Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 8/7 dẫn lời ông Abraham Denmark - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á phát biểu tại một phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ ngày 7/7 cho biết Trung Quốc đã triển khai (bất hợp pháp) tên lửa chống hạm trên các đảo đá "tranh chấp" ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ công khai xác nhận đối với hoạt động này.
Ông Abraham Denmark nói: Trung Quốc "đã triển khai hệ thống radar, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không, đồng thời đã triển khai máy bay chiến đấu luân phiên trực chiến".
Ông Abraham Denmark không cho biết rõ Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm ở khu vực cụ thể nào, nhưng ông chỉ trích Bắc Kinh "đơn phương làm thay đổi cục diện chiến lược của Biển Đông".
Ông nói với Tiểu ban lực lượng trên biển và điều động binh lực thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ: "Một khi làm xong và nhận được trang bị, những công trình này sẽ giúp Bắc Kinh tăng mạnh các yêu sách lãnh thổ và biển cũng như khả năng điều động lực lượng tới khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc".
Trật tự khu vực: Luật pháp quốc tế hay sức mạnh
Ngoài việc xác nhận Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, trước thềm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông Abraham Denmark nhận định phán quyết sắp tới của PCA có thể quyết định tương lai trật tự khu vực sẽ được quyết định bằng luật pháp quốc tế hay sức mạnh.
Ông đề nghị Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của PCA.
Ông Abraham Denmark lấy ví dụ năm 2014 PCA đã đưa ra phán quyết chống lại Ấn Độ và ủng hộ Bangladesh trong một vụ tranh chấp biển kéo dài 3 thập kỷ.
Ấn Độ đã tuân thủ phán quyết này và thừa nhận phán quyết của tòa quốc tế sẽ giúp tăng cường thiện chí và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Theo đó, ông Denmark khuyến khích Trung Quốc làm theo Ấn Độ.
Ông Abraham Denmark còn đề cập đến cuộc đàm phán thành công về vấn đề ranh giới biển giữa Indonesia và Philippines để chứng minh rằng các nước trong khu vực có thể tìm được các biện pháp giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình.
Ông Abraham Denmark kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh có các hành động và tuyên bố khiêu khích.
Ông Denmark cho biết “không chắc chắn” các nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông sẽ phản ứng như thế nào trong vài tháng tới sau khi PCA đưa ra phán quyết, nhưng ông cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ định hình tương lai của khu vực.
Mỹ sẽ làm hết sức ngăn chặn vũ lực
Ông khẳng định, hiện nay, Mỹ cũng đang hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông bằng cách thể hiện khả năng “răn đe tin cậy”.
Việc Hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai là “trung tâm chiến lược của chúng tôi nhằm tăng cường nguyên tắc, dựa vào luật pháp để duy trì sự ổn định và phồn vinh của khu vực”.
Là một phần trong các nỗ lực thể hiện Mỹ quyết tâm "bay, chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép", tàu sân bay USS Ronald Reagan của quân đội Mỹ sẽ tiến hành hoạt động hàng ngày trên Biển Đông trong mùa hè năm nay – ông Denmark tiết lộ.
Ông Denmark còn nhấn mạnh, Mỹ đã và đang hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực, trong đó có Philippines để tăng cường năng lực hàng hải cho các nước này.
Mỹ sẽ làm hết sức mình về mặt ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ một bên tranh chấp sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông.