu phía Trung Quốc đâm hồi cuối tháng vừa rồi. Những hành vi đó của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang muốn tỏ rõ sức mạnh bằng vũ lực của mình để không chấp nhận phán quyết của PCA.
Ngày 10/7, đúng như dự đoán của TS Hoàng Ngọc Giao, 4 tàu Trung Quốc đã rượt đuổi, phối hợp ngăn cản, đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi khiến người dân Việt Nam vô cùng căm phẫn và bức xúc.
Tuy nhiên điều đó cho thấy Trung Quốc đang rất lo ngại về phán quyết của Tòa chứ không phải Trung Quốc bàng quang, thờ ơ, như báo chí Trung Quốc từng rêu rao. Tại sao lại như vậy? Bởi nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc sẽ tạo ra một căn cứ pháp lý cho các quốc gia ven Biển Đông đấu tranh với Trung Quốc mà dư luận quốc tế cũng sẽ làm căn cứ để “ép” Trung Quốc trong các vấ đề ngoại giao.
Trung Quốc, thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ không thể đứng lên tuyên bố không chấp hành luật pháp quốc tế được.
Chúng ta biết rằng quốc tế có luật chơi quốc tế, không một nước nào dù hùng mạnh đến đâu mà lại dại dột ngang nhiên bác bỏ luật pháp quốc tế. Bởi vì, hành vi bác bỏ luật pháp quốc tế có nghĩa rằng anh trở nên một kẻ phá rối, anh trở nên một đối tác không có tin cậy trong quan hệ quốc tế.
Thế thì Trung Quốc, theo tôi, chắc Trung Quốc cũng ý thức được điều đó, sự hung hăng của họ như một phép thử cố nữa thôi, chứ còn nếu dấn thêm nữa để dùng vũ lực gây chiến, thậm chí để xảy ra xung đột với Mỹ hay hay Đài Loan thì Trung Quốc sẽ lại trượt theo con đường giống như nước Nga của Putin khi hành sử với Crimea.
Cho đến thời điểm này, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là EU cũng như Hoa Kỳ và các nước trong khu vực chưa có biện pháp nào mang tính tẩy chay cô lập Trung Quốc về kinh tế, chính trị giống như Nga. Nhưng Trung Quốc đừng nghĩ họ sẽ không chịu những trừng phạt như vậy.
Thái độ của Hoa Kỳ
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Mỹ. Theo ông thì liệu Hoa Kỳ đã chuẩn bị một phương án xấu nhất là Trung Quốc có thể gây hấn ở Biển Đông, liều lĩnh đánh chiếm một đảo nào đấy với của Việt Nam hoặc Philippines?
- Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể liều như vậy, nếu họ còn muốn tính tới chuyện phải duy trì quan hệ với các quốc gia trên thế giới để đảm bảo sự phát triển của mình.
Chúng ta biết rằng Trung Quốc hiện nay cũng đang gặp rất nhiều chuyện nội bộ cần phải giải quyết như vấn đề sắc tộc, các khu vực nghèo đói, về thể chế của họ... Năm vừa qua là vấn đề kinh tế, thị trường chứng khoán của họ, nợ doanh nghiệp rất lớn.
Nếu bây giờ Trung Quốc liều lĩnh có những hành vi dùng vũ lực giả sử như đánh chiến một số đảo Trường Sa, hoặc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không; trong khi Mỹ không chấp nhận điều đó và nổ ra xung đột thì liệu Trung Quốc có nghĩ đến khả năng xuất nhập khẩu, thương mại của Trung Quốc với Mỹ và các nước EU sẽ bị cấm vận.
Nếu điều đó xảy ra thì sẽ vô cùng khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Tôi nghĩ Trung Quốc đủ tỉnh táo để không có những hành động phiêu lưu, dại dột như vậy
Còn khối ASEAN, nói chung, và từng nước ASEAN, nói riêng, sẽ phản ứng như thế nào khi PCA ra phán quyết?
- Theo tôi khối ASEAN sẽ khó có tiếng nói đồng nhất. Trên thực tế chúng ta thấy rồi. ASEAN là tập hợp các quốc gia, có thể nói, thiếu sự đồng nhất về thể chế chính trị, về trình độ phát triển và ASEAN còn có một nguyên tắc nữa là nguyên tắc đồng thuận.
Điều đó buộc các nước ASEAN muốn có một quan điểm chung thì phải đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia, trong khi đó chúng ta biết rằng lợi ích quốc gia của một số thành viên ASEAN lại gắn với Trung Quốc.
Do đó đạt được sự đồng thuận với tư cách một khối là hầu như không thể. Vì vậy, ASEAN có thể sẽ không có tuyên bố chung hoan nghênh phán quyết của PCA tuyên bố “đường lưỡi bò” là vô hiệu.
Còn về từng nước thì như chúng ta đã thấy, phát biểu của ông Hun Sen gần đây cho thấy là Campuchia sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA và đề nghị các bên liên quan trực tiếp đàm phán với nhau. Với Lào chúng thì cũng vậy. Họ cũng sẽ lảng tránh vấn đề này, vì ảnh hưởng của Trung Quốc với Lào không phải là ít.
Thái Lan cũng sẽ lảng tránh vì gần đây họ bị phương Tây lên án nhiều về nhân quyền trong việc đàn áp các cuộc biểu tình. Hơn nữa Thái Lan lại đang có ý định mua nhiều vũ khí của Trung Quốc
Còn những nước có có liên quan trực tiếp tới khu vực Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Malaysia, một phần nào đó là Indonesia, Brunei, thì theo tôi, sẽ có những phản ứng ở những chừng mực khác nhau. Trong đó, Philippines, Malaysia, Indonesia sẽ có phản ứng tương đối rõ rệt hơn.
Phản ứng của Philippines và hành động của Việt Nam
Ông có thể phân tích sâu hơn về lập trường của Philippines, đối tượng chính trong vụ kiện này, sẽ thể hiện ra sao, nhất là từ khi có Tổng thống mới? Họ có thay đổi lập trường không?
- Philippines đang quyết tâm theo đuổi vụ kiện, coi đây là biện pháp đấu tranh chính; vận động các nước ASEAN phát biểu gây sức ép với Trung Quôc. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi Tổng thống mới Duterte hé lộ đàm phán song phương với Trung Quốc.
Các nước ASEAN tỏ ra quan tâm tới diễn biến và kết quả vụ kiên (5 nước cử đoàn quan sát viên). Tuy nhiên, dưới sức ép của Trung Quốc, thái độ các nước khác nhau.
Khó có khả năng ra tuyên bố chung về vụ kiện. Rât có thể sau khi PCA ra phán quyết, những nước ra tuyên bố mạnh sẽ là Indonesia, Singapore, Malaysia; Brunei: mập mờ; Lào: có thể tuyên bố nhưng nhẹ nhàng, trung dung; còn Campuchia phải theo dõi thêm.
Còn Việt nam chúng ta thì sao, thưa ông?
-Chúng ta đều biết, ngày 05/12/2014, Việt Nam đã gửi tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho Tòa; đã cử Đoàn đi dự cả hai phiên tranh tụng. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt nam đã 8 lần phát biểu bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vụ kiện rồi.
Có thể nói quan hệ Việt nam-Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào lãnh hải Việt Nam. Từ dó đến nay Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động khiêu khích. Các tàu của Trung Quốc đã tấn công tàu đánh cá, thậm chí là cả tàu tuần tra của Việt Nam.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thấy có một thực tế là quan hệ về chính trị, lẫn kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc gắn với nhau khá chặt. Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đủ loại. Ở mức độ thấp hơn, hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản vào Trung Quốc cũng không bị kiểm duyệt ngặt nghèo về chất lượng.
Rồi thì các dự án lớn do các Công ty của Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam cũng rất nhiều, mặc dù chất lượng các công trình còn đang là những vấn đề gây tranh cãi. Vì vậy, Việt nam chúng ta sẽ khó có những tuyên bố mạnh mẽ nếu PCA phán quyết yêu sách về “đường chín đoạn” của Trung Quốc là vô hiệu.
Việt Nam tôn trọng phán quyết của PCA
Chính phủ Việt Nam luôn tuyên bố, đường lối đối ngoại và quan điểm của chúng ta trong vấn đề Biển Đông là nhất quán: chúng ta ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có cơ chế tài phán quốc tế, tôn trong sự lựa chọn phương thức giải quyết của các quốc gia.
Bảo lưu quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông. Theo dõi sát sao vụ kiện và sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
>> Tham khảo phân tích và nhận định trước đó của ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về 7 vấn đề chính mà tòa PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết. >> Theo dõi tình hình Biển Đông mới nhất tại đây. |